Đưa văn hóa dân gian vào trường học: Chủ trương hay cần nhân rộng

Nhiều năm trở lại đây, các trường học trên địa bàn TPHCM đã chú trọng đưa các trò chơi dân gian, hát dân ca vào giờ chơi và các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tạo được hứng thú cho học sinh. Hàng loạt trò chơi “lạ mà quen” như nhảy bao bố, nhảy lò cò, đi cà kheo, chơi ô ăn quan, biểu diễn đàn tranh… đã trở nên quen thuộc với học sinh. Đây là một trong những hoạt động hướng đến chủ trương xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục TPHCM.
Đưa văn hóa dân gian vào trường học: Chủ trương hay cần nhân rộng

Nhiều năm trở lại đây, các trường học trên địa bàn TPHCM đã chú trọng đưa các trò chơi dân gian, hát dân ca vào giờ chơi và các buổi sinh hoạt ngoại khóa, tạo được hứng thú cho học sinh. Hàng loạt trò chơi “lạ mà quen” như nhảy bao bố, nhảy lò cò, đi cà kheo, chơi ô ăn quan, biểu diễn đàn tranh… đã trở nên quen thuộc với học sinh. Đây là một trong những hoạt động hướng đến chủ trương xây dựng “Trường học thân thiện, học sinh tích cực” của ngành giáo dục TPHCM.

Trò chơi dân gian: “Vui, bổ, rẻ”

Có mặt tại sân Trường Tiểu học Nguyễn Trường Tộ (quận 4) vào giờ ra chơi, có rất đông học sinh háo hức đứng xung quanh khu vực vẽ sẵn các ô lò cò. Minh Quân, học sinh lớp 5, cho biết trước đây do sân trường chật hẹp, giờ ra chơi em chỉ quanh quẩn chơi vài trò quen thuộc như đá cầu, bắn bi. “Mấy lần em đem banh vào trường đá nhưng không dám chơi vì sợ trúng bạn, muốn chơi trò trốn tìm, đuổi bắt cũng khó vì không có chỗ cho tụi em chạy giỡn. Nhưng từ khi sân trường được các thầy cô vẽ sẵn mấy ô lò cò, lớp em ai cũng thích vì trò này không cần nhiều khoảng trống, các bạn có thể luân phiên thay nhau chơi”, Quân cho biết. Theo quan sát của chúng tôi, dù diện tích sân trường khá nhỏ nhưng những người phụ trách đã khéo léo bố trí 3 dãy ô lò cò trải đều trên cả chiều dài sân, giúp học sinh có đủ không gian chơi đùa và hò reo, cổ vũ.

Đưa trò chơi dân gian vào trường học giúp học sinh có thêm hiểu biết về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc

Tương tự, tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng (quận 3), sân trường được chia thành nhiều khu vực chơi các trò như ô ăn quan, đi cà kheo, gánh lúa qua cầu khỉ… Gia Minh, một học sinh của trường, cho biết hầu hết các trò đều có luật chơi rất dễ nhớ, có trò chơi đòi hỏi phải suy nghĩ nhưng cũng có trò chỉ cần một chút khéo léo, tập trung là có thể giành chiến thắng. Ngoài ra, vào một số buổi học ngoại khóa, học sinh ở đây còn được trải nghiệm nghề làm gốm, điều mà trước đây chỉ được thấy trên ti vi hoặc qua lời kể của ba mẹ. Không chỉ có tác dụng thư giãn, giải tỏa áp lực sau những giờ học căng thẳng, rèn luyện cho học sinh một số kỹ năng sống cần thiết như sự khéo léo, tinh thần đồng đội, trò chơi dân gian còn giúp các em có thêm hiểu biết về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc, hướng các em đến những hoạt động giải trí lành mạnh, tránh xa các trò chơi điện tử, bạo lực. 

Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 5 chia sẻ, hầu hết trò chơi dân gian đều không tốn nhiều chi phí đầu tư, quản lý. Trường nghèo chỉ cần bỏ ra vài chục ngàn mua phấn hoặc vôi trắng, trang bị thêm một ít vật dụng như giấy kẻ ô, sỏi trắng là học sinh đã có một sân chơi trí tuệ bổ ích. Trường nào có điều kiện hơn có thể mời nghệ nhân đến dạy học sinh cách làm gốm, tạo dựng tiểu cảnh nhà tre, cầu khỉ, thường xuyên phát các bài hát dân ca vào mỗi giờ ra chơi hoặc giờ tập thể dục, giúp học sinh bồi đắp nhiều hơn tình yêu quê hương, đất nước. Vì vậy, có thể nói đưa văn hóa dân gian vào trường học là hình thức tổ chức sinh hoạt ngoại khóa tiết kiệm nhưng đem lại hiệu quả to lớn. 

Cần được tiếp sức dài hơi

Đầu năm 2014, Trường Tiểu học Lạc Long Quân (quận 11) đã khánh thành thư viện đạt chuẩn hiện đại đầu tiên ở trường tiểu học. Trong đó, ngoài các khu vực đọc sách, học tiếng Anh, chiếu phim tư liệu, thư viện còn có phòng triển lãm và sử dụng các loại nhạc cụ dân tộc, giúp học sinh có thêm cơ hội tiếp cận và học cách sử dụng các loại nhạc cụ. Tuy nhiên, ghi nhận cho thấy kinh phí trang bị các loại nhạc cụ đều đến từ sự đóng góp của phụ huynh, mỗi lần mời nghệ nhân đến trường biểu diễn đều phải kêu gọi tài trợ. Tương tự, tại các trường tiểu học Trần Bình Trọng, Bàu Sen, Minh Đạo (quận 5), hoạt động của câu lạc bộ âm nhạc dân tộc đã đi vào ổn định nhưng vẫn dựa vào sự ủng hộ của một số thành viên “chủ lực”. Mơ ước của các trường hiện nay là có một phòng chức năng dành riêng cho việc dạy nhạc, nhưng trước áp lực sĩ số, phòng ốc ưu tiên bố trí lớp học nên hiện tại hầu hết các trường đều tổ chức khu vực dạy nhạc nằm chung với thư viện. Ngay cả nguồn tư liệu bài hát dân ca phát cho học sinh nghe trong giờ chơi, nhiều đơn vị cho biết cũng còn eo hẹp. “Nhiều khi cả học kỳ chỉ phát quanh đi quẩn lại vài bài quen thuộc. Vì không phải giáo viên dạy nhạc nào cũng được đào tạo bài bản về âm nhạc dân tộc, nên dù có ý thức lồng ghép văn hóa dân gian vào các hoạt động dạy học, nhưng triển khai đến đâu còn phụ thuộc vào khả năng, sự hiểu biết và nhất là… túi tiền của các thầy, cô giáo”, hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 3 bày tỏ.     

Qua đó cho thấy đưa văn hóa dân gian vào trường học là một chủ trương hay nhưng hiện tại mới dựa vào sự “tự thân vận động” của các trường là chính. Về lâu dài, cần có thêm nhiều hướng dẫn, chỉ đạo về mặt chuyên môn lẫn sự phối hợp giữa hai cơ quan quản lý về văn hóa và giáo dục để văn hóa dân gian bước vào trường học một cách bài bản và đạt hiệu quả cao hơn. Thêm vào đó, Sở Giáo dục - Đào tạo TPHCM cần mở thêm các lớp tập huấn, bồi dưỡng về kiến thức âm nhạc dân tộc cho giáo viên dạy nhạc ở các trường tiểu học, để qua đó tiếp thêm ngọn lửa say mê âm nhạc truyền thống cho học sinh, hướng các em đến những giá trị cội nguồn cao quý.


Minh Quân

Tin cùng chuyên mục