Không được tùy tiện thu phí visa

Như Báo SGGP đã đưa tin, mặc dù quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1-7-2015, công dân đến từ 5 quốc gia gồm Italia, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Pháp được miễn thị thực (visa) nhưng sáng 1-7, tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), nhiều du khách đến từ 5 quốc gia trên vẫn phải trả phí visa 45 USD/người.
Không được tùy tiện thu phí visa

Như Báo SGGP đã đưa tin, mặc dù quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bắt đầu từ ngày 1-7-2015, công dân đến từ 5 quốc gia gồm Italia, Đức, Tây Ban Nha, Anh và Pháp được miễn thị thực (visa) nhưng sáng 1-7, tại cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Hà Nội), nhiều du khách đến từ 5 quốc gia trên vẫn phải trả phí visa 45 USD/người.

Ngày 3-7, ông Nguyễn Văn Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định sẽ kiểm tra và sẽ có ý kiến chính thức về việc này.

* Phóng viên: Như Báo SGGP đã thông tin, ngày 1-7 vừa qua, du khách đến từ một số nước như Đức, Tây Ban Nha... vẫn phải đóng phí. Ông có ý kiến gì về vụ việc trên?

* Ông NGUYỄN VĂN TUẤN: Điều đó không thể chấp nhận được! Nghị quyết của Chính phủ về việc miễn giảm phí visa cho một số thị trường du lịch trọng điểm ở châu Âu có hiệu lực từ 1-7, đã được phổ biến tới tất cả các bộ ngành liên quan. Không chỉ thế, cách đây ít ngày Tổng cục An ninh - Bộ Công an và Tổng cục Du lịch cũng đã tổ chức hội nghị tập huấn để phổ biến các quy định về xuất nhập cảnh và visa. Do đó, nếu vẫn xảy ra trường hợp như trên là cố tình làm sai! Với tư cách là cơ quan quản lý du lịch, chúng tôi sẽ nắm lại thông tin chính thức để có văn bản gửi sang cơ quan liên quan.

Thu hút khách du lịch cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban ngành.

* Xoay quanh vấn đề miễn visa đối với du khách đến từ một số nước, có ý kiến cho rằng miễn visa không phải cứu cánh với du lịch Việt Nam trong thời điểm này?

* Không nên bàn riêng về chuyện visa để khắc phục những yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh du lịch. Ngành du lịch cùng lúc giải quyết nhiều vấn đề để kéo khách tới Việt Nam. Thứ nhất, cần tạo thuận lợi cho việc tiếp cận visa, chính sách tốt nhất là mở rộng diện miễn visa cho khách du lịch. Các cơ quan ngoại giao cố gắng cải thiện thủ tục cấp visa nhưng “cởi mở” đến mấy cũng không bằng miễn visa. Hiện một số nước muốn phát triển du lịch đã áp dụng chính sách miễn visa cho những thị trường trọng điểm, nên chúng ta có cải thiện đến mấy cũng không thể cạnh tranh với họ về chính sách miễn visa. Thứ hai, chúng ta cần có nhiều thông tin, kết nối với các thị trường trên thông qua việc xây dựng các đường bay quốc tế, từ Việt Nam đến thị trường du lịch trọng điểm. Vừa qua, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ GTVT mở cửa bầu trời, để doanh nghiệp hàng không Việt Nam phát triển đồng thời với hãng hàng không quốc tế. Thứ ba, việc quảng bá xúc tiến du lịch đổi mới cơ bản trên 3 phương diện: Huy động nguồn lực có tiền; đội ngũ phải chuyên nghiệp có hiệu quả; huy động bên đối tác liên quan tham gia, quá trình đang tiếp tục đổi mới.

Cùng đó, môi trường du lịch phải đảm bảo. Vừa qua, Thủ tướng đã ký Chỉ thị 14 để khắc phục những hạn chế yếu kém, nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch. Điểm nổi bật là chỉ rõ trách nhiệm của chính quyền UBND các cấp, trong đó chỉ rõ chủ tịch UBND các tỉnh, thành phải chịu trách nhiệm về các vấn đề. Tập trung khắc phục 6 vấn đề Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nêu lên, đó là nạn chặt chém du khách, ăn xin, an toàn giao thông, vệ sinh ăn uống, vệ sinh môi trường, công tác quản lý nhà nước về du lịch... Nếu chỉ riêng ngành du lịch thì không thể làm được mà cần phải có sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Ngành du lịch chỉ làm nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc, giám sát, không làm thay được nhiệm vụ của chính quyền. Về phía Bộ VH-TT-DL cũng phải có kế hoạch hành động triển khai chỉ thị này.

* Một trong những bài toán nhằm tăng năng lực cạnh tranh mà ngành du lịch đưa ra trong nhiều năm qua là tạo ra được nhiều sản phẩm độc đáo, khác biệt, nhưng thực tế lại chưa được như vậy. Tổng cục Du lịch có định hướng gì?

* Chúng ta không những có sản phẩm du lịch độc đáo, mang tầm quốc gia mà thế giới đã công nhận như hang động Sơn Đoòng, Hạ Long, Hội An, bãi biển Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc... Bước đầu chúng ta đã có các sản phẩm du lịch nhưng tiếc là sản phẩm không chưa đủ mà cần phải đồng bộ. Không chỉ có tài nguyên mà cần phải đầu tư cả về hạ tầng cơ sở dịch vụ, tổ chức dịch vụ quản lý điểm đến, tiếp tục đổi mới cải thiện. Chính địa phương phải chọn điểm khác biệt, định hướng trong việc xây dựng ra các sản phẩm cạnh tranh mang lại giá trị khác biệt, tránh sự trùng lặp để tạo ra hấp dẫn.

* Tính liên kết địa phương lâu nay vẫn là điểm yếu của du lịch?

* Liên kết là phương châm, là xu hướng chung của ngành du lịch nhưng thực hiện liên kết không dễ dàng. Muốn liên kết phải có chính sách, phải có người biết chuyển hóa thành những sản phẩm, đem lại hiệu quả cụ thể.

* Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch được kỳ vọng sẽ tạo nên nhiều chuyển biến đối với du lịch. Hiện việc triển khai quỹ được tiến hành như thế nào?

* Quỹ được huy động từ một số nguồn như ngân sách nhà nước (khoảng 30%); thu từ khách du lịch và đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp, các nguồn đóng góp và nguồn thu hợp pháp khác. Quỹ này được chi cho 3 hoạt động lớn, gồm: Quảng bá, xúc tiến du lịch; phát triển sản phẩm và nghiên cứu thị trường; đào tạo nâng cao chất lượng dạy nghề và nguồn nhân lực.

Cơ chế hoạt động dự kiến sẽ có hội đồng quản lý quỹ có đại diện của nhiều đơn vị quản lý, doanh nghiệp... Hội đồng này có nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất các hoạt động chính quỹ sẽ triển khai trong năm. Cơ quan điều hành quỹ này đang đề xuất theo hình thức đấu thầu để có thể phát huy được sức mạnh của quỹ. Hiện lộ trình thành lập và hoạt động của quỹ đang được hoàn thiện để trình các cơ quan chức năng trong tháng 7 này.

MAI AN (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục