Đừng để vai trò của công đoàn mờ nhạt

Nhìn lại lịch sử để thấy, tổ chức công đoàn trên thế giới ra đời trong hoàn cảnh giai cấp công nhân bị bần cùng hóa do chủ tư bản bóc lột thậm tệ. 
Đó là tổ chức nhằm tập hợp lực lượng, tạo sức mạnh đoàn kết, đòi quyền lợi cho công nhân nên khẩu hiệu đấu tranh đầu tiên chỉ đơn giản là đòi tăng lương, giảm giờ làm. Từ khi có Đảng Cộng sản lãnh đạo phong trào công nhân thì tổ chức công đoàn phát triển ngày càng mạnh trên phạm vi toàn thế giới - cho đến ngày nay, ở các nước tư bản chủ nghĩa phát triển nhất vẫn tồn tại những tổ chức công đoàn rất mạnh, họ vẫn tổ chức những cuộc đình công, biểu tình lớn của giới lao động thuộc đủ các thành phần như ngành đường sắt, hàng không, y tế, giáo dục...

Ở Việt Nam, tổ chức công đoàn đầu tiên ra đời trong thời Pháp thuộc, ở nơi hình thành giai cấp công nhân Việt Nam là thành phố Sài Gòn - đó là tổ chức “Công hội đỏ”- gắn liền với vai trò sáng lập của người lính thợ Tôn Đức Thắng và đã gây dựng phong trào đấu tranh sôi nổi từ quân xưởng Ba Son, đến công nhân bến cảng Sài Gòn - cùng với sự tham gia của các tầng lớp nhân dân lao động, trí thức, học sinh, sinh viên... Xóm thợ cảng Sài Gòn còn là nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có một thời gian sống cùng những người dân lao động nghèo và phu bến cảng, trước khi xuống tàu ra đi tìm đường cứu nước.
Trong hai cuộc kháng chiến, Sài Gòn là căn cứ quân sự lớn nhất của thực dân, đế quốc, nhưng là vùng chiến lược đô thị quan trong nhất của ta - với phương châm đấu tranh chính trị là chính, kết hợp với hoạt động vũ trang của lực lượng biệt động và các đội tự vệ. Suốt thời kỳ đó, công nhân luôn đóng vai trò là lực lượng nòng cốt trong cả hai nhiệm vụ: về đấu tranh chính trị, các cuộc đình công, biểu tình của công nhân xí nghiệp, nhà máy luôn là hạt nhân, thu hút sự hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân, tạo thành phong trào đấu tranh chính trị sôi nổi; về đấu tranh vũ trang, rất nhiều chiến sĩ biệt động là công nhân thuộc các tổ chức công đoàn. Khu vực xóm thợ cảng Sài Gòn cũng là nơi giấu quân rất tin cậy của các chiến sĩ biệt động, để từ đó tổ chức những trận đánh mà tiếng vang đến nước Mỹ. Có thể nói, tất cả các hoạt động chính trị và vũ trang ở Sài Gòn trong kháng chiến đều có vai trò trực tiếp hoặc gián tiếp của đội ngũ công nhân  thuộc các tổ chức công đoàn. 

Khi đất nước đã hòa bình và trong thời kỳ bao cấp - vai trò và hoạt động công đoàn có nhiều thay đổi. Ở miền Bắc trước đó và ở TPHCM sau năm 1975, chỉ có các xí nghiệp quốc doanh và hệ thống tổ chức công đoàn được hoàn thiện từ trung ương đến cơ sở. Mặt khác hầu như không có các cuộc đấu tranh tập thể của công nhân nên chức năng của công đoàn khá đơn giản - chủ yếu là chăm lo đời sống cho công nhân bằng những hoạt động như: phân phát nhu yếu phẩm, hiếu hỷ, tổ chức sinh hoạt chính trị, văn hóa trong những ngày lễ, tết... tham gia giải quyết những khó khăn, thắc mắc về quyền lợi cho một số cán bộ, công nhân viên... Nhìn chung, thời kỳ này công đoàn vẫn là tổ chức chăm lo đời sống cho công nhân nhưng đứng gần hơn với bên lãnh đạo vì ở đó có tổ chức đảng - mà chủ tịch công đoàn là một thành viên trong cấp  ủy.

Từ khi đất nước mở cửa, hội nhập, đổi mới, chấp nhận kinh tế thị trường và có các doanh nghiệp tư nhân và vốn nước ngoài thì tổ chức công đoàn đứng trước những thử thách mới. Luật Công đoàn ghi rõ: “Công đoàn có chức năng bảo vệ các quyền lợi, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý cơ quan, đơn vị, tổ chức, quản lý kinh tế, xã hội, quản lý nhà nước; giám sát hoạt động của cơ quan, đơn vị, tổ chức theo quy định của pháp luật…”. Tuy nhiên, hiện nay vai trò và vị trí của công đoàn ở mỗi loại hình doanh nghiệp rất khác nhau. Ở các doanh nghiệp nhà nước, có tổ chức đảng và chủ tịch công đoàn là một ủy viên trong cấp ủy nên vai trò, chức năng không khác nhiều so với thời bao cấp. Ở các doanh nghiệp tư nhân và vốn nước ngoài, không có tổ chức đảng nên thủ lĩnh công đoàn không nằm trong ban lãnh đạo - như thế không thể làm chức năng tham gia quản lý, điều hành và giám sát, riêng chức năng bảo vệ lợi ích chính đáng của công nhân cũng rất khó do các quy định về đình công trong Bộ luật Lao động năm 2012 đòi hỏi phải qua 3 bước, với thời gian hơn 5 ngày mới có thể tiến hành đình công. 

Thực tế khó khăn đó được chứng minh bằng số liệu sau đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Từ 1995 đến 2012, cả nước đã xảy ra 4.922 cuộc đình công - trong đó doanh nghiệp nhà nước có 100 cuộc (2,03%), doanh nghiệp vốn nước ngoài có 3.500 cuộc (71,64%), doanh nghiệp tư nhân có 1.300 cuộc (26,33%). Tất cả những cuộc đình công đều là bất hợp pháp vì không tuân thủ quy định 3 bước. Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nêu 2 nguyên nhân chính là: “Do người lao động không am hiểu pháp luật, trong khi đó lại thiếu vai trò của các tổ chức công đoàn...”. 

Thực ra cả hai nguyên nhân đó đều phản ánh năng lực hạn chế của tổ chức công đoàn. Điều đó phản ánh một thực tế là giữa Luật Công đoàn và những quy định về đình công đang có “độ vênh” khá lớn nên đã dẫn đến nghịch lý: tất cả các cuộc đình công là bất hợp pháp và vai trò của công đoàn nói chung - nhất là ở khu vực kinh tế tư nhân trở nên mờ nhạt.

Đất nước ta đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa, đội ngũ công nhân đã trở thành lực lượng sản xuất chủ yếu và đang đứng trước cơ hội của cách mạng 4.0. Vì vậy, nhân dân lao động TP cùng với đội ngũ công nhân đòi hỏi và kỳ vọng các tổ chức công đoàn phải phát huy truyền thống vẻ vang của “Công hội đỏ” để đáp ứng yêu cầu xây dựng đất nước ngày nay.

Tin cùng chuyên mục