Đừng dựa dẫm thánh thần

Hôm qua, mùng 10 tháng Giêng âm lịch, theo quan niệm dân gian được gọi là ngày vía Thần tài, nên nhiều người đổ xô đi mua vàng để cầu may một năm tiền, vàng đầy túi. Trong mùa lễ hội tháng Giêng âm lịch, cũng rất nhiều người “đầu tư” kiếm tài lộc, quyền chức... bằng những cách cầu may như vậy: cúng sao giải hạn, dâng sớ cầu an, xin lộc thánh... Hàng triệu người dân và cả không ít cán bộ bỏ thời gian, công việc, tiền của, tất tả xuôi ngược vào Nam ra Bắc, chen chúc tham gia các lễ hội. Rất nhiều người trong số đó đến với lễ hội không phải để tham dự một hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, mà là với nhu cầu thực dụng. Họ bê xôi gà, heo quay, vàng mã, đèn nhang đến các đình, đền, chùa, miếu để cầu tài, cầu lộc, cầu quan, giải hạn..., thậm chí rải đầy tiền lẻ dưới chân tượng, nhét tiền lẻ vào tay tượng, như một cách... hối lộ cho thánh thần để được giúp nhanh chóng làm giàu, thành đạt. Có những lời khấn mà lộ rõ sự mặc cả, vụ lợi, thể hiện cái tâm trần tục: “Xin vay lộc Bà, sang năm nếu làm ăn thành đạt sẽ dâng cúng nhiều tiền và lễ vật”. Đó là điều lạ lùng đến mức kỳ quái. Trời Phật, thánh thần đâu dễ bị mua chuộc và đâu cần tới những tờ tiền trần tục đó. Sự “đổi chác” này cũng thật buồn cười khi bỏ ra một ít xôi thịt, một ít tiền lẻ để mong được nhận về thật nhiều tài lộc, quyền chức.

Hữu hạn trong hình hài, nhưng vô biên trong nguyện ước, thế nên nhiều người dù nghèo khó hay đã rất giàu rồi vẫn mong được có thêm nhiều tiền bạc; nhiều người dù đã có chức quyền cao hơn trình độ, năng lực, đạo đức của mình nhưng vẫn ham muốn leo lên vị trí cao hơn nữa. Khi muốn có cái gì ngoài tầm tay của mình, cách “đầu tư” đơn giản nhất, ít mất công sức nhất và ít tốn kém nhất là... đổi chác với cả thánh thần. Người ta không ngần ngại giẫm đạp nhau tranh cướp vật phẩm thờ cúng, xô đẩy chen nhau thỉnh ấn, không e dè nhúng tiền vào máu của con vật bị giết hiến tế... để cầu vận may cho mình, mà không nghĩ rằng chẳng Trời Phật, thánh thần nào động lòng mà cứu chuộc, độ trì cho những kẻ có hành vi khiếm nhã, tham lam, mê muội như vậy.

Không phải ai đi lễ đều đã học lễ, rất cần sự giáo dục ý thức hướng thiện, lối sống văn hóa, quan niệm và cách hành xử đúng cho mọi người khi tham dự các lễ hội, từ đó có thái độ sống tích cực, nhiệt thành, làm hết sức mình, hơn là u mê và tham lam mong cầu ở cơ may. Cụ thể như hành vi rải tiền lẻ, nhét tiền vào tay tượng Phật, tượng thần thánh là bất kính và mê muội; các nơi thờ tự nên thông báo, giải thích để người đến viếng không tái diễn hành vi như vậy nữa. Việc đốt nhiều hàng mã, thắp nhiều nhang cũng là điều không nên. Chắc chắn đó không phải là tiêu chí để đo lòng thành, trong khi lại gây ô nhiễm khói bụi và mất an toàn phòng cháy.

Hiện rất nhiều lễ hội bị ảnh hưởng bởi những thói dung tục, lòng tham của con người, nên dẫn đến hiện tượng bát nháo, lộn xộn, thương mại hóa, thậm chí bị biến dạng. Vấn đề là xem xét lễ hội nào nên giữ, nên phát huy và lễ hội nào là hủ lậu thì loại bỏ. Để lễ hội không trở thành dịp cổ vũ cho hoạt động mê tín, dựa dẫm thánh thần, hãy trả lễ hội trở về trong khuôn khổ sinh hoạt tín ngưỡng dân gian; không vì chạy theo nguồn thu từ lễ hội mà cả hệ thống chính trị địa phương trực tiếp đứng ra tổ chức, tuyên truyền, cổ vũ, huy động cán bộ và nhân dân tham gia. Cùng với đó, phải mạnh tay ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn thần bán thánh, mê tín dị đoan; thực thi nghiêm chỉnh pháp luật đối với các trường hợp vi phạm trong hoạt động lễ hội.

Tin cùng chuyên mục