Đừng tính toán với ba mẹ, cháu ơi!

Sáng nay đi làm, mẹ cháu bảo đưa tiền đi chợ, thì cháu cằn nhằn, nhăn nhó: “Mới hôm qua đưa hai trăm ngàn rồi còn gì! Mẹ làm như con là kho bạc không bằng”. 
Đừng tính toán với ba mẹ, cháu ơi!

Thế rồi cháu dắt xe ra cổng chạy một mạch, không tiếc một cái xoay người nhìn gương mặt buồn thiu của mẹ cháu. Mẹ cháu kẹt tiền, không xoay xở được nên mới nhờ đến cháu, vậy mà... 

Cháu ơi, cháu sai rồi!

Cháu cũng biết đó, gia đình chúng ta dù không đến nỗi nghèo khó nhưng cũng chẳng khá giả gì. Ba mẹ cháu là công nhân, lương có được bao nhiêu đâu. Hai người đã tằn tiện, tích cóp lắm mới mua được căn nhà nho nhỏ và lo cho cháu ăn học nên người, tốt nghiệp đại học, có việc làm ổn định. Với đồng lương ít ỏi của công nhân thì cháu biết rồi đấy, trong thời vật giá leo thang như hiện nay thì khó mà chi cho nhiều thứ: cưới hỏi, giỗ, tang chế, sinh nhật, tiền sinh hoạt hằng ngày... Đó là chưa nói cha mẹ cháu còn phải lo một gánh nặng nữa là ông. Ông già rồi, đâu làm gì ra tiền. Nhiều lúc ông cảm thấy mình vô dụng quá, chẳng giúp được gì cho gia đình, đành bất lực nhìn thời gian trôi nhanh để về với đất. 

Dù biết rằng tiền bạc rất nhạy cảm, cháu là nhân viên mới, tiền lương chẳng được bao nhiêu, nhưng cũng không vì thế mà to tiếng với mẹ mình. Gia đình có thể trao đổi với nhau bằng những lời nói nhẹ nhàng, trìu mến. Đừng để tiền bạc làm ngăn cách tình cảm của mỗi thành viên trong nhà. Điều đó thực sự rất tai hại khi mà chúng ta xem nhau như những kẻ qua đường. Mà cháu này, ông có một tí góp ý nho nhỏ để cháu có suy nghĩ sâu sắc hơn.

Cháu có thể boa cho cô nhân viên phục vụ vài chục, đến vài trăm ngàn đồng cho một bữa nhậu, một chầu cà phê, một buổi ăn cùng bạn bè nhưng lại tính toán với mẹ mình như thế sao? Cháu có thể cho một người ăn xin ven đường 50 ngàn đồng, hay phóng tay từ thiện đến vài trăm ngàn đồng, thậm chí là một triệu, nhưng đưa cho mẹ có vài chục ngàn mà cháu lại càm ràm? Dù biết rằng từ thiện, làm tốt là điều rất nên nhưng chuyện trong nhà cháu xử lý chưa ổn thì dù có tốt ở bên ngoài xã hội đều trở nên vô nghĩa. Ba mẹ lo cho cháu cả một đời, hy sinh cả thanh xuân vì sự nghiệp của con trai mình, vậy thì những gì cháu phụng sự cho ba mẹ là hợp với lẽ tự nhiên, không có gì gọi là vô lý.

Ông hiểu tuổi cháu còn nhỏ nên đôi khi nông nổi, nhất thời. Hãy thay đổi cách sống, hiếu thảo với ba mẹ, suy nghĩ nhiều hơn về gia đình, cháu sẽ không thiệt thòi chút nào. Không có một đơn vị đo lường nào mà cân-đo-đong-đếm tình cảm gia đình được, nên ông mong rằng từ nay cháu đừng tính toán với ba mẹ mình nữa nhé. Cả nhà đều yêu thương và mong muốn cháu có một tương lai xán lạn, thành công.

Tin cùng chuyên mục