Đường Vành đai 2 khó đúng hẹn

TPHCM quyết tâm dồn mọi nguồn lực khép kín tuyến đường Vành đai 2. Tuy nhiên, hiện tại dự án vẫn chưa thông qua chủ trương đầu tư, vậy liệu tuyến đường có thành hiện thực như các đơn vị cam kết đưa vào sử dụng cuối năm 2020?
Đoạn giao giữa tuyến Vành đai 2 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: CAO THĂNG
Đoạn giao giữa tuyến Vành đai 2 và cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Ảnh: CAO THĂNG

Chia nhỏ để dễ thực hiện

Việc khép kín tuyến đường Vành đai 2 không chỉ giảm ùn tắc giao thông mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống giao thông khu vực, cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, đáp ứng nhu cầu phát triển đô thị dọc hai bên tuyến đường này.

Đặc biệt, khu vực phía Nam TPHCM (gồm các quận 8, Bình Tân và huyện Bình Chánh) hiện đang đô thị hóa rất nhanh, trong khi đó, việc đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển của khu vực.

Vì vậy, việc đầu tư tuyến đường Vành đai 2 đoạn từ quốc lộ 1A đến đường Nguyễn Văn Linh, xây dựng cầu Phú Định qua sông Chợ Đệm nhằm khép kín đường Vành Đai 2 nhánh phía Tây thành phố, tạo ra hành lang vận tải hàng hóa từ các khu công nghiệp phía Tây, Tây Bắc thành phố đi khu cảng Hiệp Phước, Cát Lái. Cung đường này nhằm giảm ùn tắc giao thông khu vực, cải thiện cảnh quan đô thị, góp phần thông thoáng cửa ngõ phía Tây Nam thành phố. 

Tuyến đường Vành đai 2 có tổng chiều dài hơn 64km, trong đó đã đầu tư xây dựng đưa vào khai thác 50,2km: đoạn quốc lộ 1A từ nút giao Gò Dưa (quận Thủ Đức) đến An Lạc, đường Nguyễn Văn Linh; đường Vành đai phía Đông từ nút giao Khu A đến cầu Phú Hữu (quận 9).

Hiện đang triển khai xây dựng đoạn 3 dài  2,75km. Các đoạn còn lại dài khoảng 11,15km đang gấp rút hoàn chỉnh các thủ tục để tiến hành đầu tư xây dựng. Tổng kinh phí hơn 16.000 tỷ đồng, trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng, tái định cư hơn 10.000 tỷ đồng, kinh phí xây lắp khoảng 6.000 tỷ đồng. 

Cụ thể, đoạn 1 từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội (gồm nút giao thông Bình Thái), tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng.

Đoạn 2 từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng, tổng mức đầu tư gần 1.400 tỷ đồng.

Đoạn 3 từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa (quốc lộ 1), tổng mức đầu tư 2.528 tỷ đồng. Đoạn 4 từ nút giao An Lạc (quốc lộ 1) đến đường Nguyễn Văn Linh, tổng mức đầu tư hơn 6.000 tỷ đồng. 

Hơn 10 năm chưa làm xong 11km đường

Dù thành phố đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện 11km còn lại để khép kín tuyến Vành đai 2 từ nhiều năm qua, nhưng chủ trương vẫn cứ “lòng vòng trên giấy”.

Lý giải về sự chậm trễ này, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM Nguyễn Văn Tám cho biết, đối với đoạn 1 và 2 (từ cầu Phú Hữu trên đường Vành đai phía Đông đến xa lộ Hà Nội và từ nút giao Bình Thái đến đường Phạm Văn Đồng), sau khi quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 101/QĐ-TTg ngày 22-1-2007, thành phố đã bố trí kế hoạch vốn chuẩn bị đầu tư cho Khu Quản lý giao thông đô thị Số 2 lập dự án đầu tư (năm 2008-2010).

Năm 2011, TPHCM đưa dự án này vào danh mục các dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT, BT trên địa bàn thành phố (tại Quyết định 1690/QĐ-UBND ngày 1-4-2011). Tiếp sau đó, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ X, thành phố lại đưa dự án vào danh mục các dự án thuộc Chương trình giảm ùn tắc, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020.

Cuối năm 2016, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã thỏa thuận lập báo cáo nghiên cứu khả thi với 3 đơn vị đề xuất thực hiện dự án, tuy nhiên chưa được phê duyệt do vướng các quy định về quỹ đất thanh toán hợp đồng BT. Đơn vị đề xuất dự án đang hoàn thiện theo ý kiến góp ý của các sở ngành và bổ sung những nội dung liên quan hình thức hợp đồng BT.

Tuy nhiên, đầu tháng 6 vừa qua, UBND TPHCM giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông nghiên cứu lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư công (theo hướng ngân sách đảm nhận phần giải phóng mặt bằng và kêu gọi đầu tư phần xây lắp) đối với đoạn 1, đoạn 2 và 4 gửi Sở kế hoạch và Đầu tư thẩm định, báo cáo UBND TPHCM trình HĐND TPHCM quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp tháng 7 năm nay. 

Hiện, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông đang tổ chức lập đề xuất chủ trương đầu tư công, sau khi chủ trương đầu tư dự án được thông qua, ban sẽ tổ chức thực hiện lập, trình duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng dự án, tổ chức thi công.

Với “tốc độ” này và với “khối lượng” thủ tục như trên, e rằng việc khép kín tuyến đường Vành đai 2 sẽ không kịp hoàn thành vào cuối năm 2020 như mong mỏi của nhiều người dân. 

Tin cùng chuyên mục