Duy Quốc trên đất Nhật

Duy Quốc trên đất Nhật

Đi về Việt Nam (VN) và Nhật Bản như con thoi với vai trò chuyên gia trong hợp tác quốc tế về khoa học giữa hai nước, ít ai ngờ rằng tiến sĩ trẻ - giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM đang du học tại Nhật Bản ấy cũng chính là võ sĩ Taekwondo chính hiệu.

  • Từ “thằng sụi” đến nhà vô địch
Duy Quốc trên đất Nhật ảnh 1

Duy Quốc tại Tokyo.

Hơn 3 năm về trước, có một sự kiện gây chấn động tại giải vô địch Taekwondo Nhật Bản lần thứ 22 - giải đấu chuyên nghiệp quan trọng nhất của bộ môn này ở xứ sở hoa anh đào: một nhà khoa học trẻ Việt Nam, với chiếc chân phải đang bị rạn xương đã thắng ngoạn mục vận động viên người Nhật để đoạt huy chương vàng!

Đó là Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, người hơn 2 tháng trước đó vừa bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ khoa học xây dựng tại trường ĐH Tokyo danh tiếng. Bước lên nhận tấm huy chương, Quốc vẫn mặc bộ đồ võ phục và chiếc đai đen của Liên đoàn Taekwondo Việt Nam.

Ngay sau đó, Duy Quốc tiếp tục vô địch giải tuyển chọn vận động viên đại diện Nhật Bản tranh tài tại giải vô địch thế giới vào tháng 3-2003. Với thành tích này, Chính phủ Nhật đã cho phép Duy Quốc nhập quốc tịch để đi thi đấu dưới màu áo Nhật Bản. Thế nhưng Quốc đã từ chối bằng lời nói giản dị: “Tổ quốc Việt Nam là máu thịt của tôi”.

Nhìn vóc dáng cân đối và cường tráng cao 1,78m, nặng 81kg của Quốc, ít ai nghĩ rằng đã có một thời nhà vô địch này mang biệt danh “thằng sụi” với thân hình ốm tong teo. Kể lại chuyện này, Quốc cười: Đấy là hồi em học cấp 2. Em cố đứng thẳng người nhưng đôi chân cứ vòng ra phía sau như cây cung. Xương ngực nhô lên trước và bụng thì ưỡn ra. Không muốn mình sẽ trở thành “thanh niên còi”, thế là “thằng sụi” Quốc vạch ra một kế hoạch rèn luyện thể thao.

Khởi đầu là tập các môn thể thao giản đơn - chạy bộ, chạy xe đạp, bơi lội, tiếp đó là Taekwondo. Lòng kiên trì cộng với đam mê đã tạo nên điều kỳ diệu. Quốc bộc bạch: “Tiếp sức cho em chính là gia đình. Tình thương yêu của ba mẹ và các anh em là điểm tựa giúp em vượt qua tất cả”. Người dân xứ biển Phan Thiết không quên hình ảnh một ông giáo dạy vật lý cấp 3 và bà y sĩ của một bệnh viện thường dẫn đầu đoàn đua xe đạp hoặc chạy bộ với năm cậu con trai của mình vào mỗi buổi sáng. Cả năm anh em của Quốc sau này đều có thời gian luyện tập võ nghệ trên 10 năm, đoạt nhiều huy chương trong nước và cùng tốt nghiệp Đại học Bách khoa TPHCM.

Còn với Quốc, không kể những lần bước lên bục vinh quang ở VN, đạt huyền đai đệ tam đẳng, được gọi vào đội tuyển VN tham dự SEA Games 19 (nhưng Quốc không tham dự được vì phải sang Nhật Bản học khóa thạc sĩ), Quốc đã thật sự gây ấn tượng ở đất nước Mặt trời mọc. Liên tiếp trong những năm 2000, 2001 và 2002, Quốc dành được Huy chương vàng giải vô địch Tokyo, Huy chương bạc giải vô địch sinh viên toàn nước Nhật và đặc biệt là Huy chương vàng giải vô địch Taekwondo Nhật Bản ở hạng cân 78 - 84kg vào cuối tháng 11-2002.

Mặc dù chuyện thi đấu Taekwondo ở Nhật chỉ là dịp để Quốc thi thố và rèn luyện môn thể thao mình yêu thích nhưng thành tích vang dội của Quốc đã góp phần làm rạng danh du học sinh VN tại Nhật. Ít ai biết rằng để tăng sức nặng cho đôi chân, nhiều khi Quốc phải mang khối chì nặng 5kg dưới chân, hoặc có khi đạp xe đạp 30km mỗi ngày thay vì đi tàu điện ngầm đến trường. Hiện, Quốc làm trợ lý cho HLV trưởng đội tuyển Nhật Bản tại Japan Taekwondo School và đã đào tạo nhiều vận động viên cho ĐH Tokyo.

  • Và nhà khoa học tài năng

“Phan Hữu Duy Quốc là một tài năng trẻ Việt Nam thành danh trên đất Nhật” - ông Trần Quốc Cường, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản nhận xét. Sau khi bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ ngành xây dựng vào tháng 8-2002 tại Đại học Tokyo, Quốc tiếp tục học chương trình sau tiến sĩ với chuyên ngành công nghệ bê tông và tham gia hàng loạt dự án, chương trình nghiên cứu khoa học lớn.

Sau khi đảm trách các chức vụ Phó Chủ tịch và Chủ tịch Hội Thanh niên sinh viên VN tại Nhật Bản, hiện Quốc làm cố vấn cho hội. Quốc luôn suy nghĩ: Làm sao để khơi dậy sức trẻ, tiềm năng tri thức của thanh niên, sinh viên đang du học, sinh sống ở nước ngoài và tạo điều kiện cho họ hòa nhập nhanh với xu thế phát triển, hội nhập của đất nước? Mới đây trở về nước dự Đại hội Thanh niên VN và Đại hội Thi đua toàn quốc, anh đã chỉ ra sự cần thiết xây dựng mạng lưới thanh niên – sinh viên VN ở nước ngoài nhằm liên kết, chia sẻ thông tin cũng như có những hoạt động thiết thực hướng về Tổ quốc.

Điều day dứt của Quốc và nhiều du học sinh khác là làm gì để giúp ích cho đất nước và đưa vị thế VN lên cao hơn. “Khát vọng lớn nhất của tuổi trẻ chúng tôi là cống hiến thật nhiều cho Tổ quốc. Dù đang ở đâu, bằng việc làm cụ thể của mình, mỗi chúng ta đều có thể đóng góp với quê hương, vinh danh cho tổ quốc” – Anh nói một cách chân thành. 

KHÁNH BÌNH - MINH QUÂN

 

Tin cùng chuyên mục