Festival Huế 2018: Đổi mới để hút khách

Cùng với chương trình quốc tế được chọn lọc kỹ càng, chú trọng đến chất lượng và phù hợp với chủ đề, các tiết mục do các nghệ sĩ, diễn viên trong nước đảm nhận cũng được dàn dựng công phu, nhiều chương trình thực hiện theo phương thức xã hội hóa hoàn toàn, với mục đích đảm bảo sự mới lạ, hấp dẫn nhưng vẫn giảm thiểu đầu tư từ ngân sách.
Hơn một tháng nữa, Festival Huế 2018 chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Huế 1 điểm đến 5 di sản” sẽ khai màn. Đây được xem là hoạt động quan trọng, tạo “cú hích” cho du lịch Huế phát triển.
Ông Huỳnh Tiến Đạt, Phó ban Thường trực Ban tổ chức Festival Huế 2018 cho biết, cùng các chương trình nghệ thuật “đinh” diễn ra tại TP Huế, hơi thở Festival Huế 2018, sẽ lan tỏa về các vùng quê thông qua lễ hội “Hương xưa làng cổ” tại làng cổ Phước Tích, “Chợ quê ngày hội” tại Cầu Ngói Thanh Toàn, “Sóng nước Tam Giang”… Festival Huế 2018 còn có các hoạt động gắn kết với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa có ý nghĩa của Huế và đất nước, như kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại núi Bân (1788-2018); 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (1993-2018)... 
Festival Huế 2018: Đổi mới để hút khách ảnh 1 Nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc sẽ được tổ chức tại Đại nội Huế trong dịp Festival Huế 2018
Hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều loại hình phong phú, đa dạng, đến từ các quốc gia như: Hàn Quốc, Israel, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Sri Lanka, Đan Mạch, Nga, Pháp, Tây Ban Nha… đã gửi nội dung chương trình dự kiến biểu diễn để ban tổ chức, lựa chọn. Bên cạnh đó, các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện các vùng miền trên cả nước, các nhóm nghệ sĩ có phong cách mới lạ đến từ Hà Nội, TPHCM, cùng lực lượng văn nghệ sĩ, diễn viên của Huế cũng đang nỗ lực tập luyện cho các chương trình nghệ thuật nhằm phô diễn nét độc đáo, tinh tế, sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển. Ban tổ chức Festival Huế 2018 còn đưa các đoàn nghệ thuật về các huyện để tham gia biểu diễn, tạo điều kiện cho người dân không có điều kiện đến thành phố cũng có được không khí lễ hội. Đặc biệt, chương trình nghệ thuật đường phố diễn ra vào các buổi chiều, thay vì cách 2 ngày/lần như trước.
Là một trong những địa phương nổi tiếng về văn hóa di sản và môi trường cảnh quan, cố đô Huế đang phát triển theo hướng “thành phố di sản, văn hóa, cảnh quan, sinh thái và thân thiện với môi trường”. Trong đó, vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch đã dựa vào những lợi thế trên. Du lịch Huế không chỉ có văn hóa, di sản, mà còn đa dạng với cảnh quan sinh thái, trải nghiệm cộng đồng… Festival Huế 2018 tiếp tục mở rộng không gian diễn xướng, không gian lễ hội.
Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Trưởng ban tổ chức Festival Huế 2018, cho biết: “Festival Huế chính là hoạt động kích cầu lớn nhất của Huế trong năm 2018. Ngành du lịch đang phối hợp với Trung tâm Festival Huế để thúc đẩy các hãng lữ hành xây dựng các tour tuyến, đưa khách đến với festival. Trước đây, du khách chỉ tham quan, thưởng thức lễ hội, nay sẽ hòa mình vào lễ hội, cùng trải nghiệm các hoạt động. Festival Huế 2018 sẽ tăng cường những chương trình lễ hội có tính tương tác cao”.

Tin cùng chuyên mục