G7 tìm cách thu hẹp bất đồng

Diễn ra từ ngày 24 đến 26-8 tại Biarritz phía Tây Nam nước Pháp, Hội nghị thượng đỉnh G7 với sự đồng chủ trì của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và lãnh đạo đồng cấp Mỹ Donald Trump được dự đoán sẽ tập trung vào các vấn đề nóng trên toàn cầu.
Cảnh sát Pháp được tăng cường để bảo vệ an ninh Hội nghị G7
Cảnh sát Pháp được tăng cường để bảo vệ an ninh Hội nghị G7

Còn nhiều khoảng cách

Nhóm G7 gồm các nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản, Italy, Canada. Là nước chủ nhà, Chính phủ Pháp bày tỏ ý định muốn thu hẹp bất đồng giữa các nước lớn trong hàng loạt vấn đề nóng như căng thẳng Iran, biến đổi khí hậu, tranh chấp thương mại, đánh thuế kỹ thuật số. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Hội nghị thượng đỉnh G7 có thể kết thúc mà không có được sự hợp tác chung giữa các bên do còn nhiều “khoảng cách” giữa các vấn đề thương mại và khí hậu.

Việc tìm kiếm điểm chung giữa các quốc gia đồng minh đã trở nên ngày càng khó khăn tại một số kỳ hội nghị tổ chức trong vài năm qua. Một phần nguyên nhân do Chính phủ Mỹ gần đây luôn bảo vệ cách tiếp cận xử lý các tranh chấp thương mại và môi trường theo cách riêng của mình. Năm ngoái, ông Donald Trump đã đẩy những nỗ lực của G7 nhằm thể hiện một mặt trận thống nhất vào tình trạng rối loạn bằng cách rời đi sớm và đơn phương rút khỏi Thỏa thuận Paris nhằm hạn chế ảnh hưởng của biến đổi khí hậu mặc cho sự phản đối của châu Âu. Điều này đã phá hủy sự đồng thuận mong manh về thương mại giữa Washington và các đồng minh hàng đầu. Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn bày tỏ sự ưu tiên hơn đối với các hiệp định thương mại song phương so với các hiệp định đa phương và hiện cũng chưa thể giải quyết mâu thuẫn kéo dài với Trung Quốc.

Liên quan đến việc đánh thuế công nghệ mà Chính phủ Pháp đang thúc đẩy, giới quan sát cũng cho rằng nhiều khả năng nước chủ nhà G7 sẽ không nhận được sự hưởng ứng từ một số thành viên tham gia hội nghị, nhất là Mỹ, quốc gia đang sở hữu nhiều hãng công nghệ lớn phản đối mức thuế áp đặt này. Hồi tháng 3, Pháp đã công bố kế hoạch đánh thuế dịch vụ kỹ thuật số ở mức 3% tổng doanh thu hàng năm tại Pháp đối với các công ty cung cấp dịch vụ kỹ thuật số và dự luật đã được Thượng viện Pháp thông qua. Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Pháp, luật mới sẽ ảnh hưởng tới một số công ty công nghệ hàng đầu có trụ sở tại Mỹ như Apple, Google, Facebook và Amazon. Ngoài các chủ đề trên, G7 sẽ thảo luận phương án kích thích nền kinh tế giữa lúc dấy lên nhiều quan ngại về suy thoái.

Siết chặt an ninh

Một vấn đề nữa khiến dư luận quan tâm là việc gợi ý đưa Nga trở lại hội nghị của Tổng thống Mỹ Donald Trump và chuyến thăm Pháp diễn ra từ đầu tuần này của Tổng thống Nga Putin. Khi còn có Nga là thành viên, Nhóm các nước công nghiệp phát triển có 8 thành viên (gọi tắt là G8). Năm 2014, Nga bị loại khỏi nhóm này do mâu thuẫn với phương Tây xung quanh vấn đề Moscow sáp nhập trở lại bán đảo Crimea. Sau sự kiện này, Nga đã hứng chịu hàng loạt biện pháp trừng phạt kinh tế của Mỹ và Liên minh châu Âu. Quan hệ giữa Moscow và phương Tây đã xuống thấp nhất kể từ Chiến tranh lạnh. Tuy nhiên, Chính phủ Pháp cho rằng việc Nga trở lại G7 cần phụ thuộc vào tiến triển chính trị ở Ukraine. Tổng thống Pháp Macron dự định thảo luận vấn đề Ukraine với Tổng thống Donald Trump tại hội nghị này.

Để đảm bảo an ninh hội nghị, cảnh sát Pháp khẩn trương thiết lập các điểm kiểm tra và tuần tra trên các bãi biển. Giới chức địa phương ra lệnh tạm ngừng mọi dịch vụ hàng không, đường sắt và đường bộ tới Biarritz. Những người biểu tình, phản đối tình trạng bất bình đẳng kinh tế, biến đổi khí hậu và các mối quan ngại khác, cũng bị cấm tập trung tại Biarritz.

Tin cùng chuyên mục