“Gác cổng” lỏng lẻo

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an TPHCM vừa bắt giữ Huỳnh Văn Vũ (42 tuổi, ngụ huyện Củ Chi, TPHCM) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vũ là một đối tượng trong đường dây làm giả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, chứng minh nhân dân, giấy ủy quyền, thông báo nộp thuế, lệ phí trước bạ; sau đó đóng giả chủ sở hữu tài sản để thế chấp vay tiền, vàng. Điều đáng nói là với những giấy tờ giả này, các đối tượng trong đường dây lừa đảo đã qua mặt được cơ quan công chứng. Kết quả điều tra cho thấy công chứng viên của Phòng Công chứng số 1, Phòng Công chứng số 2, Văn phòng Công chứng Sài Gòn sau khi xem xét hồ sơ đã công chứng vào hợp đồng chuyển nhượng, hợp đồng vay tiền, vàng. Yên tâm với hồ sơ công chứng, 3 cá nhân đã đưa hơn 2,9 tỷ đồng, 100 USD, 7 lượng vàng SJC cho Vũ cùng đồng bọn. Đến hạn không thấy trả tiền, họ đến địa chỉ tài sản được thế chấp để tìm hiểu mới phát hiện những giấy tờ đang giữ trong tay chẳng có giá trị gì.

Ảnh minh họa

Đây không phải là những trường hợp đầu tiên công chứng viên không làm tròn trách nhiệm “gác cổng” của mình. Vào tháng 9-2013, Tòa Phúc thẩm TAND Tối cao tại TPHCM (nay là TAND Cấp cao tại TPHCM) tuyên phạt Phan Thanh Vân, nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 2, mức án 5 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Phan Thanh Vân vào tù vì đã ký công chứng các hợp đồng mua bán nhà giả, tạo điều kiện cho Dương Ngọc Phượng (bị tuyên 18 năm tù trong vụ án) lừa đảo chiếm đoạt hơn 4 tỷ đồng của một ngân hàng. Tại phiên xử sơ thẩm vào tháng 7-2016, nguyên công chứng viên Phòng Công chứng số 2 Nguyễn Thị Ngọc Lan bị TAND TPHCM tuyên phạt 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” vì đã chứng nhận sai chủ sở hữu tài sản, là cơ sở để ngân hàng giải quyết tín dụng và bị lừa đảo. Tại một số địa phương khác trong cả nước cũng xảy ra những vụ án tương tự.

TPHCM hiện có 330 công chứng viên đang hành nghề tại 73 tổ chức hành nghề công chứng, trong đó có 65 tổ chức hành nghề công chứng đang hoạt động (bao gồm 7 Phòng Công chứng và 58 Văn phòng Công chứng). Không thể phủ nhận các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TPHCM nói riêng, cả nước nói chung phát triển theo chiều hướng tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu công chứng của người dân. Tuy nhiên, thực tế những vụ án xảy ra cho thấy vẫn tồn tại tình trạng một số công chứng viên vô tình hoặc cố ý làm sai luật, chứng nhận không đúng chủ thể và đối tượng giao dịch. Chữ ký xác nhận của công chứng viên trong những vụ việc này đã tạo điều kiện cho tội phạm chiếm đoạt tài sản của cá nhân, đơn vị, tổ chức. Từ vụ án Huỳnh Văn Vũ cùng đồng bọn sử dụng giấy tờ giả để lừa đảo một lần nữa đặt ra vấn đề về nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp của công chứng viên. Nếu không đáp ứng đủ hai yêu cầu này, công chứng viên không thể thực hiện tốt trách nhiệm “gác cổng”, kịp thời phát hiện sự gian dối khi chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng, giao dịch khác bằng văn bản. Và khi ấy, hậu quả sẽ khó lường và khó khắc phục.

THỤC HÂN

Tin cùng chuyên mục