Game bạo lực: mảnh đất “lắm quỷ, nhiều ma”

“Đã nói là không dùng lựu đạn sao mày chơi? Đứa nào dùng lựu đạn là hèn!” - một trong số 5 cậu bé đeo phù hiệu trường THCS đang ngồi trong tiệm game trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hét lên. Đứa bạn học cùng trường ngồi gần đó hét lại: “Mày nói đứa nào hèn?”. Từ trận đánh trong thế giới ảo tới chiến tranh miệng vẫn không xong, bọn nhỏ liền ra đòn… chân tay. Kết quả, một đứa trong nhóm đã trở thành “kẻ chiến bại” với 2 cái răng cửa để lại… tiệm game!
Game bạo lực: mảnh đất “lắm quỷ, nhiều ma”

“Đã nói là không dùng lựu đạn sao mày chơi? Đứa nào dùng lựu đạn là hèn!” - một trong số 5 cậu bé đeo phù hiệu trường THCS đang ngồi trong tiệm game trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh hét lên. Đứa bạn học cùng trường ngồi gần đó hét lại: “Mày nói đứa nào hèn?”. Từ trận đánh trong thế giới ảo tới chiến tranh miệng vẫn không xong, bọn nhỏ liền ra đòn… chân tay. Kết quả, một đứa trong nhóm đã trở thành “kẻ chiến bại” với 2 cái răng cửa để lại… tiệm game!

  • Từ trong nhà…
Hình bìa quảng cáo trò chơi game bạo lực
Hình bìa quảng cáo trò chơi game bạo lực

Chị Phượng, trưởng phòng nhân sự một công ty du lịch lớn tại TPHCM kể, suốt hai ngày hè cậu con trai 8 tuổi của chị ngồi lì trên phòng, gọi năm lần bảy lượt mới chịu xuống ăn cơm đôi ba miếng rồi lại biến lên… phòng. Đến ngày thứ ba thấy mẹ vừa đi làm về cậu bé lao xuống gào lên: “Con cướp được ngân hàng rồi, bắn hết cảnh sát chạy thoát luôn”. Kinh ngạc trước câu nói của cậu quý tử, chị lôi con vào nhà hỏi lại mới té ra nó đang chơi trò “G.V.C”- một trò chơi được ca tụng là hay nhất năm 2003. Trong đó người chơi đóng vai một tên găngxtơ hạng bét đang cố “leo lên” thành ông trùm… Để làm được điều đó người chơi phải bắn, giết, cướp, đốt nhà...và kẻ thù chính không chỉ là các băng nhóm đối nghịch mà còn là lực lượng cảnh sát, công an. 

Trong game tràn ngập cảnh người chết, thậm chí khi lái xe tài xế còn điều khiển xe cán người đi đường cho vui, vệt bánh xe thấm máu người chết kéo một đoạn dài trên đường gây ấn tượng rất mạnh… Chị Phượng bấy giờ chỉ còn biết than trời: “Trò chơi gì mà thấy ghê quá, đến mình còn sợ mà sao mấy đứa nhỏ vẫn chơi được”. Trò chơi đó vẫn chưa phải là ghê nhất. Một trò chơi ăn khách ở Việt Nam hiện nay còn tỉ mỉ dạy người chơi cách ám sát người khác bằng súng, dao như thế nào… Và những loại game kiểu như vậy quả thật không phải là hiếm trên thị trường game thành phố.

 

Có thể ví thế giới game điện tử là một mảnh đất “lắm quỷ, nhiều ma” theo đúng nghĩa đen. Dạo qua một loạt các cửa hàng chuyên bán CD game trên đường Tôn Thất Tùng - Bùi Thị Xuân, người chơi có thể dễ dàng tìm mua được loại game ma quái, giết chóc. Tại tiệm CD game T.G (đường Tôn Thất Tùng) hình ảnh đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là hai bên tường dán đầy rẫy hình ảnh của hàng ngàn game. Trong số đó đa phần là những game theo kiểu không giết người thì cũng chiến đấu với ma quỷ. Trong vòng chưa tới 10 phút đã có hàng chục đĩa được bán ra cho những khách hàng phần lớn là tuổi học trò.

Trong lúc lựa game, chúng tôi làm quen với bé T, học sinh lớp 6 được ba chở đến cửa hàng để thoải mái lựa trò chơi, kể: “Tụi bạn em có mấy game hay lắm, hè này đứa nào cũng tranh thủ chơi vì không sợ bị la, mượn không được con nhờ ba chở ra để chọn…”. Dứt lời, T chỉ tay vào game T. C (phiên bản của “G.V.C.” đã nêu trên) và thốt lên: “Tụi bạn chơi game này nè! Ba ơi, con chọn mua game này…”. Đây là một game được ERSB (chuẩn phân loại game của phương Tây) xếp hạng M: chỉ dành cho người trưởng thành nhưng vẫn được người cha vui vẻ chấp nhận. Hỏi lý do, người cha nhún vai: “Chỉ là trò chơi, miễn là không sex siếc gì là được rồi. Mua cho nó có với chúng bạn”. Cứ thế, game bạo lực dần dần tràn ngập trong nhà…

  • …... ra ngoài phố…
 
Game bạo lực: mảnh đất “lắm quỷ, nhiều ma” ảnh 2
Game điện tử luôn thu hút đông đảo lớp trẻ, nhưng chưa có sự quản lý, chọn lọc. Ảnh: TH.D.
Khoảng một năm trở lại đây, các cửa hàng game máy tính bắt đầu tràn ngập khắp nơi, lấn át cả các tiệm game dùng các máy chơi chuyên dụng như PlayStation, Nintendo… Trò chơi thông dụng nhất tại các tiệm game máy tính lúc đó là những trò chơi nối mạng nội bộ (Lan). Khi chơi với máy tính thì chỉ cần vài lần người chơi có thể đoán được lối chơi và dễ dàng hóa giải. 

Tuy nhiên khi đấu trong mạng, đối thủ cũng chính là một người chơi khác, khi đó cuộc chiến sẽ càng trở nên hấp dẫn và giống thật hơn. Chính vì thế các tiệm game lúc nào cũng đông nghẹt khách chơi và trò chơi thông dụng nhất là trò bắn súng Halflife mà trong một lần chơi say mê đã gây nên cuộc chiến như đã nói ở trên. Phòng game phát triển, trẻ em, thanh niên say mê đến nỗi bỏ học, nhịn ăn sáng để chơi game. Học sinh tiểu học vào lớp không gọi nhau bằng tên mà bằng các nick được đặt khi vào game như Killer (sát thủ), Giết người không chớp mắt, Tay nhuốm máu… Game phát triển đến nỗi nhiều phòng game mở các cuộc thi cho các tay súng có cơ hội tranh tài với nhau, còn các cơ quan chức năng phải đưa ra chỉ thị cấm mở phòng game gần khu vực trường học (khoảng cách 200m) để hạn chế tình trạng học sinh mê chơi game bỏ học. 

Cùng với sự phát triển của mạng đường truyền tốc độ cao (ASDL), các tiệm game ngày nay đang dần chuyển sang một loại hình mới: chơi game qua mạng Internet. “Đối thủ” bây giờ không còn là những người bạn ngồi ngay trong phòng mà là những người chơi trên khắp thế giới. Cùng lúc người chơi game có thể chơi với các “đối thủ” tại Mỹ, Pháp, Nam Phi, Trung Quốc… và tất nhiên sức thu hút cũng tăng lên gấp nhiều lần. Những trò chơi được đông đảo người chơi thích nhất hiện nay là M. online cũng lại là một câu chuyện quỷ ma, quái vật. Mảnh đất game bạo lực trong thành phố nay đã bước lên tầm quốc tế.

  • Ai quản lý?
Game bạo lực: mảnh đất “lắm quỷ, nhiều ma” ảnh 3
Trò chơi game luôn thu hút trẻ em. Ảnh Lê Hòa

Từ thực tế chúng tôi đã nêu trên có thể thấy từ phụ huynh cho tới những người kinh doanh mới chỉ chú ý đến vấn đề “trò” chứ không mấy quan tâm đến những nội dung của game với những tác hại khó lường. Thậm chí trong một số tạp chí chuyên đề game vẫn chỉ tập trung giới thiệu hình ảnh đẹp, cách chơi hay, âm thanh sống động chứ không hề có thông tin là trò chơi này thích hợp cho lứa tuổi nào. Tạp chí game lớn nhất hiện nay là tờ “Thế giới Game” của Sở Khoa học-Công nghệ TPHCM đang là tờ duy nhất có sự phân loại game điện tử nhưng cũng chỉ ở mức dựa theo sự phân loại của tổ chức ERSB và tất nhiên là theo tiêu chuẩn phương Tây. 

Đến nay, cả hai đầu mối cung cấp CD game và khách chơi game vẫn chưa chịu sự kiểm tra của bất cứ cơ quan chức năng nào. Theo chị V- chủ một tiệm bán CD game lớn nhất nhì thành phố trên đường Võ Văn Tần, quận 3 thì đĩa game vào thành phố qua nhiều nguồn nhưng chủ yếu thông qua mạng Internet, thậm chí hiện nay đã có sự liên kết giữa các đầu nậu CD lậu (tính chung cả chương trình và game) với các nhóm chuyển crack (xóa bỏ các khóa bản quyền trên đĩa) quốc tế. 

Và tất nhiên khi đi qua mạng kiểu này nội dung game hoàn toàn phụ thuộc vào sự lựa chọn của các đầu nậu. Thậm chí với các bản game tặng kèm thiết bị chơi game cũng xem là thuộc lĩnh vực hàng điện tử nên thường không bị ngành văn hóa xử lý. Và cứ thế, ở một mảnh đất “lắm quỷ, nhiều ma” nhưng lại không có cơ quan quản lý, các bậc cha mẹ lại không lưu tâm, để con trẻ cứ từng ngày chai lì với những cảnh bắn giết đẫm máu. Liệu có phải là một vấn đề đáng báo động khẩn thiết hay không? 

NHÓM PV VHVN

Tin cùng chuyên mục