Gắn kết để phát triển nông nghiệp thành phố

Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 0,8% GRDP của TPHCM nhưng vẫn còn khoảng 1 triệu người dân làm nông nghiệp.
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xem sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Ảnh: CAO THĂNG
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân xem sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao Ảnh: CAO THĂNG
Ngày 12-9, phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo ứng dụng khoa học công nghệ để TPHCM là trung tâm giống vật nuôi khu vực do Sở NN-PTNT TPHCM tổ chức, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM, nhấn mạnh, TP còn làm nông nghiệp thì phải giúp nâng cao thu nhập người nông dân. Mặc dù nông nghiệp chỉ chiếm 0,8% GRDP của TP nhưng vẫn còn khoảng 1 triệu người dân làm nông nghiệp.
Hiện nay giá trị gia tăng của nông nghiệp chưa đến 100 triệu đồng/năm/ha. Vì vậy, để trở thành trung tâm giống cả vùng, cần xác định rõ năng lực nghiên cứu cũng như tiềm lực về khoa học công nghệ của TP. Nhu cầu của người tiêu dùng là động lực để nhà khoa học nghiên cứu, cung ứng. Muốn vậy phải có bộ phận nghiên cứu về dự báo thị trường. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, người nông dân, nhà khoa học không biết rõ nhu cầu thị trường, nên Nhà nước phải kết nối và nhà đầu tư tài chính phải vào cuộc qua việc chuyển giao giống. 4 nhà phải cùng tham gia, gắn kết. Muốn là trung tâm cung ứng giống cần nắm bắt nhu cầu để chiếm ít nhất 30% thị trường khu vực đó. 

Theo Sở NN-PTNT TPHCM, thành phố có 28 đơn vị, doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh giống vật nuôi. Trong đó nhiều trại heo, bò sữa lớn đầu tư theo mô hình chăn nuôi hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Mỗi năm TP cung cấp khoảng 24.000 con giống bò sữa cho người nuôi các tỉnh. Hiện có 7 đơn vị kinh doanh tinh bò sữa nhập từ Mỹ, Hà Lan, Canada, Israel, New Zealand. TPHCM đã đưa vào hoạt động trại trình diễn và thực nghiệm chăn nuôi bò sữa công nghệ cao (DDEF) do Israel hỗ trợ từ năm 2013. Trại này ứng dụng thành công công nghệ mới như hệ thống quản lý đàn bò sữa, hệ thống phần mềm khẩu phần thức ăn TMR, hệ thống làm mát tự động, nhờ đó năng suất sữa tăng lên 24,5kg/con/ngày so với năng suất bình quân đàn bò TP gần 16kg/con/ngày. Cải thiện chỉ tiêu sinh sản, tuổi phối giống giảm được 56 ngày (bình quân 476 ngày), thời gian phối giống giảm 24 ngày.
DDEF là nơi đào tạo, chuyển giao kỹ thuật chăn nuôi bò sữa công nghệ cao cho người nuôi TP và các tỉnh. Với giống heo, đàn giống gốc tập trung tại Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri) và Hợp tác xã chăn nuôi heo an toàn Tiên Phong với tổng đàn nái hơn 65.000 con. Hàng năm TP cung cấp trên 1 triệu heo giống các loại và hơn 1 triệu liều tinh heo cho thị trường TP và khu vực. Ngoài ra, TP còn cung ứng 500 triệu cá bột, 130 triệu cá cảnh và đã nghiên cứu và lai tạo cá Sóc chuyển gen phát sáng huỳnh quang và tạo được 38 cá thể F0 (2 - 3 tháng tuổi)... 

Theo nhiều nhà khoa học, TP cần nhanh chóng hình thành các hiệp hội ngành nghề để tham gia trong hệ thống đánh giá di truyền heo tương tự như cách làm của Canada. Định hướng mô hình, hệ thống tổ chức nhân giống và tổ chức hệ thống quản lý. 

Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TPHCM Lê Thanh Liêm khẳng định, thành phố lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nông dân, nhà khoa học để tiếp tục hoàn thiện các chính sách, cũng như việc xây dựng các chuỗi giá trị, gắn kết hơn nữa với các tỉnh, liên kết viện trường để từng bước đưa TPHCM trở thành trung tâm cung cấp giống cho khu vực.

Tin cùng chuyên mục