Gánh nặng hậu thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn còn rất lớn

Mặc dù việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp đã trở nên thuận lợi hơn trước nhiều, song gánh nặng hậu thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn còn rất lớn. 
Bà Virginia B. Foote và ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch Diễn đàn chia sẻ thông tin với báo giới chiều 25-6
Bà Virginia B. Foote và ông Vũ Tiến Lộc, đồng Chủ tịch Diễn đàn chia sẻ thông tin với báo giới chiều 25-6

Theo báo cáo của Ban Thư ký Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho biết, cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài vẫn quan ngại về một số vấn đề chính sách như yêu cầu kiểm định từng lô đối với ngành kinh doanh ô tô; việc chứng nhận các phụ tùng ô tô và thuế nhập khẩu; quyền sở hữu trí tuệ đối với mẫu xe máy.

Quy định đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người nước ngoài nhưng lại thiếu chính sách tương đồng cho phép người nước ngoài định cư lâu dài tại Việt Nam; sự không đồng nhất trong các quy định và cách thức áp dụng quy định cho các sản phẩm thuốc sáng chế và trang thiết bị y tế… cũng là những vướng mắc trở ngại đối với cộng đồng doanh nghiệp. Diễn đàn giữa kỳ 2019 dự kiến diễn ra vào ngày 26-6, với sự tham dự của lãnh đạo Chính phủ Việt Nam.

Báo cáo cũng đề cập đến nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực hải quan – thuế như đánh giá hải quan, quy trình thông quan và áp dụng mã HS, hàng hóa sản xuất/gia công/xuất khẩu tại chỗ, thanh tra thuế, hoàn thuế giá trị gia tăng… Nếu những vấn đề này được giải quyết, môi trường đầu tư và thương mại tại Việt Nam sẽ được cải thiện đáng kể, đưa Việt Nam trở thành một điểm đến đầu tư hấp dẫn cho kinh doanh và thương mại.

Tại buổi chia sẻ thông tin với báo chí được tổ chức chiều 25-6  trước thềm Diễn đàn, bà Virginia B. Foote, đồng Chủ tịch Diễn đàn cho biết, Diễn đàn lần này tập trung vào chủ đề vai trò của cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển nhanh gắn với bền vững.

“Các nhóm công tác đã có sự phối hợp chặt chẽ với nhau và với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam để đưa ra nhiều khuyến nghị chính sách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, đặc biệt là cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung vẫn đang diễn biến căng thẳng”, bà Virginia B. Foote nói.

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đồng Chủ tịch VBF, mặc dù việc gia nhập thị trường của doanh nghiệp đã trở nên thuận lợi hơn trước nhiều, song gánh nặng hậu thủ tục đăng ký kinh doanh vẫn còn rất lớn. Đặc biệt, việc tiếp cận thông lệ quốc tế, theo đó, các hộ kinh doanh cũng trở thành loại hình doanh nghiệp, hoạt động trên nền tảng pháp lý vững chắc với chi phí thấp là một trong những nhu cầu bức thiết của cộng đồng kinh doanh – ông Lộc nhấn mạnh.

Chủ tịch VCCI cũng cho biết đang phối hợp cùng AmCham và nhiều hiệp hội doanh nghiệp khác thực hiện các sáng kiến để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, thúc đẩy việc sử dụng năng lượng sạch… ở Việt Nam. Diễn đàn cũng sẽ tiếp tục thảo luận về việc thúc đẩy và nâng cao hiệu quả của mô hình đối tác công tư.  

Trả lời báo chí về những vấn đề đã nêu tại các Diễn đàn trước, ông Vũ Tiến Lộc ghi nhận, đã có khoảng 60% kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp đã được Chính phủ tiếp thu, giải quyết tích cực, song có nhiều vấn đề cần có thời gian để tiếp tục xử lý. Như quy định về nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng, Chính phủ đã tiếp thu, sửa đổi thời hạn sử dụng của thiết bị được phép nhập khẩu từ 10 năm lên 20 năm, nhưng với thời gian làm thêm, phải sửa đổi Bộ luật Lao động thì hiện Quốc hội vẫn đang bàn – ông Vũ Tiến Lộc, đồng thời là một ĐBQH cho biết.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng khẳng định, Diễn đàn được tổ chức nhiều lần, nhiều vấn đề đã được giải quyết; nhưng cải thiện môi trường kinh doanh là “một cuộc chạy không có điểm dừng, nên phải tiến hành liên tục, thường xuyên”.

Tin cùng chuyên mục