Gặp lại mình trong phim "Tháng 5 để dành"

Tôi đã rời ghế mái trường phổ thông cũng gần 20 năm, bằng đúng thời điểm bối cảnh diễn ra bộ phim Tháng 5 để dành. Vậy nên, khi xem phim giống như mình được lật mở từng trang ký ức những năm tháng học trò với đủ những trò nghịch ngợm, quậy phá, những thay đổi thất thường về tâm sinh lý của lứa tuổi dậy thì, lắm tò mò và nhiều ngây ngô.   
Gặp lại mình trong phim "Tháng 5 để dành"

Tôi nhớ, những ngày tháng ấy, lứa học trò chúng tôi có đứa nào lại không biết đến những món quà vặt phổ biến như bánh cam, sữa chua… cho đến các sở thích đọc truyện tranh, xem đĩa CD trên những đầu máy, tivi cũ rích, đọc tư vấn của anh Chánh Văn trên báo Hoa học trò, làm báo tường, cắt dán hình thần tượng đầy nhà, nhảy tường đi học… Hầu hết đứa nào cũng có cuốn nhật ký, rồi chép thơ, chép bài hát… coi như báu vật. Đám con trai có đứa nào không một lần thử xem mấy phim hay đọc truyện “người lớn” được bạn bè truyền tay nhau. Tôi cá là, khi xem phim, không chỉ tôi mà nhiều 8X khác cũng sẽ bắt gặp lại những kỷ niệm đó. Ở thế hệ của chúng tôi, những lứa học trò lớn lên tại các miền quê nghèo Bắc bộ, đó là sự phát triển về tâm, sinh lý rất tự nhiên.   

Nói thêm về những mối tình học trò, mà thời đó người ta quen gọi câu cửa miệng là “ngốc xít”. Chuyện như nhân vật nam chính là còn “liều”, vì kỳ thực hồi đó, lứa bạn học cùng tôi ít đứa nào dám mạnh dạn tỏ tình và may mắn “cua” được bạn cùng lớp xinh đến vậy. Nếu có thích nhau, chẳng bao giờ dám thể hiện, chỉ len lén gửi thư, cùng lắm là đi học về đạp xe chung đường với cả nhóm bạn. Phần vì sợ bạn bè biết nên chọc ghẹo, đôi khi còn bị những anh chàng vệ tinh theo nàng đánh cho nhừ đòn. Và nhất là, nếu bị cha mẹ phát hiện, ngoài việc bị mẹ xích trên giường như nam chính, bố cũng sẽ cho trận đòn bầm dập. Thế nhưng, lứa tuổi ấy là vậy, đã thích rồi thì bất chấp tất cả, bởi trong trái tim mình, nàng là số 1. Nếu tỏ tình mà được nàng chấp nhận, kiểu gì cũng khiến những đứa bạn thân phải ghen tỵ. Các bạn trẻ hiện nay nếu có lỡ xem phim và thấy ngô nghê, thậm chí vô lý cũng chẳng có gì ngạc nhiên.   

Tôi có thói quen xem phim điện ảnh như một hình thức giải trí. Dĩ nhiên, tôi thích những bộ phim hình ảnh long lanh, mướt mắt. Thế nhưng với Tháng 5 để dành, khi cảm xúc là tối thượng, khuôn hình có thể chưa đẹp, phim cũng không có cao trào dữ dội, chi tiết đôi khi còn bất hợp lý…, tôi có thể bỏ qua hết. Trong cuộc sống ồn ào, vội vã của những cơm, áo, gạo tiền, có những phút giây được lắng lòng mình, quay về với những năm tháng tuổi mới lớn, điều đó còn giá trị hơn rất nhiều. 

Khi viết đến những dòng này, lòng tôi mênh mang lạc về miền ký ức, hồi tưởng mình vẫn đang đạp xe đi học trên con đường hai bên là những cánh đồng lúa chín, lớp học với những khuôn mặt thân quen và những trò đùa tinh nghịch, những ám ảnh giờ kiểm tra và trả bài… Và ở đó, còn có cả ước mơ, hoài bão khi rời ghế nhà trường để chập chững bước chân vào giảng đường đại học. Tôi, cũng có những người bạn theo gia đình, bà con sang Cộng hòa Séc làm ăn như nhân vật Sơn trong phim. Tôi tin, những Ngọc, Hiếu, Sơn… trong phim, nay đã là những người trưởng thành, cũng giống như chúng tôi vậy.

Tin cùng chuyên mục