Nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa: Cười mà suy ngẫm…

Nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa: Cười mà suy ngẫm…

Trong giới báo chí, những nhà báo có năng khiếu sáng tác, viết truyện không nhiều, những người có khả năng viết tiểu phẩm châm biếm, trào phúng lại càng hiếm. Nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam năm nay, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa, người có thâm niên trên 30 năm làm báo, viết tiểu phẩm châm biếm, trào phúng trên Báo Tuổi Trẻ Cười… với hàng chục tập truyện được in, phát hành.

* Nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa: Hiện nay tôi làm công tác tòa soạn, giống như một người đầu bếp chuẩn bị những món ăn cho thực khách (độc giả). Sau khi chế biến món ăn xong, bày ra cho thực khách mua, mang lại cho thực khách những món ăn ngon với những tiếng cười ý nhị, người làm đầu bếp như tôi sẽ cảm thấy rất vui và ngược lại.

* PV:
Hàng ngày làm đầu bếp, anh phải chọn lựa, chế biến món ngon cho thực khách, nhưng có khi nào anh rơi vào tình thế sản phẩm anh đưa ra anh nghĩ là ngon, là cười được, nhưng với thực khách lại không?

* Quả tình, công việc của chúng tôi không dễ dàng, đặc biệt mang lại tiếng cười, lại càng khó hơn. Có một thực tế, hiện nay lực lượng những người viết châm biếm, trào phúng đang ngày càng lớn tuổi và thưa dần đi, trong khi đó những người trẻ thì chưa thấy xuất hiện, kể cả lực lượng họa sĩ biếm họa cũng thế. Đó là một nỗi lo, đồng thời cũng là cái khổ của những người làm báo cười.

Khi mình đưa ra những mẩu chuyện, độc giả không thích cũng có nhiều nguyên nhân, có khi do nội dung chưa đạt, tác giả diễn đạt chưa tới… Tuy nhiên, chúng tôi luôn cố gắng tạo sự đồng cảm giữa các cây bút với độc giả để làm sao, vấn đề mình đưa ra không xa lạ, đúng với những gì mà độc giả suy nghĩ. Có được những cây bút viết châm biếm, trào phúng như các anh Đồ Bì, Hoàng Thiếu Phủ… thật không dễ chút nào. Tất cả đòi hỏi phải có thời gian, các tác giả phải lao động, sáng tác thường xuyên mới tạo dựng được vị thế của mình trong lòng độc giả.

Theo cảm nhận của riêng tôi, người ta có thể đào tạo được nhà báo, nhưng với những người viết châm biếm, trào phúng phải có cái duyên và một chút năng khiếu bẩm sinh, chứ không phải ai cũng có thể viết được. Đồng thời, viết châm biếm, trào phúng gắn với tờ báo cười còn đòi hỏi phải có trình độ nhận thức chính trị và một sự hiểu biết về đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội tương đối sâu sắc mới có thể có được những sản phẩm đề cập đến vấn đề mà độc giả quan tâm.

* Người viết châm biếm trào phúng, luôn đòi hỏi một giọng văn, câu chữ có sự dí dỏm, vậy ngoài đời, các cây bút này có hài hước không?

* Có khi ngược lại thì đúng hơn. Ngay như tôi hay các anh Đồ Bì, Hoàng Thiếu Phủ… trông lúc nào cũng lạnh lùng sương gió, sầu não bi ai. Nhưng trong cách nói chuyện của anh em, lại đầy chất châm biếm. Theo tôi biết được, hầu hết những cây bút viết châm biếm, trào phúng đều là những người rất yêu nghề và nghiêm túc trong cuộc sống. Tất cả đều sống bằng cái tâm, yêu - ghét, phải - trái, đẹp - xấu… rất rõ ràng.

* Khi viết tiểu phẩm châm biếm, trào phúng, anh thường chú trọng đến yếu tố vui cười trước tiên hay điều gì khác? Có khi nào anh tự bó hẹp mình trong một đề tài?

* Là một nhà báo, cho nên khi đặt bút viết một tiểu phẩm, tôi luôn xác định mình phải viết về vấn đề nào mà tôi và nhiều bạn đọc đang quan tâm. Đương nhiên, qua ngòi bút, ngôn từ, cách diễn giải của mình, tôi luôn chú trọng đến yếu tố làm sao mang lại tiếng cười cho độc giả và sau tiếng cười đó, có thể khiến độc giả phải suy ngẫm về điều mà mình đưa ra. Trong quá trình viết, tôi luôn quan tâm đến nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực khác nhau để làm sao tiểu phẩm của mình luôn phong phú. Nếu một người làm báo, nhất là viết châm biếm, trào phúng mà chỉ bó hẹp trong một đề tài, một lĩnh vực theo dõi thì rất dễ làm cho độc giả… nhàm chán!

Cho đến nay, dù đã được kết nạp là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng tôi thật sự chưa dám nghĩ mình là một nhà văn. Tôi luôn xác định, mình là một nhà báo, viết báo rồi có nhiều bài báo được tập hợp lại in thành sách, thế thôi!

* Trong năm nay, anh sẽ có tập truyện ngắn nào ra mắt độc giả?

* Hiện nay, tôi đang tập hợp lại các truyện ngắn mini, mỗi mẩu chuyện từ vài trăm chữ đến 1.000 từ để in thành một tập truyện, dự kiến phát hành vào cuối năm nay. Trong tập truyện này, hầu hết những mẩu chuyện của tôi đều xoay quanh các mối quan hệ trong gia đình, mối quan hệ giữa con người với nhau… Qua đó, tôi muốn chiêm nghiệm lại chuyện đời, thế thái nhân tình theo kiểu một “ông già” nhìn lại, soi rọi lại cuộc sống, bởi hiện nay tôi cũng đã ngoài 50 tuổi rồi, đâu còn trẻ nữa.

* Trong thời kỳ bùng nổ phim truyền hình, thiếu hụt kịch bản, với “gia tài” hàng ngàn bài báo châm biếm, trào phúng, có khi nào anh sẽ thử tài viết kịch bản phim?

* Tôi cũng đã từng viết tiểu phẩm sân khấu, tập truyện phim, nhưng hiện nay, tôi chỉ lo công việc hiện tại – làm báo. Còn trong tương lai, tôi chưa thể nói trước điều gì, biết đâu, khi hứng khởi, tôi lại viết kịch bản phim thì sao? Thôi thì chuyện của tương lai, mai này tính tiếp…

* Cảm ơn và chúc ngòi bút của anh luôn sắc bén!

Các tác phẩm của nhà báo, nhà văn Lê Văn Nghĩa đã in và phát hành:

Thằng láu cá, Hoa hậu phường Cây Mít, Vua lừa, Phá án sextour, Nô tế bồ, Ôi! bóng đá, Nhà mùi học, Đám cưới nàng Thanh Mã, Điệp viên Không Không Thấy 1, 2, Vượt sóng (Tập truyện phim), Bạn đời (Tuyển tập truyện ngắn), Tùy viên giảm béo, Người bán nụ cười…

ĐỖ HẠNH thực hiện

Tin cùng chuyên mục