Nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày Báo Quân đội Nhân dân ra số đầu tiên (20-10-1950 / 20-10-2010) và đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động

Nhớ mãi một người thầy

Nhớ mãi một người thầy

Tôi biết tiếng ông ngay từ khi còn làm ở Báo Quân khu 7. Bạn bè đồng nghiệp nhắc đến ông với sự ngưỡng mộ và kính trọng. Đó là một Tổng biên tập quyết đoán và tài năng. Đó là một thủ trưởng nghiêm khắc và nhân hậu. Khi tôi có quyết định về công tác tại Báo Quân đội Nhân dân, ngay từ lần đầu gặp ông tôi đã có thêm một cảm nhận: Đó là một con người gần gũi, ấm áp. Gần gũi từ giọng nói chậm rãi và chân tình. Ấm áp từ cái nhìn nhân hậu và chia sẻ.

Một

Tôi nhớ mãi vào khoảng cuối năm 1988 tôi từ Quân khu 7 về nhận nhiệm vụ ở ngôi nhà 63 Lý Tự Trọng, nơi đặt trụ sở của Ban đại diện Báo Quân đội Nhân dân tại thành phố Hồ Chí Minh. Hồi đó, trên bậc cửa dẫn lên cầu thang của tòa nhà có một chiếc ghế băng. Vào cổng, tôi gặp một người đàn ông có dáng nho nhã như một thầy giáo, với mái tóc bạc và đặc biệt đôi mắt thật sâu, ánh nhìn ấm áp đang ngồi ở đó. Tôi cúi đầu chào ông rồi vội vã lên cầu thang vào thẳng phòng làm việc của anh Phạm Đình Trọng, lúc đó là Phó ban đại diện Báo Quân đội Nhân dân tại khu vực phía Nam. Tôi hỏi anh Trọng về người đàn ông đang ngồi dưới băng ghế. Anh Phạm Đình Trọng nói: “Tổng biên tập của mình đấy - Thiếu tướng Trần Công Mân”. Tôi như thấy mình có lỗi. Người Tổng biên tập mà tôi hằng ngưỡng mộ lại là một con người bình dị thế sao? Tôi tự trách mình lần đầu gặp thủ trưởng mà không dừng lại thăm hỏi.

“Cụ đang chờ con gái đấy” - anh Trọng nói - “Con gái cụ đang học bác sĩ”. Rồi như hiểu được nguyện vọng của tôi, anh Trọng bảo: “Nếu cụ đồng ý, lát nữa anh sẽ đưa chú lên trình diện Tổng biên tập”.

Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân (1925 - 1998).

Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân (1925 - 1998).

Và hôm ấy, tôi không phải chờ đợi lâu. Hai anh em đang nói chuyện thì cụ Mân gõ cửa phòng anh Trọng.

- Báo cáo anh, đồng chí Trần Thế Tuyển vừa về nhận nhiệm vụ ở báo ta, nếu anh không bận, chú ấy muốn lên chào anh - Anh Trọng đứng dậy nói với giọng trịnh trọng.

Tổng biên tập mà anh Trọng thường gọi bằng “cụ” ấy, vui vẻ trả lời: - Được. Lát nữa mời lên phòng tôi.

Và, tôi đã có buổi nói chuyện đầu tiên với Tổng biên tập. Ông ngồi chăm chú nghe tôi kể về chuyện làm báo quân khu, chuyện chiến trường và cả chuyện gia đình vợ con nữa. Đúng như dự cảm của tôi, ông thật gần gũi như một người cha, người chú. Tôi đang hào hứng nghe ông nói về công việc làm báo ở Báo Quân đội Nhân dân thì có tiếng gõ cửa. Một cô gái trẻ bước vào. Ông giới thiệu: “Đây là con gái út của mình”.

Phải nói con gái ông giống cha thật nhiều, nhất là đôi mắt và nụ cười…

Chia tay cụ Mân ra về, tôi thấy người lâng lâng một cảm giác rất lạ. Cũng dễ hiểu thôi, bao giờ người ta gặp thần tượng cũng có cảm giác như thế!

Ít lâu sau. Một hôm, Trưởng ban đại diện Vũ Linh gọi tôi vào phòng làm việc. Ông nói với giọng nghiêm trọng:

- Đồng chí mới về, biết đồng chí đã từng chiến đấu ở chiến trường Campuchia, nói được tiếng Khmer, Tổng biên tập quyết định để đồng chí tham gia đoàn công tác ở Campuchia sắp tới.

Tôi mừng run. Có hai điều thích thú. Thứ nhất, mới về Báo Quân đội Nhân dân đã được tháp tùng Tổng biên tập đi công tác nước ngoài. Đây là dịp tốt để hiểu ông và cũng để ông hiểu mình. Thứ hai, được trở lại chiến trường xưa, nơi có bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, nơi thấm đẫm biết bao máu xương đồng đội.

Đi công tác nước ngoài, nhưng chúng tôi không đi bằng máy bay mà đi trên chính chiếc xe Mazda cũ kỹ của Ban đại diện do Nguyễn Văn Quốc điều khiển. Tôi cũng đã từng đi làm việc với một số tướng lĩnh, nhưng chưa bao giờ tôi thấy ông tướng nào bình dị như tướng Trần Công Mân. Xe 4 chỗ mà đoàn công tác có tới 6 người.

Biết ý, trước khi lên đường, anh Vũ Linh đề nghị: Tổng biên tập ngồi ghế đầu cùng tài xế, còn 4 người ngồi băng dưới.

Cụ Mân xếp lại: - Anh Linh lớn con, ngồi ghế trên, còn để 4 chúng tôi nhỏ con ngồi băng dưới.

Thế là cụ Mân cùng tôi, chị Điệp và cô phóng viên trẻ Minh Tâm ngồi theo thế “thụt thò” trên suốt chặng đường dài hơn 200km từ thành phố Hồ Chí Minh đến thủ đô Phnôm Pênh. Tối hôm ấy, sau buổi làm việc, cụ Mân gọi tôi sang phòng nói chuyện. Như một học trò nhỏ, tôi ngồi nghe ông nói. Ông hỏi tôi về phong tục tập quán của nhân dân Campuchia và những kỷ niệm chiến trường mà tôi đã có những năm tháng sống và chiến đấu.

Đêm ấy, về căn phòng của mình, tôi thao thức mãi không thể nào ngủ được. Một con người vào sinh ra tử trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, đã từng chỉ huy nhiều đơn vị chiến đấu, bây giờ về làm Tổng biên tập tờ báo lớn nhất nhì đất nước, mà bình dị, gần gũi quá. Trong câu chuyện, ông không kể cho tôi nghe những thách thức, khó khăn trong cuộc đời làm báo - làm Tổng biên tập của mình, nhưng qua bạn bè, đồng nghiệp, tôi biết ông là một Tổng biên tập tài năng, đức độ và đầy bản lĩnh. Bây giờ việc đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng đối với báo chí là một nhiệm vụ và là một thế mạnh. Nhưng cách đây vài chục năm, khi Thiếu tướng Trần Công Mân làm Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân, phản ánh tiêu cực trên báo chí không phải là chuyện đơn giản.

Sau này tôi đã được chính tác giả bài “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” kể lại, mới thấy hết bản lĩnh và cách ứng xử của ông, với tư cách Tổng biên tập, người thuyền trưởng, nhất là thuyền trưởng khi con tàu đang vượt lên dông bão và thủy thủ đoàn đang đương đầu với thách thức, khó khăn. Khi phóng viên đưa bài chống tiêu cực liên quan đến một cán bộ cấp cao, hàm bộ trưởng, ông hết sức thận trọng, cân nhắc. Sau khi đã thẩm định tính chính xác của thông tin và động cơ của người viết, ông cho đăng và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Tác giả bài đấu tranh chống tiêu cực ấy đã miêu tả về người Tổng biên tập của mình với giọng đầy kính trọng. Khi Ban Bí thư triệu tập Tổng biên tập, tác giả bài báo và ông Tô Duy (cùng các trợ lý của ông) vào thành phố Hồ Chí Minh làm việc, Tổng Biên tập Trần Công Mân hết sức bình tĩnh. Một cuộc họp được mô tả là có một không hai đối với Báo Quân đội Nhân dân lúc đó, với nhiều ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách công tác tư tưởng - văn hóa và nội chính. Thế mà Tổng Biên tập Trần Công Mân vẫn bình tĩnh trình bày với đầy đủ bản lĩnh của một người dám làm, dám chịu trách nhiệm vì sự trong sạch của Đảng và giữ gìn phẩm chất đạo đức của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Có thể có những ý kiến khác nhau về ông nhưng hầu hết đều phải công nhận đó là một việc làm dũng cảm, bản lĩnh của người Tổng biên tập một tờ báo lớn của Đảng, quân đội và đất nước.

Hai

Đầu năm 2008, khi đang làm Phó Cục trưởng Cục Báo chí phụ trách phía Nam, tôi nhận lời về làm Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng. Đó là một quyết định khó khăn đối với tôi mà suốt mấy tháng trời trăn trở, suy nghĩ mãi mới dứt khoát được. Đêm đầu tiên ngồi chiếc ghế “nóng” Tổng biên tập, tôi “tìm” đến cụ Mân, người thầy và cũng là thần tượng của tôi ngay từ thời mới về làm Báo Quân đội Nhân dân. Trên trang bìa tập sách “Trần Công Mân, tác phẩm báo chí chọn lọc” - do Hội Nhà báo Việt Nam phát hành năm 2001, cụ Mân với mái tóc bạc phơ, đôi mắt nheo nheo, nụ cười đôn hậu vẫn đang ngồi trên bàn làm việc của Tổng biên tập ở ngôi nhà số 7 phố Phan Đình Phùng - Hà Nội.

Như một thứ bửu bối, tôi vừa đọc lại, vừa suy ngẫm những bài báo mà Tổng Biên tập Trần Công Mân đã viết khi còn đương chức. Quả thật, những bài báo của ông đã mấy chục năm vẫn còn nguyên giá trị thời sự, như ánh sáng soi đường cho tôi, tiếp cho tôi nguồn sức mạnh. Đúng là so sánh, dù có kỹ càng thận trọng mấy vẫn có chỗ khập khiễng. Tổng biên tập mỗi tờ báo có phong cách khác nhau, đặc biệt làm Tổng biên tập mỗi thời có khác nhau. Nhưng những gì tôi tiếp nhận được ở cụ Mân từ phong cách làm việc, lối ứng xử đời thường đến tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm của một Tổng biên tập đã là bài học thiết thực nhất đối với tôi.

Sau này, đúng dịp kỷ niệm 59 năm ngày Báo Quân đội Nhân dân ra số đầu tiên (20-10-1950 - 20-10-2009) nhà báo, nhà thơ Hồng Thanh Quang, Đại tá, Phó Tổng biên tập Báo Công an Nhân dân, một đồng nghiệp của tôi, đã có một thời cùng làm việc ở Báo Quân đội Nhân dân, tình cờ gặp tôi và có một cuộc trao đổi ngắn. Trong lúc đàm đạo có đề cập nhiều đến Thiếu tướng Trần Công Mân, vị Tổng biên tập mà cả hai chúng tôi đều rất kính trọng và ấn tượng. Tôi xin trích một đoạn cuộc trò chuyện ấy đã đăng trên Báo An ninh Thế giới, số tháng 10-2009:

- Anh hình dung thế nào về bác Trần Công Mân, lúc ấy là Tổng Biên tập Báo Quân đội Nhân dân?

- Mỗi người dấn thân cho cuộc đời và có một cái nghề của mình do trời định, do mình định, do bố mẹ định nhưng ai cũng đều có một người thầy, một thần tượng. Thì bác Trần Công Mân đối với tôi là một người thầy, một thần tượng.

- Có ai bảo rằng bác Trần Công Mân làm việc theo kiểu cũ, tức là làm báo không lựa người cụ thể mà chỉ tuân theo đường lối chung. Anh nghĩ thế nào về ý kiến này?

- Bây giờ, khi tôi cũng phải đảm đương chức trách Tổng biên tập một tờ báo rồi, tôi càng thấy bác Trần Công Mân thực sự là một thần tượng. Trong quan điểm của ông, chất lượng tờ báo chính là phụ thuộc vào bản lĩnh, phẩm chất và năng lực của Tổng biên tập. Chính Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm về việc đúng hay sai trong những định hướng mà ông đưa ra. Và như Hồng Thanh Quang biết đấy, nghề báo thực sự là một nghề không thể chủ quan được.

(...)

- Ta cùng nói chuyện với nhau về Báo Quân đội Nhân dân nhé. Không hiểu sao, dù đã gần chục năm rồi không còn làm ở đó (Báo QĐND) nữa nhưng tôi vẫn rất yêu tờ báo này và luôn đau đáu về nó. Trong cách nhìn của anh hiện nay, anh bây giờ cũng là Tổng biên tập của một tờ báo rất lớn, anh hình dung thế nào về bác Trần Công Mân? Điều gì mà bác Trần Công Mân đối với anh, đã cho anh một cái đúc kết gì? Và khi nhớ về Trần Công Mân thì theo anh, chúng ta nên nhớ về điều gì nhất để mà chúng ta có thể phát triển liên tục?

- Trong phòng làm việc của tôi có một cái tủ. Hàng ngày tôi đều nhìn vào đó. Bên cạnh ảnh của bố mẹ và những người thân yêu của tôi, thì có một bức ảnh nữa mà tôi rất trân trọng, đó là ảnh của Thiếu tướng Trần Công Mân. Tại sao lại thế? Là vì nhà báo Trần Công Mân đã ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.

- Bác ấy cũng có ảnh hưởng rất lớn đối với tôi.

- Khi tôi được giao làm Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng, tôi đã đọc lại các bài báo của bác Trần Công Mân rất nhiều và tôi tự lý giải, tại sao mình lại luôn luôn có hình ảnh nhà báo Trần Công Mân bên cạnh. Ấy là hình ảnh một người thuyền trưởng mà là người thuyền trưởng người ta không quan tâm tàu ở trong bến xuất phát...

- Mà chỉ quan tâm tới con tàu khi ở giữa đại dương?

- Vâng, nhất là ở giữa đại dương khi dông bão, đang có bão cấp 15 chẳng hạn... Tổng biên tập, anh là ai? Là thuyền trưởng chứ còn ai nữa. Bởi vì, chỉ lúc đó, hơn bao giờ hết, thuyền trưởng mới thể hiện bản lĩnh của mình, gắn liền số phận mình với số phận thủy thủ đoàn, gắn liền với con tàu, gắn liền với việc định hướng. Lúc đó, thuyền trưởng có thể ra lệnh sang trái hoặc sang phải... Nhưng điều quan trọng là thuyền trưởng phải vững vàng, quyết đoán để con tàu lách sóng ngầm, tảng đá ngầm, tiến tới mục tiêu đã chọn. Đây là bài học mà tôi đã học được ở bác Trần Công Mân.

- Anh có thấy bác Mân, trong cuộc sống của bác ấy, vì bác ấy giỏi quá nên cũng gặp nhiều hơn những vất vả không đáng có?

- So sánh thì khập khiễng, mặt khác cũng không đủ thông tin. Nhưng tôi nghĩ và thực tế đã rõ, bác Trần Công Mân đủ sức chịu trận và cũng luôn xác định được mình là ai, đang ở đâu và phải làm gì...

(...)

- Mong sao chúng ta luôn có một thủy thủ đoàn đồng tâm hiệp lực với các thuyền trưởng để con tàu luôn đi lên phía trước về hướng chân-thiện-mỹ, về hướng xây dựng xã hội ổn định và phát triển...

Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân đã đi xa hơn mười năm nay, tôi cứ nghĩ mãi về người thầy của tôi - thần tượng của tôi. Thiếu tướng, nhà báo Trần Công Mân, đích thực là một thuyền trưởng như thế.

TP Hồ Chí Minh, tháng 10-2010

TRẦN THẾ TUYỂN

Tin cùng chuyên mục