Mênh mang sông nước miệt vườn

​ Ghé “đảo ngọt”, dạo chơi Vàm Hồ

Cách TP Cần Thơ khoảng 40km, cù lao Tân Lộc (quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) được xem là “đảo ngọt” nổi tiếng một thời bởi nghề làm mía đường, mặc dù nghề này hiện không còn nữa. 
Nhìn trên bản đồ, cù lao có hình như hạt gạo, bao quanh là dòng sông Hậu Giang mang nặng phù sa, những vườn cây trĩu quả, những vườn dừa xanh trải dài hút tầm mắt. Thêm nữa, điểm nhấn ấn tượng của “đảo ngọt” là hàng chục ngôi nhà cổ hàng trăm năm tuổi. Trong số đó, ngôi nhà cổ xây dựng năm 1916 của ông Trần Bá Thế (Sáu Thế), hậu duệ của cụ Phạm Văn Huấn, vị quan cận thần của vua Gia Long, được nhiều du khách ghé thăm hơn cả. 
​ Ghé “đảo ngọt”, dạo chơi Vàm Hồ ảnh 1 Du khách tham quan và dạo vườn ổi cô Chín Điệp (Tân Lộc, Cần Thơ)
Nội thất ngôi nhà được thiết kế hài hòa, các bộ trường kỷ, ghế dựa khảm xà cừ sang trọng, trên các vòm cửa có phù điêu, hoa văn, họa tiết trang trí… Mái nhà lợp ngói vảy cá, nền lót gạch bông trắng, đen xen kẽ. Theo ông Trần Bá Thế, thông tin, ngôi nhà được xây dựng với số tiền hơn 7.000 đồng Đông Dương thời bấy giờ, tương đương mua được hàng ngàn con trâu. Trong khuôn viên vườn rộng 3 héc-ta, du khách thỏa thích trải nghiệm câu cá, tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức các món ăn dân dã đậm chất miệt vườn miền Tây Nam Bộ…
Cù lao Tân Lộc được thiên nhiên ưu đãi do nằm trên vùng đất phù sa cổ, vì vậy những vườn cây ăn trái vô cùng xanh tốt với những loại trái cây sạch, thơm ngon, ăn ngay khi hái từ trên cây xuống. Xen kẽ đó là hàng loạt những con kênh, rạch chằng chịt với những hàng trái cây như mít, ổi, cam… sai trĩu quả rũ xuống tận gốc cây. Đầu tiên, phải kể đến vườn ổi lê của cô chín Điệp. Du khách tham quan được tự tay bứt những trái ổi vàng ươm, thơm ngon, bóng mượt ngay tại vườn. Ổi chín vừa xốp mềm, ngọt thanh, ruột dẻo mang hương thơm đặc trưng. Suốt hành trình, du khách còn có dịp ghé xuống ghe để đến khu vực làng bè, bắt vẹm nướng mỡ hành, ngắm hoàng hôn trên dòng sông Hậu Giang thơ mộng…
​ Ghé “đảo ngọt”, dạo chơi Vàm Hồ ảnh 2 Lễ ký kết hợp tác phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch liên vùng Tây Nam Bộ giữa Công ty Du lịch TST tourist và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, quận Thốt Nốt và huyện Phong Điền
Ngược TP Cần Thơ, du khách đến với xứ dừa Bến Tre thơ mộng, ghé khu du lịch Vàm Hồ (nằm bên sông Ba Lai, cách TPHCM khoảng 120km) thăm sân chim Vàm Hồ nổi tiếng với trên 120 loài chim các loại cùng hơn 34 loài thực vật. Khách tham quan được dịp khoác trên mình bộ quần áo bà ba cùng khăn rằn đặc trưng của người dân Nam Bộ, tham gia đổ bánh xèo, đi cầu khỉ, tập bơi xuồng… Đặc biệt, chạng vạng tối, những tiếng chim lao xao đổ về sân chim Vàm Hồ như đánh thức cả một góc trời. Từng đàn chim bố, mẹ chao nhanh về với lũ chim con líu ríu đợi chờ, trông thật bình yên, ấm áp lạ thường. 
 
TST tourist ký kết phát triển du lịch Cần Thơ 
Ngày 11-7, tại UBND TP Cần Thơ đã diễn ra buổi lễ ký kết hợp tác phát triển, quảng bá sản phẩm du lịch liên vùng Tây Nam Bộ giữa Công ty Du lịch TST tourist và Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, quận Thốt Nốt và huyện Phong Điền. Tham dự buổi lễ có ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ; bà Trần Thu Hòa, Phó Tổng Giám đốc TST Tourist, cùng lãnh đạo một số quận huyện.
Theo đó, Sở Văn hóa -  Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, quận Thốt Nốt và huyện Phong Điền chủ động, tích cực cung cấp những thông tin cập nhật mới nhất về định hướng và kế hoạch phát triển du lịch trên địa bàn Cần Thơ, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, các ưu đãi dành cho TST tourist. Cụ thể là việc hỗ trợ tổ chức các chương trình khảo sát dành cho bộ phận nghiên cứu sản phẩm của TST tourist với mục tiêu xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp nhu cầu thị trường và thị hiếu của khách hàng.
Bên cạnh đó, TST tourist có trách nhiệm tích cực tham gia vào công tác tư vấn, hỗ trợ chuyên môn và xây dựng các sản phẩm tour du lịch dựa trên cơ sở tài nguyên hiện có trên địa bàn Cần Thơ, cũng như tìm kiếm, đưa ra định hướng khai thác mang lại sự phát triển nhưng vẫn đảm bảo tính bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc nói chung và địa phương nói riêng theo mô hình du lịch sinh thái bền vững gắn liền với cộng đồng.
                                                                                               ANH BẢO

Tin cùng chuyên mục