Giá bất động sản ven biển ở Bình Thuận tăng mạnh

Sở hữu chiều dài bờ biển gần 200km cùng nhiều tiềm năng du lịch phong phú song do yếu tố hạ tầng còn tắc nghẽn nên trong một thời gian dài, thị trường bất động sản ven biển ở tỉnh Bình Thuận dường như đang “ngủ đông”.
Nhiều dự án bất động sản đầu tư ven biển ở Bình Thuận
Nhiều dự án bất động sản đầu tư ven biển ở Bình Thuận

 Phải đến cuối năm 2017, sau khi xuất hiện các tín hiệu tốt về hạ tầng giao thông, cùng với các chính sách thông thoáng của chính quyền địa phương, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển tại Bình Thuận đã chứng kiến cuộc đổ bộ của hàng loạt doanh nghiệp địa ốc lớn. 

Việc vận hành đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến TP Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận) còn khoảng 3 giờ đã mang lại sự kỳ vọng cho các nhà đầu tư. Khi tuyến cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết đưa vào sử dụng sẽ kéo giảm thời gian này xuống còn khoảng 1,5 giờ. Sự kiện sân bay Phan Thiết được đầu tư xây dựng với tổng mức vốn hơn 10.000 tỷ đồng đang hứa hẹn mang tới một mạng lưới giao thông đồng bộ, thông suốt. Việc Bình Thuận liên tục có nhiều giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, cải cách mạnh về thủ tục hành chính,… đã khiến dải đất ven biển Nam Trung bộ này đang trở thành địa điểm đầu tư hấp dẫn. 

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, đến nay địa bàn đã có khoảng 390 dự án đầu tư ven biển được chấp thuận đầu tư còn hiệu lực, với tổng diện tích gần 6.500ha và tổng vốn đầu tư hơn 61.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn các dự án đầu tư ven biển tập trung tại khu vực vừa được Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành Khu du lịch quốc gia Mũi Né. Theo quy hoạch, ngoài khu vực Hàm Tiến - Mũi Né (TP Phan Thiết), Khu du lịch quốc gia Mũi Né sẽ được mở rộng về phía Bắc đến hết các xã Hồng Phong, Hòa Thắng (huyện Bắc Bình) và Hòa Phú (huyện Tuy Phong). Quy hoạch này còn tính đến việc mở rộng kết nối với huyện Hàm Thuận Nam và thị xã La Gi, nhằm tạo các điểm du lịch vệ tinh cho khu du lịch quốc gia.

Nắm bắt những thời cơ trên, thời gian gần đây, không chỉ những nhà đầu tư bất động sản ở địa phương, mà hàng loạt “ông lớn” về bất động sản từ khắp nơi trên cả nước như Novaland, Dubai Việt Nam,… đã có mặt ở Bình Thuận với những dự án đầu tư hàng trăm triệu USD. Chính sự xuất hiện của những nhà đầu tư bất động sản có tên tuổi này khiến giá đất ven biển liên tục tăng cao. Trong đó, dự án NovaWorld Phan Thiết (Tập đoàn Novaland làm chủ đầu tư, quy mô 100ha) dù chưa hình thành nhưng đơn vị phân phối đã đưa mức giá dự kiến 3,3 - 6,5 tỷ đồng cho các dạng nhà phố, biệt thự song lập và đơn lập diện tích  100-200m²­.

Ngoài ra, hàng loạt dự án đình đám của các nhà đầu tư bất động sản khác ở TP Phan Thiết như: Khu du lịch thương mại dịch vụ cao cấp Hàm Tiến - Mũi Né, Khu du lịch cao cấp Hòn Rơm - Mũi Né, Hamubay Phan Thiết, The Queen Pearl,… cũng đang chào bán với giá dao động 11 - 20 triệu đồng/m². Theo một số nhà đầu tư, cách đây khoảng 3 năm, giá đất ở khu vực ven biển này chỉ ở mức 5 - 6 triệu đồng/m². Cá biệt, tại khu vực được quy hoạch xây dựng sân bay Phan Thiết (xã Thiện Nghiệp, TP Phan Thiết), giá 1ha đất nông nghiệp cách đây 2 năm chỉ vài trăm triệu đồng thì nay đã tăng lên khoảng 10 tỷ đồng, có khu vực lên tới 40-50 tỷ đồng.
Trước sự việc bất thường này, UBND TP Phan Thiết đã phải thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để chủ động xử lý về an ninh trật tự và tranh chấp đất đai có thể xảy ra.

Không chỉ ở TP Phan Thiết, các dự án phân lô bán nền, biệt thự cao cấp ở thị xã La Gi cũng đang tăng lên chóng mặt. Qua khảo sát, hiện một số dự án bất động sản lớn ở thị xã này như Queen Pearl Marina Complex đang được chào giá từ 17,5 triệu đồng/m². Theo một số người môi giới, cách đây khoảng một năm, một số sự án nơi đây chỉ chào giá 6-7 triệu đồng/m² nhưng hiện đã tăng lên gần gấp 3 lần. 

Tin cùng chuyên mục