Gia công xuất khẩu - đủ đường trốn thuế

Cả nước có gần chục ngàn doanh nghiệp gia công, sản xuất hàng xuất khẩu và loại hình doanh nghiệp này đã đóng góp hơn 60% kim ngạch xuất nhập khẩu. Thế nhưng, tận dụng nhiều chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp này đã lợi dụng để gian lận, trốn thuế. Thực trạng đang ở mức báo động…
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một đơn vị. Ảnh: CAO THĂNG
Sản xuất đồ gỗ xuất khẩu tại một đơn vị. Ảnh: CAO THĂNG
Nhập nhằng nguyên liệu
Hiện nay, cả nước có trên 9.000 doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu và chế xuất, đóng góp trên 60% kim ngạch xuất nhập khẩu. Có thể thấy, cả về số lượng doanh nghiệp và kim ngạch xuất nhập khẩu đều rất lớn và đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Thế nhưng, không ít doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu đã lợi dụng các chính sách ưu đãi, thông thoáng trong hoạt động xuất nhập khẩu để gian lận, trốn thuế. Chỉ tính từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng kiểm tra sau thông quan đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách hàng trăm tỷ đồng.
Ông Trần Minh Trung, Phó Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan, cho biết qua thực tế kiểm tra, giám sát của cơ quan hải quan cho thấy, có không ít doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu đang lợi dụng sự thông thoáng tại cửa khẩu cũng như các chính sách ưu đãi về thuế để gian lận trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tạo ra sự bất bình đẳng trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các doanh nghiệp.
Cụ thể, cơ quan hải quan đã phát hiện nhiều doanh nghiệp có dấu hiệu sử dụng mô hình công ty mẹ - công ty con để chuyển lợi nhuận đến nước có thuế thu nhập doanh nghiệp thấp hơn. Vì hiện nay chưa có quy định cụ thể giá thuê gia công hay giá sản phẩm xuất khẩu mà chỉ dựa vào hợp đồng giữa 2 bên, nên đối với các công ty mẹ - công ty con thì việc điều chỉnh giá gia công, hoặc giá của sản phẩm xuất khẩu để chuyển lợi nhuận sang nước ngoài rất dễ dàng.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng lợi dụng việc chưa có những quy định rõ ràng về quản lý nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu (được miễn thuế, không được tự ý chuyển sang tiêu thụ nội địa) để nhập nhằng nguồn nguyên liệu. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp nhập khẩu song song cùng loại nguyên phụ liệu nhưng phục vụ nhiều mục đích: vừa gia công, sản xuất xuất khẩu vừa sản xuất kinh doanh trong nước (phải nộp thuế để bán trong nước) nhưng sử dụng chung kho bãi, nhà xưởng, gây khó khăn trong việc quản lý của cơ quan nhà nước.
Bên cạnh đó, cơ quan hải quan cũng phát hiện một số trường hợp doanh nghiệp (chủ yếu trong lĩnh vực dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ…) gian lận, khai tăng định mức sản phẩm, tăng tỷ lệ hao hụt thực tế; không thanh khoản, thiếu tờ khai thực nhập; xuất bán nguyên liệu, thành phẩm dưới dạng phế liệu, phế phẩm… nhằm mục đích tận dụng nguyên liệu thừa đem tiêu thụ trong nội địa.
Thông thoáng đầu vào, siết sau thông quan
Hiện các doanh nghiệp gia công, sản xuất hàng xuất khẩu được tạo thuận lợi rất nhiều trong thủ tục hải quan. Những doanh nghiệp này đang giúp giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động nên nhận được nhiều chính sách ưu đãi. Đề cao vai trò của doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu đối với nền kinh tế, nên Nhà nước đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Do vậy, việc tạo điều kiện thông thoáng, giảm thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp được ưu tiên hàng đầu.
Ngay cả Luật Hải quan cũng có các quy định tạo điều kiện thông thoáng về mặt thủ tục hải quan đối với loại hình gia công, sản xuất xuất khẩu; Luật thuế Xuất nhập khẩu cũng có quy định miễn thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập sản xuất xuất khẩu (trước đây chỉ ân hạn thuế 275 ngày). Các chính sách này là phù hợp sự hội nhập quốc tế của đất nước.
9 tháng đầu năm 2017, lực lượng kiểm tra sau thông quan đã thực hiện gần 6.300 cuộc kiểm tra, thu vào ngân sách hơn 1.300 tỷ đồng. Trong đó, hoạt động kiểm tra sau thông quan ở các lĩnh vực gia công, sản xuất hàng xuất khẩu đã truy thu số tiền rất lớn.
Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, để đảm bảo các cam kết quốc tế và chính sách hội nhập thì việc thực hiện chính sách thông thoáng của Nhà nước (tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp) được thực hiện mà không buông lỏng quản lý là vấn đề cần quan tâm. Các chuyên gia cho rằng, để tạo thuận tiện cho doanh nghiệp, ngành hải quan nên giảm “tiền kiểm” nhưng phải tăng cường “hậu kiểm”. Nhà nước cần giao quyền tự chủ, tự khai, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp, và chỉ hậu kiểm, phạt nghiêm những doanh nghiệp cố tình làm sai, trốn thuế.
Do vậy, mục tiêu của ngành hải quan đặt ra trong thời gian tới là sẽ tăng cường kiểm tra sau thông quan đối với các doanh nghiệp gia công, sản xuất xuất khẩu. Tức là sau khi thông quan, cán bộ hải quan sẽ kiểm tra tại trụ sở doanh nghiệp; trong đó, chú trọng thu thập thông tin, mặt hàng, nhóm mặt hàng có rủi ro cao. Chỉ kiểm tra sau thông quan tại chi cục hải quan đối với các lô hàng có dấu hiệu rủi ro cao, lô hàng có dấu hiệu nghi ngờ về số lượng, chất lượng.
Ngoài ra, lực lượng kiểm tra sau thông quan cũng phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Quản lý rủi ro, Cục Giám sát quản lý về hải quan và các lực lượng bộ đội biên phòng, công an... để kịp thời phát hiện và ngăn chặn những hành vi tiêu thụ nội địa trái phép đối với những nguyên liệu nhập khẩu để gia công, sản xuất xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục