Già hóa dân số và nỗi lo sa sút trí tuệ

Việt Nam đang có tốc độ già hóa dân số rất nhanh, hiện số người từ 60 tuổi trở lên chiếm khoảng 11% dân số và tỷ lệ này được dự đoán tiếp tục tăng cao trong những năm tới. Già hóa dân số nhanh làm gia tăng các bệnh lý mạn tính liên quan tới người cao tuổi, trong đó đáng lo ngại nhất là tình trạng sa sút trí tuệ (SSTT).

Đây là vấn đề về sức khỏe cộng đồng rất lớn khi SSTT không thể chữa khỏi, đòi hỏi sự quan tâm hỗ trợ, chăm sóc rất lớn từ phía gia đình và toàn xã hội. 

Già hóa dân số và nỗi lo sa sút trí tuệ ảnh 1 Người cao tuổi cần thường xuyên có vận động thư giãn ngoài trời để phòng ngừa sa sút trí tuệ

Tốc độ tăng rất nhanh

Khoa Khám bệnh Bệnh viện (BV) Lão khoa trung ương, đầu giờ sáng hàng ngày, các phòng khám luôn đông người già tới khám bệnh, trong đó có nhiều bệnh nhân phải có người thân đi cùng hỗ trợ.

Còn tại khu điều trị, bệnh nhân Nguyễn Minh H. (71 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) vừa được bác sĩ cho uống thuốc và thăm hỏi sức khỏe xong nhưng chỉ ít phút sau, ông H. lại gọi hỏi bác sĩ xin thuốc uống.

Theo các bác sĩ, bệnh nhân H. có tiền sử bệnh huyết áp nên thỉnh thoảng phải vào viện để điều trị, nhưng gần đây, bệnh nhân còn mắc thêm các triệu chứng của bệnh sa sút trí tuệ khi phản ứng chậm hơn trước và thường xuyên lúc nhớ, lúc quên.  

Tại Viện Sức khỏe tâm thần (BV Bạch Mai), tuy chưa có thống kê cụ thể nhưng bệnh nhân vào viện điều trị do SSTT có xu hướng gia tăng. Đáng lưu ý, rất ít người cao tuổi đến khám do triệu chứng hay quên (biểu hiện rõ nhất của SSTT) mà thường đi khám một bệnh lý khác hoặc có các bệnh lý kèm theo.

“Có những bệnh nhân SSTT đến mức không tự mặc được quần áo, thụ động, thậm chí có những hành vi bất thường, hoang tưởng, ảo giác, đặc biệt là mất ngủ. Nhiều bệnh nhân khác vào viện trong tình trạng không ăn được, nói rất ít, khó giao tiếp, đi đâu cũng phải có người thân đi theo giám sát”, bác sĩ Trần Thị Hà An, Trưởng phòng Điều trị tâm thần người già - Viện Sức khỏe tâm thần, chia sẻ. 
Vẫn theo bác sĩ Trần Thị Hà An, tại Việt Nam tỷ lệ người cao tuổi bị SSTT ngày càng tăng, đặc biệt là người trên 65 tuổi. Các nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ sa sút trí tuệ tại Việt Nam chiếm từ 4,8% - 5% ở người trên 60 tuổi.

Như vậy, cả nước hiện có khoảng 500.000 người trên 60 tuổi bị SSTT. Hơn nữa, cứ tăng thêm 5 tuổi thì số lượng người SSTT tăng lên 2 lần, đến 80 tuổi thì 1/3 số người già mắc hội chứng này.

Người trẻ cũng SSTT

Theo TS Nguyễn Doãn Phương, Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, SSTT là hội chứng lâm sàng gây ra bởi tổn thương não, với đặc trưng là các biểu hiện suy giảm các lĩnh vực nhận thức như: trí nhớ, định hướng, chú ý, ngôn ngữ, tri giác, suy luận, phán đoán, điều hành, khả năng thực hiện các nhiệm vụ, công việc thường ngày.

SSTT có thể gặp trong nhiều bệnh khác nhau, trong đó phổ biến nhất là bệnh Alzheimer, chiếm 60% - 80% tổng số bệnh nhân SSTT. Toàn cầu hiện khoảng 50 triệu người mắc SSTT, chiếm khoảng 5% tổng số người trên 60 tuổi. Ước tính, cứ mỗi 3 giây, thế giới sẽ có thêm một người mắc SSTT và số người mắc bệnh này tăng lên gấp đôi sau mỗi 20 năm.

Nhiều chuyên gia tâm thần cho biết, biểu hiện của chứng SSTT có nhiều giai đoạn, từ nhẹ đến nặng. Ban đầu, người bệnh cảm thấy giảm trí nhớ gần, giảm khả năng diễn đạt bằng ngôn ngữ, thay đổi cá tính, cảm xúc.

Khi bệnh tăng dần lên, họ giảm hoặc mất khả năng thực hiện các công việc hàng ngày như vệ sinh cá nhân, ăn uống; mất định hướng về không gian và thời gian...

Hơn nữa, không chỉ người cao tuổi mà những người có các yếu tố nguy cơ về tiền sử gia đình, chấn thương sọ não, béo phì, đái tháo đường type 2 đều có thể mắc SSTT, thậm chí có những trường hợp mới 50 tuổi cũng bị “nhầm lẫn, quên quên, nhớ nhớ”.

Do đó khi người thân có các dấu hiện trên, gia đình nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế có chuyên khoa sức khỏe tâm thần để được làm các bài kiểm tra cần thiết, nhằm có hướng điều trị thích hợp. 

Theo bác sĩ Trần Thị Hà An, điều trị bệnh SSTT rất nan giải vì không phải là bệnh có thể chữa khỏi mà chỉ điều trị giảm triệu chứng. Việc đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm sẽ giúp cho người bệnh được chẩn đoán đúng và có phác đồ điều trị phù hợp, giúp chặn hoặc làm chậm quá trình tiến triển bệnh.

Đồng thời người bệnh nên ra ngoài tập thể dục, tăng cường vận động, giao tiếp, sẽ rất hiệu quả. Về lâu dài, cần đầu tư phát triển hơn nữa hệ thống chăm sóc y tế chuyên ngành lão khoa, giúp phát hiện sớm và quản lý hiệu quả bệnh SSTT nói riêng, các bệnh ở người cao tuổi nói chung, để giảm gánh nặng cho cộng đồng, bớt chi phí cho người bệnh và gia đình.

Theo WHO, chi phí dành cho chăm sóc, điều trị bệnh nhân SSTT hàng năm trên toàn thế giới ước tính khoảng 800 tỷ USD (tương đương 1% GDP toàn cầu), và sẽ đạt tới 2.000 tỷ USD vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục