Giá nhiều mặt hàng tiếp tục ổn định

Sở Tài chính TPHCM vừa công bố giá bán các mặt hàng trong Chương trình bình ổn thị trường (CTBOTT) 2019 và Tết Canh Tý 2020. Theo đó, giá tất cả các nhóm hàng vẫn đảm bảo đúng tiêu chí, tức thấp hơn giá thị trường ít nhất 5%, được áp dụng từ 1-4-2019. 

Chỉ nhóm thịt gia cầm điều chỉnh tăng giá
 
Sở Tài chính TPHCM đánh giá, trong CTBOTT năm 2018 và Tết Kỷ Hợi 2019 vừa qua, nhìn chung tình hình giá cả thị trường tương đối ổn định, hầu hết các mặt hàng BOTT  không điều chỉnh giá. Riêng mặt hàng thịt heo, năm 2018, có một số biến động vì nhiều nguyên nhân nên các ngành chức năng đã phải điều chỉnh tới 5 lần; trong đó có tăng, có giảm.  

Bước sang năm 2019, nhóm thịt gia cầm (gồm gà và vịt) liên tục biến động theo hướng tăng khá cao. Trong quý 1-2019, giá gà lông công nghiệp tăng hơn 40% so với năm 2018, vịt lông cũng tăng 8,8% do được người tiêu dùng chọn mua nhiều hơn vì tâm lý heo đang có dịch tả châu Phi. Một số doanh nghiệp (DN) cho rằng, nếu giá bình ổn không được điều chỉnh trong chương trình năm 2019, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì càng nuôi nhiều, bán nhiều hàng thì càng lỗ.
 
Trước tình hình này, Sở Tài chính đã tiến hành khảo sát cơ cấu giá thành, đồng thời làm việc nhiều lần với các DN để điều chỉnh mức giá phù hợp nhất, theo hướng tăng 8% so với CTBOTT năm 2018, nhưng vẫn thấp hơn giá thị trường từ 15% -35%. Cụ thể, các loại thịt gà pha lóc, gà thả vườn của các DN: Phạm Tôn, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, San Hà, Ba Huân giá điều chỉnh tăng khoảng 8% (đùi gà công nghiệp giá 40.500 đồng/kg; ức gà công nghiệp 50.000 đồng/kg; thịt phi lê ức gà công nghiệp 50.000 đồng/kg, thịt gà công nghiệp pha lóc 30.000 đồng/kg, cánh gà 70.000 đồng/kg; thịt gà ta làm sẵn đóng gói 84.000 đồng/kg; gà công nghiệp nguyên con 39.000 đồng/kg, chân gà công nghiệp đóng khay 47.500 đồng/kg, gà ta thả vườn làm sẵn 62.000 đồng/kg, thịt vịt làm sẵn đóng bao 62.000 đồng/kg). Đối với thịt heo trong CTBOTT tiếp tục được giữ giá, trong đó một số loại thịt heo giảm giá thấp hơn thị trường 5% - 6%. Bên cạnh việc giảm giá bán, Sở Tài chính TPHCM đề nghị các đơn vị trong thời điểm này nên chủ động thực hiện các chương trình khuyến mãi giảm giá, giữ giá thu mua ổn định để người chăn nuôi không bị lỗ khi tham gia chương trình.

Kinh doanh thịt heo ở chợ đầu mối Bình Điền          Ảnh: CAO THĂNG
 Theo công bố giá bán hàng bình ổn của Sở Tài chính TPHCM, thịt heo của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Công ty Vissan được giữ giá ổn định. Mức giá thịt heo nạc 112.000 đồng/kg, thịt heo ba rọi 122.000 đồng/kg, thịt vai 95.000 đồng/kg, thịt cốt lết 101.000 đồng/kg, sườn già 97.000 đồng/kg, thịt nách 95.000 đồng/kg, chân giò 90.000 đồng/kg, riêng thịt đùi giá từ 107.000 đồng/kg điều chỉnh giảm còn 100.000 đồng/kg.


Trứng gia cầm cũng là mặt hàng giữ giá ổn định trong năm 2019 và Tết Canh Tý 2020. Cụ thể, trứng gia cầm loại 1 của các DN: Vĩnh Thành Đạt, Ba Huân, Saigon Co.op giá 26.000 đồng/vỉ 10 quả, 15.600 đồng/vỉ 6 quả; trứng vịt loại 1 giá 31.000 đồng/vỉ 10 quả, 18.600 đồng/vỉ 6 quả.

Ở nhóm mặt hàng thực phẩm chế biến như chả giò, cháo ăn liền, giò lụa, lạp xưởng, nước mắm, nước tương… của các đơn vị Saigon Food, Vissan, Cầu Tre, Liên Thành, Hải Nam giá tương đối ổn định so với sản phẩm bình ổn năm 2018. Tương tự, với nhóm các mặt hàng thực phẩm công nghệ như mì ăn liền, bún tươi, bún khô, phở ăn liền cùng nhiều mặt hàng khác cũng không biến động nhiều về giá. 

Với nhóm mặt hàng phục vụ mùa khai giảng năm học 2019-2020 gồm tập vở, đồng phục, ba lô - cặp xách và giày học sinh, giá bán cũng không có sự chênh lệch nhiều so với năm 2018. Hầu hết các nhóm hàng trên vẫn đảm bảo tiêu chí thấp hơn bình quân từ 10% - 15% so với giá cùng chủng loại, quy cách và kích cỡ trên thị trường. 

Điều chỉnh giá linh hoạt 

Kế hoạch hàng BOTT năm 2019, Tết Canh Tý 2020 của TPHCM tiếp tục được triển khai theo hướng xã hội hóa nhằm đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, góp phần thực hiện công tác đảm bảo an sinh xã hội, đồng thời gắn liền với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Hàng tham gia chương trình bình ổn thực hiện 10 nhóm mặt hàng gồm lương thực, đường, dầu ăn, thịt gia súc, thịt gia cầm, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả, thủy hải sản, gia vị. Lượng hàng bình ổn thị trường trong các tháng thường chiếm từ 25% - 30% nhu cầu thị trường. Trong đó, lương thực 2.553,8 tấn/tháng, trứng gia cầm 47,97 triệu quả/tháng, đường 1.345 tấn/tháng, thực phẩm chế biến 485,9 tấn/tháng, rau củ quả 4.930 tấn/tháng, thịt gia súc 4.019 tấn/tháng, thịt gia cầm 9.062 tấn/tháng.

Giá bán các mặt hàng tiếp tục được điều hành một cách linh động. Theo đó, DN tham gia chương trình xây dựng và đăng ký giá bán BOTT với Sở Tài chính theo nguyên tắc xác định đầy đủ, chính xác cơ cấu tính giá theo các yếu tố hình thành giá và đảm bảo các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, thấp hơn giá thị trường của sản phẩm cùng quy cách, chủng loại, chất lượng tại thời điểm đăng ký giá ít nhất từ 5% - 10% và giữ ổn định giá bán trong thời gian 2 tháng trước, trong, sau Tết Canh Tý 2020 (1 tháng trước tết và 1 tháng sau tết). Đối với các mặt hàng sữa đảm bảo giá bán BOTT có tính hợp lý, ổn định và có khả năng dẫn dắt thị trường.
 
Giá thị trường là giá do mạng lưới báo giá của Sở Tài chính và giá tại hệ thống các siêu thị, cửa hàng tiện lợi không phải là điểm bán BOTT cung cấp; đồng thời có tham khảo giá của Cục Thống kê công bố tại thời điểm DN đăng ký giá hoặc thời điểm DN đề nghị điều chỉnh.

Trường hợp giá nguyên vật liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm từ 5% trở lên hoặc giá bán trên thị trường biến động giảm làm giá bán của chương trình không đảm bảo tiêu chí thấp hơn thị trường ít nhất 5%, DN thực hiện điều chỉnh giá bán BOTT với Sở Tài chính nhưng giá bán BOTT vẫn có tính hợp lý, góp phần thực hiện tốt mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.

Trường hợp thị trường biến động do có hiện tượng nâng giá gây khan hiếm giả tạo, DN tham gia chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa có khả năng điều tiết thị trường theo sự điều phối của Sở Công thương.

Các hệ thống phân phối khi tham gia chương trình tạo mọi điều kiện thuận lợi cho DN tham gia chương trình cung ứng hàng hóa BOTT vào hệ thống với mức chiết khấu ưu đãi, thực hiện việc chia sẻ chiết khấu và các chi phí khác khi có biến động giá nhằm bình ổn thị trường.

Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM, cho biết, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho các DN tham gia chương trình triển khai nguồn hàng thực hiện BOTT, Sở Công thương phối hợp với các sở ngành chức năng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức các đợt đi thực tế để nắm bắt tình hình, tháo gỡ kịp thời những khó khăn cho DN. Đồng thời, Sở Công thương phối hợp Ban Quản lý an toàn thực phẩm, Sở Du lịch TPHCM thực hiện chương trình kết nối tiêu thụ thực phẩm an toàn, đặc sản vùng miền tại các hệ thống nhà hàng, khách sạn và phục vụ du khách của ngành du lịch. Trong chương trình kết nối này, các đơn vị cùng nhau xây dựng danh mục sản phẩm nông sản an toàn, đặc sản vùng miền, đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, các sản phẩm này canh tác, chế biến theo các quy trình hiện đại, khép kín và được truy xuất nguồn gốc nghiêm ngặt. Chương trình cũng sẽ tổ chức hội nghị kết nối các sản phẩm nằm trong danh mục này vào các hệ thống nhà hàng, khách sạn, các điểm du lịch trên địa bàn TP cũng như tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa để đa dạng nguồn hàng với giá cả ổn định để phục vụ cho nhu cầu mua sắm cao điểm trong đợt lễ, tết cuối năm và Tết Canh Tý 2020.

Tin cùng chuyên mục