Gia tăng hiểm họa từ xe container

Những ngày gần đây liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông (TNGT) tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, gây thương vong với số lượng lớn, mà nguyên nhân chủ yếu do các loại xe tải, xe container gây ra. Quản lý đối với loại các phương tiện này như thế nào, nhất là tại các tỉnh Đông Nam bộ, nơi có lượng xe container đông đảo nhất nước, đang là vấn đề đặt ra.

Khi lượng xe container tăng quá nhanh

Mặc dù không phải là tỉnh có đội xe container hùng hậu nhất, nhưng trong vài năm qua, lượng xe “siêu tải” ở Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã đạt con số 1.055 chiếc, tập trung chủ yếu ở thị xã Phú Mỹ, bởi đây là nơi có cụm cảng, khu công nghiệp nhiều nhất trong tỉnh. Cũng vì số lượng xe khá lớn nên  theo Thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, hiện công tác quản lý vẫn chưa theo kịp, dẫn đến một số đơn vị vận tải buông lỏng quản lý và thực hiện không đầy đủ các quy định kinh doanh vận tải. 

Trong năm 2018, Thanh tra giao thông tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức thanh tra 8 đơn vị kinh doanh vận tải container và phát hiện nhiều lỗi vi phạm. Trong đó hầu hết đơn vị đều có lỗi, như thiếu tài xế so với số phương tiện hiện có, không thực hiện đầy đủ việc theo dõi các điều kiện về ATGT dẫn đến tình trạng chạy quá tốc độ, tài xế lái xe vượt quá thời gian quy định. 

Theo quy định, tài xế phải khám sức khỏe 6 tháng/lần, nhưng các đơn vị gần như không tổ chức khám định kỳ. Việc tổ chức tập huấn nghiệp vụ, bổ sung kiến thức pháp luật chưa được thực hiện đầy đủ. Mặc dù trong năm 2018, tình hình TNGT liên quan đến xe đầu kéo và container đã kéo giảm nhưng tình trạng giành hàng hóa, hoạt động không bình đẳng giữa các doanh nghiệp đã tác động xấu đến hoạt động vận tải, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về TNGT. 

Tại Đồng Nai, số liệu của Ban An toàn giao thông tỉnh (ATGT), cho biết, trong năm 2018 toàn tỉnh Đồng Nai xảy ra 347 vụ, làm chết 260 người, bị thương 214 người; trong đó có hơn 50 vụ TNGT liên quan đến xe tải và xe container. Đặc biệt, tình trạng tài xế sử dụng ma túy cũng đang là vấn đề đáng lưu tâm. Trong năm 2018, Phòng CSGT (Công an tỉnh Đồng Nai) đã triển khai chuyên đề xử lý vi phạm lái xe sử dụng chất ma túy trong vòng 1 tháng trên quốc lộ 1A, đoạn đi qua địa phận tỉnh. Qua đó, phát hiện 4 trường hợp tài xế sử dụng chất ma túy gồm 1 tài xế xe khách, 1 tài xế xe tải và 2 tài xế xe container. Cơ quan chức năng đã xử phạt và tước giấy phép lái xe 3 trường hợp sử dụng ma túy. Việc thực hiện kế hoạch trên tuyến quốc lộ 1A đã có tác dụng răn đe đối với các lái xe sử dụng ma túy khi đi qua tuyến quốc lộ này. 

Cần siết chặt quản lý

Những ngày qua, nhiều ý kiến cho rằng, cần phải quản lý chặt và thậm chí phạt doanh nghiệp kinh doanh xe tải, xe container nếu lái xe vi phạm nồng độ cồn, sử dụng ma túy hay gây tai nạn. Nhưng qua trao đổi với một số chủ doanh nghiệp kinh doanh loại hình vận tải này thì vấn đề quản lý tài xế hiện nay rất khó. Một chủ đơn vị kinh doanh vận tải ở TP Vũng Tàu chia sẻ: Không thể cử người theo dõi tài xế 24/24 giờ, nên chỉ có thể tập huấn cho anh em tài xế về quy định của pháp luật nhằm răn đe để không vi phạm ATGT.

Siết chặt đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe

Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) vừa cho biết, bộ đã phê duyệt đề án nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về chất lượng đào tạo, sát hạch và quản lý giấy phép lái xe (GPLX).

Theo đó, Bộ GTVT sẽ tập trung tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất và giám sát công tác đào tạo lái xe tại các địa phương trên toàn quốc. Trong quá trình kiểm tra, giám sát, các cơ quan quản lý sẽ xử lý nghiêm, đình chỉ tuyển sinh, thu hồi giấy phép đào tạo đối với các cơ sở đào tạo lái xe ô tô không đáp ứng tiêu chuẩn. Bộ GTVT cũng sẽ xây dựng cơ chế phối hợp với Bộ Công an và các địa phương trong công tác quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX. Đặc biệt, bộ sẽ phối hợp với Bộ Công an để chia sẻ dữ liệu vi phạm của người lái xe, không để xảy ra tình trạng người bị tạm giữ GPLX khai báo mất để được cấp lại. Bộ GTVT đã giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì triển khai thực hiện đề án từ tháng 1-2019 và kết thúc vào tháng 12-2020 đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả.

BÍCH QUYÊN

Ông Dương Viết Tri, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GT-VT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu), cho rằng, liên quan đến TNGT thì thứ nhất vẫn là ý thức của các tài xế điều khiển phương tiện; thứ hai là quản lý của các đơn vị kinh doanh vận tải có chặt chẽ hay không; thứ ba mới đến các cơ quan chức năng, bởi có rất nhiều đơn vị kinh doanh vận tải, trong khi người của sở ít, không thể quản lý cụ thể từng trường hợp, mà chỉ quản lý chung. Ông Tri cũng thừa nhận, vấn đề quản lý tài xế, tập huấn kiến thức pháp luật và văn hóa giao thông từ trước tới nay chưa thực hiện đến nơi đến chốn. 

Để giảm thiểu nguy cơ TNGT do xe tải, xe container gây ra, Sở GT-VT các tỉnh tăng cường công tác quản lý theo dõi các thông tin bắt buộc từ thiết bị giám sát hành trình của phương tiện để ngăn chặn hành vi vi phạm. Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải cũng cần có quy chế, quy định về trách nhiệm và nghĩa vụ của tài xế để có biện pháp xử lý khi xảy ra vi phạm. Điều này cần ràng buộc chặt chẽ khi ký kết hợp đồng lao động; phải chấp hành nghiêm chỉnh các quy định về khám sức khỏe định kỳ hoặc đột xuất cho lái xe, nếu phát hiện bất thường, kiên quyết không tiếp nhận sử dụng lái xe nghiện ma túy, chất kích thích.

Tin cùng chuyên mục