Gia tăng rối loạn tâm thần liên quan dịch bệnh

“Kéo rèm lại, không được mở ra… ngoài kia nguy hiểm lắm”, tiếng bé N.Q.A. (13 tuổi, ngụ phường Hiệp Phú, TP Thủ Đức, TPHCM) hối thúc khi thấy mẹ kéo tấm rèm cửa sổ. Cô bé trùm kín mền, nói vọng ra: “Ngoài đó nhiều con virus lắm”. Chị Ng.T.T. (48 tuổi, mẹ bé A.) thở dài kể: “Nhà có 3/5 thành viên đã tiêm đủ 2 mũi vaccine Covid-19, nhưng đến ngày 5-11, cả nhà lại mắc Covid-19, điều trị tại nhà. Sau khi khỏi bệnh, con tôi có biểu hiện sợ ánh sáng mặt trời”.

Nhiều bệnh nhân nhập viện

Không bị bệnh nhưng do áp lực khó khăn từ những đợt dịch, anh L.T.S. (37 tuổi, ngụ quận 8, TPHCM) có biểu hiện hoang tưởng, mất ngủ. Người nhà cho biết, gần 1 năm trước, anh S. vét cạn tiền túi, cầm nhà để vay thêm ngân hàng, mở doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc. Không ngờ, đợt dịch thứ 4 ập đến khiến công việc sản xuất đình trệ. Cầm cự 3-4 tháng, anh S. bắt đầu mất ngủ, lo lắng, nói với người thân là mình có rất nhiều tiền, cất nơi bí mật.

Người nhà có đôi chút băn khoăn, nhưng cũng ậm ừ để anh vững tâm lại, ai ngờ một thời gian sau anh S. bắt đầu bỏ ăn, tính tình nóng giận thất thường rồi đập phá đồ đạc trong nhà. Sau đó, người nhà tìm cách đưa anh tới Bệnh viện Tâm thần TPHCM điều trị và nay dần ổn định trở lại.

Còn gia đình 4 người của chị T.N.X. (40 tuổi, quận 1, TPHCM) bị mắc Covid-19 vào cuối tháng 9, phải vào Bệnh viện dã chiến số 13 cách ly điều trị, nhưng chỉ mình chị qua khỏi. Không vượt qua cú sốc đột ngột mất người thân, chị X. có biểu hiện trầm cảm nặng, có ý định tự vẫn. Người thân đã thuyết phục chị X. đi điều trị tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM gần 1 tháng qua, nhưng vẫn chưa thuyên giảm, phải thở máy.

Gia tăng rối loạn tâm thần liên quan dịch bệnh ảnh 1 Người dân đến thăm khám tại Bệnh viện Tâm thần TPHCM. Ảnh: TÂM HIỀN

Theo BS-CKII Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TPHCM, gần đây mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận từ 400-600 lượt đến khám liên quan đến sức khỏe tâm thần. Số liệu cho thấy, 80% trong số đó cư ngụ tại TPHCM, số còn lại thuộc các tỉnh thành khu vực Tây Nguyên, Đông Nam bộ và Nam bộ.

Qua thăm khám, ghi nhận người dân mắc các thể bệnh rối nhiễu tâm trí như: F20-F.29 (nhóm bệnh tâm thần phân liệt và các bệnh loạn thần khác); F40-F48 (các loại rối loạn lo âu); F31, F32 (rối loạn hưng trầm cảm, rối loạn trầm cảm) và F43.2 (rối thích ứng liên quan tới stress).

BS-CKII Chu Thị Dung, Phó trưởng khoa Khám bệnh 1, Bệnh viện Tâm thần TPHCM, cũng cho biết, đa số trường hợp đang được điều trị các loại rối loạn lo âu (F40-F48).

Cần kịp thời điều trị

Theo các chuyên gia y tế, sợ hãi, lo lắng, trầm cảm và căng thẳng là những biểu hiện thường gặp trong một bộ phận người dân sau đợt dịch Covid-19 thứ 4 vừa qua. Dẫn số liệu từ báo cáo của Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (Bệnh viện Ung bướu Cơ sở 2 TPHCM) do Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM phụ trách, bác sĩ Trương Hữu Khanh, chuyên gia truyền nhiễm cho biết, có 53,3% số người bệnh được khảo sát bị rối loạn lo âu. Với nhóm bệnh nhân từng thở oxy dòng cao (HFNC), tỷ lệ trầm cảm lên đến 66,7%. Tình hình cũng tương tự với nhóm bệnh nhân từng thở máy hoặc thở oxy qua mặt nạ.

Ở khía cạnh cơ sở điều trị, bác sĩ Trần Duy Tâm, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Tâm thần TPHCM phân tích, dịch bệnh kéo dài khiến tinh thần người dân bị ảnh hưởng theo 2 cơ chế: thứ nhất, những biến đổi đột ngột trong cuộc sống khiến người dân bị stress, nếu biến cố vượt qua sức chịu đựng sẽ dẫn tới sang chấn tâm lý; thứ 2, những người trước đây đã có tiền sử bệnh tâm thần, nay đang giữ cân bằng cán cân tâm lý, Covid-19 làm sự cân bằng này gãy đi.

Theo các chuyên gia y tế, một vấn đề quan ngại là tình trạng bệnh nhân không đến thăm khám, tự cầm toa thuốc cũ mua thuốc uống điều trị; nguy hiểm nhất là tự tăng liều khi triệu chứng trở nặng… Bên cạnh đó, nhiều bệnh nhân vừa thấy hết triệu chứng thì tự ngưng điều trị, trong khi cơ chế phòng vệ tâm lý vẫn chưa chắc chắn, khi gặp một tác nhân stress nhẹ sau đó, bệnh dễ tái phát.

“Điều này đem lại tâm lý tuyệt vọng cho bệnh nhân vì thấy mình chữa hoài không hết. Chưa kể, các ca lần đầu có triệu chứng được điều trị đơn giản và nhanh chóng hơn nhiều so với các ca có tiền sử nhiều cơn lo âu, trầm cảm, loạn thần trước đó… Thời gian điều trị những ca này có khi lên đến nhiều năm”, bác sĩ Trần Duy Tâm nêu thực trạng.

Theo bác sĩ Trần Duy Tâm, người bệnh được thăm khám sớm khi mắc rối loạn tâm lý sẽ được điều trị bằng thuốc và trị liệu tâm lý. Quá trình trị liệu gồm 2 giai đoạn là kiểm soát các triệu chứng và giúp bệnh nhân xây dựng “hàng rào” phòng vệ tâm lý chắc chắn, tái hòa nhập xã hội. Thời gian điều trị tùy mức độ và nhóm bệnh khác nhau. Các tác dụng phụ của thuốc sẽ được liên tục điều chỉnh và kiểm soát khi bệnh nhân đến khám đúng theo lịch hẹn, trao đổi, cập nhật tình hình sức khỏe với bác sĩ.

Vấn đề tâm thần có thể hoàn toàn được kiểm soát, ngay cả khi dịch chưa biết khi nào chấm dứt. Chỉ cần vài tuần nghiêm túc điều trị, bệnh nhân có thể trở về trạng thái tâm lý thoải mái bình thường, nhưng vẫn phải tiếp tục kiên nhẫn điều trị và theo dõi để được xây dựng cơ chế phòng vệ tâm lý vững mạnh.

Tin cùng chuyên mục