Giá thuốc vẫn “loạn”

Sau 3 tháng có hiệu lực (bắt đầu từ 1-7), thị trường dược phẩm ở TPHCM vẫn còn tình trạng “mỗi nơi một giá”.
Mua bán thuốc tây tại một cửa hàng ở phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Mua bán thuốc tây tại một cửa hàng ở phường Tân Hưng, quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Mặc dù Chính phủ đã ban hành Nghị định 54/2017 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dược, trong đó có yêu cầu về việc các cơ sở kinh doanh dược không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố. Tuy nhiên, sau 3 tháng có hiệu lực (bắt đầu từ 1-7), thị trường dược phẩm ở TPHCM vẫn còn tình trạng “mỗi nơi một giá”.

Trông mặt bắt… giá

Theo quy định của Bộ Y tế, từ 1-7, lợi nhuận bán lẻ thuốc không quá 2% - 15%. Giá thuốc bán lẻ tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng phải bán theo cách tính cụ thể. Tuy nhiên, dù 3 tháng đã trôi qua kể từ khi Nghị định 54 có hiệu lực, giá thuốc trên thị trường vẫn “loạn”, nhiều bệnh nhân vẫn đang khổ sở vì phải mua thuốc điều trị với mức giá cao. Điều đáng nói là trong cùng một chủng loại, một nhà sản xuất và trên cùng một địa bàn, giá thuốc ở mỗi đơn vị lại tính giá khác nhau.

Tại cửa hàng thuốc tư nhân Đăng Nguyên (quận 12, TPHCM), thuốc Kaciflox do Công ty cổ phần Dược phẩm Khánh Hòa sản xuất có giá bán lẻ 26.800 đồng/viên; còn tại nhà thuốc trên đường Lũy Bán Bích (quận Tân Phú), loại thuốc này có giá 26.000 đồng/viên. Trong khi đó, theo kê khai giá thuốc nhập khẩu tại Cục Quản lý dược ngày 14-7, thuốc này chỉ có giá 25.000 đồng/viên. Một loại thuốc khác là Vasartim Plus 160:25 có giá bán lẻ 10.500 đồng/viên, trong khi giá kê khai là 7.500 đồng/viên. Thuốc nước Ho bổ phế 125ml của Công ty cổ phần Dược vật tư y tế Nghệ An có giá 30.000 đồng/l, trong khi giá kê khai của Cục Quản lý dược là 17.500 đồng/lọ.

Tại một nhà thuốc khác trên đường Hai Bà Trưng (quận 3), thuốc Doroxim 500mg bán với giá 7.500 đồng/viên, chênh lệch 1.020 đồng/viên so với giá của Bộ Y tế (6.580 đồng/viên). Thuốc giảm đau hạ sốt, chống viêm là Dofoscar (chứa hoạt chất calcitriol 0,25mcg) có giá bán lẻ là 38.000 đồng/vỉ, trong khi giá của Bộ Y tế là 35.000 đồng/vỉ.

Không chỉ tại các nhà thuốc ở khu dân cư mới có sự khác thường về giá như vậy, giá thuốc còn “nhảy múa” chóng mặt tại các nhà thuốc gần bệnh viện.

Cụ thể, khi phóng viên hỏi mua thuốc Ravonol ở một hiệu thuốc nằm trên đường Nơ Trang Long gần Bệnh viện Nhân dân Gia Định và Bệnh viện Ung bướu TPHCM, nhân viên nhà thuốc báo giá 6.000 đồng/viên - cao gấp 3 lần so với cửa hàng khác trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp) bán giá 2.000 đồng/viên. Trong khi đó, giá kê khai tại Bộ Y tế thì chưa đến 1.000 đồng/viên. Nhân viên bán hàng khẳng định thuốc có giá cao hơn vì đó là thuốc nhập ngoại, trong khi thuốc này được sản xuất tại Công ty cổ phẩn Dược phẩm Trường Thọ (Hà Nội). 

Giá thuốc vẫn “loạn” ảnh 1 Người dân mua thuốc tại một cửa hàng thuốc tây ở quận 12. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Người bệnh thiệt đủ đường

Theo Tổ chức Y tế thế giới, mức chi tiêu cho chữa bệnh của người Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao trên thế giới (khoảng 43%) và chi phí cho tiền thuốc chiếm đến 60% trong số tổng chi phí khám chữa bệnh. Vấn đề loạn giá thuốc đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, vượt ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, khiến người bệnh luôn là người phải chịu nhiều thiệt thòi.

Mặc dù quy định về việc bắt buộc niêm yết giá tại cửa hàng thuốc đã có từ lâu, nhưng theo Thạc sĩ - dược sĩ Đỗ Văn Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược Sở Y tế TPHCM, từ trước đến nay, cơ quan chức năng hầu như chỉ quản lý giá thuốc bán ra tại các hệ thống nhà thuốc trong khuôn viên bệnh viện theo Thông tư 15 của Bộ Y tế. Tức là mua thuốc vào theo giá trúng thầu và được công bố trên Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý dược, khi bán ra chỉ được lãi tối đa 2% - 15%. Còn giá bán lẻ ở các nhà thuốc thì theo… quy luật cạnh tranh của thị trường, dẫn đến tình trạng mỗi cửa hàng có giá bán khác nhau. 

Để hạn chế việc “kê khai” tùy ý, mỗi nơi một giá, theo dược sĩ  Đỗ Văn Dũng, sắp tới ngành y tế TPHCM sẽ thường xuyên tổ chức kiểm tra, yêu cầu các cơ sở kinh doanh dược thực hiện đầy đủ quy định về kê khai, kê khai lại giá thuốc, không được bán buôn, bán lẻ thuốc cao hơn mức giá kê khai, kê khai lại được công bố. Bên cạnh đó, nhà thuốc, cơ sở bán lẻ thuốc tây cũng chịu trách nhiệm niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở kinh doanh…

“Chính phủ và ngành y tế quyết liệt “làm sạch” thị trường dược phẩm bằng các biện pháp quản lý. Người dân cần góp sức với việc lên án, tẩy chay những hành vi móc túi người bệnh bằng cách đẩy giá thuốc, vừa đảm bảo lợi ích kinh tế của mình, vừa giúp Nghị định 54 được thi hành triệt để”, ông Dũng nhấn mạnh.

Trong thực tế, hầu như không có người tiêu dùng nào phản ứng với giá bán khi đi mua thuốc. Anh Nguyễn Phước Hải (ở phường Thạnh Xuân, quận 12) ngán ngẫm: “Chẳng may đau ốm mới đi mua thuốc và thực sự là tôi không biết giá thuốc như thế nào thì hợp lý, cũng chẳng có cách nào để so sánh. Mà mua thuốc chữa bệnh thì chẳng ai trả giá, họ nói sao là mình trả vậy”. 

Tin cùng chuyên mục