Giá trị cộng đồng là nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp

Giá trị cộng đồng là nền tảng phát triển bền vững của doanh nghiệp

Ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Truyền thông và đối ngoại Coca-Cola Việt Nam

Theo ông Nguyễn Khoa Mỹ, Giám đốc Truyền thông và Đối ngoại Coca-Cola Việt Nam, sự thành công của một doanh nghiệp không thể thiếu sự đóng góp cho cộng đồng địa phương. Với Coca-Cola, chính giá trị thu được từ những hoạt động vì cộng đồng này đã tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của hãng đồ uống hàng đầu thế giới.

Phát triển bền vững của doanh nghiệp thời gian gần đây được nhắc đến rất nhiều, ông có thể chia sẻ quan điểm cho biết đâu là yếu tố nền tảng cốt lõi cho một chiến lược phát triển bền vững thật sự? 

Ông Nguyễn Khoa Mỹ: Trong thời gian khoảng 10-15 năm gần đây, khái niệm trách nhiệm xã hội được đề cập rất nhiều. Ban đầu, ở cấp độ thấp, người ta nói đến các hoạt động xã hội từ thiện, nhưng qua thời gian những hoạt động rất cơ bản đó được nâng lên thành trách nhiệm xã hội. Đối với doanh nghiệp họ coi đó là việc phải làm. Thời gian gần đây, khái niệm trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp lại được định nghĩa theo một cách rộng hơn đó là phát triển bền vững, đó không chỉ là nhiệm vụ của cá nhân và doanh nghiệp, mà còn là sự tổng hòa trách nhiệm giữa các bên liên quan, trong đó có doanh nghiệp, cộng đồng, các tổ chức xã hội và cả các cơ quan quản lý.

Coca-Cola tập trung phát triển bền vững ở 3 lĩnh vực: Sản xuất kinh doanh, Phát triển nguồn nhân lực và Các chương trình xã hội

 Nói ngắn gọn hơn, nền tảng cốt lõi của một chiến lược phát triển bền vững thực sự là thông hiểu nhu cầu, cơ hội thách thức của một đất nước, một xã hội nơi doanh nghiệp đó đang hoạt động. Khi hiểu được nhu cầu này, doanh nghiệp phải tìm ra được điểm chung mà doanh nghiệp có thể tham gia, đóng góp hoặc giải quyết được. Nền tảng cốt lõi chính là sự thống nhất về hiểu biết và hành động giữa quyền lợi của doanh nghiệp, cộng đồng và đất nước doanh nghiệp đó đang hoạt động.

 Làm thế nào để cân bằng giữa những mục tiêu kinh doanh và các giá trị xã hội đóng góp của doanh nghiệp, liệu rằng điều đó có mâu thuẫn hay không?

Sẽ không có sự mâu thuẫn giữa mục tiêu kinh doanh và các giá trị xã hội nếu doanh nghiệp luôn đặt mình vào dòng chảy phát triển chung của cộng đồng. Từ vấn đề sản xuất kinh doanh, chất lượng sản phẩm, nhu cầu địa phương, người tiêu dùng, quyền được phục vụ những sản phẩm tốt nhất, phát triển con người, hay hiểu được thách thức về môi trường, nơi doanh nghiệp đó có trách nhiệm tạo ra những giá trị như bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng hoặc hoạt động cộng đồng như kêu gọi mọi người cùng chung tay.

Có thể hiểu đầu tư cho phát triển bền vững là đầu tư cho nền tảng để phát triển kinh doanh của doanh nghiệp phải không thưa ông?

Chúng ta thường nói đến trách nhiệm như một việc bắt buộc nhưng khi nói đến phát triển bền vững, từ trách nhiệm sẽ được giảm nhẹ, tính tự nguyện sẽ nâng cao. Bằng cách phát triển bền vững, doanh nghiệp đã tạo giá trị cho chính doanh nghiệp. Ví dụ như khi tiết kiệm năng lượng thì sẽ giảm được khí thải vào môi trường, lại tiết kiệm được chi phí sản xuất. Như trong ngành sản xuất nước giải khát, chúng tôi dùng nước rất nhiều, khi chúng tôi cắt giảm sử dụng nước thì sẽ tiết kiệm nước cho cộng đồng và giảm chi phí nguyên liệu, tiết kiệm nhiều hơn, hiệu quả kinh doanh sẽ tốt hơn. Vì vậy, đầu tư vào phát triển bền vững chính là đầu tư vào hiệu quả kinh doanh, đảm bảo cho tương lai của chính doanh nghiệp đó.

EKOCENTER - sáng kiến phát triển bền vững đem đến các giá trị kết hợp về nước, hỗ trợ sinh kế phụ nữ, nâng cao chất lượng sống cho cộng đồng

Coca-Cola đã làm gì để vừa đảm bảo mục tiêu kinh doanh, vừa thực hiện đúng cam kết và nhu cầu cộng đồng? Các hoạt động cụ thể trong năm vừa qua là gì thưa ông?

Chúng tôi đặt mục tiêu phát triển bền vững chính là nền tảng của các hoạt động kinh doanh, cốt lõi của mục tiêu kinh doanh. Cụ thể, trong sản xuất kinh doanh, chúng tôi luôn đảm bảo hệ thống sản xuất của chúng tôi từ nhà máy, dây chuyền sản xuất, xử lý chất thải, tiếng ồn, phải đạt được những chuẩn rất cao của tập đoàn. Bên cạnh đó, hệ thống cũng phải đáp ứng được yêu cầu của nước sở tại về pháp lý, quy định an toàn thực phẩm.

Về sản phẩm, chúng tôi có quan niệm thực tiễn là làm gì cũng để phục vụ khách hàng, người tiêu dùng của mình. Sản phẩm là cốt lõi, đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của người dùng, có khác biệt về chất lượng. Bên cạnh đó, nếu có những yêu cầu, khiếu nại của người tiêu dùng, chúng tôi luôn có trách nhiệm hồi đáp, đó là điều vô cùng quan trọng. Đáp ứng quyền của người tiêu dùng cũng là cách thể hiện phát triển bền vững trong lĩnh vực kinh doanh.

Coca-Cola vẫn đang tiếp tục hành trình đem nguồn nước sạch và những chia sẻ kiến thức vệ sinh, bảo vệ nguồn nước

Chúng tôi xây dựng các chương trình nâng cao năng lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, kết nối với các thành viên để tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận với kinh nghiệm, công nghệ để phát triển kinh doanh trong khuôn khổ của họ. Bên cạnh đó, đối với các bạn sinh viên trẻ khao khát kiến thức, chúng tôi có những chuyên gia lành nghề trong những lĩnh vực mà các bạn sinh viên muốn tìm hiểu, sẵn sàng cung cấp kiến thức giúp các bạn tự tin hơn. Ngoài ra, chúng tôi có những chương trình xây dựng trung tâm hỗ trợ cộng đồng, cung cấp dịch vụ cơ bản cho người dân ở khu vực khó khăn như cung cấp nước sạch miễn phí, chăm sóc sức khỏe, có nơi để học nghề, nâng cao kiến thức, sân chơi thể thao, internet…

Trong hệ thống Coca-Cola Việt Nam, chúng tôi có 2.500 nhân viên, hơn 99% là người Việt Nam và họ chính là những nhà lãnh đạo của công ty. Tập đoàn Coca-Cola luôn đảm bảo nhân viên của mình được trang bị những kiến thức theo chuẩn toàn cầu, được tạo cơ hội để đổi mới, đưa ra giải pháp mang lại cho Coca-Cola Việt Nam một trình độ phát triển không thua kém bất kỳ chi nhánh nào trên thế giới. Đó là sự tập trung thiết thực và những gì chúng tôi làm không chỉ phục vụ cho mục đích doanh nghiệp mà còn cho cộng đồng nơi chúng tôi hoạt động.

Với 100 cái tên vừa được công bố chắc chắn là không đủ để phản ánh hết tình hình các công ty phát triển bền vững hiện nay tại Việt Nam? Ông có kỳ vọng gì trong tương lai tới đây cho mô hình doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam?

Một điều đáng mừng khi VCCI đưa ra hệ thống đánh giá chỉ số phát triển bền vững của doanh nghiệp, họ đã chọn được 100 doanh nghiệp hoạt động phát triển bền vững tích cực tại Việt Nam. Tôi thực sự hãnh diện với tư cách là người Việt Nam, khi nhìn các doanh nghiệp trong nước áp đảo trong danh sách. Mặc dù doanh nghiệp trong khối FDI đóng góp vai trò quan trọng vào tỉ trọng nền kinh tế, nhưng doanh nghiệp trong nước vẫn là nền tảng phát triển kinh tế.  Các doanh nghiệp trong nước đang trỗi dậy mạnh mẽ trong hoạt động phát triển bền vững. Đó là dấu hiệu đáng mừng khi doanh nghiệp trong nước có sự đầu tư, quan tâm lớn đến việc này.

Dù là 100 hay 1.000 doanh nghiệp thì đó chưa phải là con số chúng ta quan tâm. Quan trọng hơn đó là nguồn cảm hứng cho rất nhiều doanh nghiệp khác noi theo, xem đó là công thức mới để tồn tại, phát triển và tạo ra giá trị cho chính bản thân mình, cho xã hội.

N.La

Tin cùng chuyên mục