Giá trị xã hội của chất lượng sống

Người châu Á, trong đó có Việt Nam luôn đặt giá trị, danh dự, uy tín của cộng đồng (làng xã, dòng họ, địa bàn cư trú và cộng đồng tôn giáo có cùng niềm tin và tín ngưỡng) lên rất cao. 
Phong trào tập thể dục dinh dưỡng tạo sự gắn kết cộng đồng
Phong trào tập thể dục dinh dưỡng tạo sự gắn kết cộng đồng
Khi làm việc gì đó quan trọng, người ta thường đặt câu hỏi những hành động này có làm tổn hại đến cộng đồng?

Giao tiếp và chia sẻ

Trong xã hội làng xã truyền thống, quan hệ cộng đồng tạo nên một sức mạnh cộng hưởng, giúp mọi người cùng nhau canh tác, khắc phục thiên tai, đánh thắng kẻ thù. Chính vì thế, những câu châm ngôn như “một giọt máu đào hơn ao nước lã”, “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”, “chị ngã, em nâng”, “bầu ơi thương lấy bí cùng”… trở thành phương châm sống của rất nhiều thế hệ.  Nhưng khi bước sang xã hội đô thị và công nghiệp, có hiện tượng cộng đồng làng xã bắt đầu… tan rã, chuyển sang quan hệ “chức năng” nơi đô thị. Vì thế mới có chuyện, sinh viên ở nông thôn lần đầu đến các thành phố lớn gần như đều bị sốc vì thấy người dân thị thành “lạnh lùng” quá, ít ai chào hỏi ai, có chào cũng bị coi là kỳ dị; còn các ông bà vào TPHCM thăm con chỉ được dăm ba bữa là nằng nặc đòi về vì ở thành phố, sống sát ngay nhà nhau mà chẳng ai biết đến ai. 

Thật ra chuyện này xảy ra hầu khắp các thành phố lớn trên thế giới. Có một lần tác giả bài viết này đến nước Áo dự một hội thảo khoa học về chủ đề toàn cầu hóa, nhìn thấy vài phụ nữ đứng ngay cổng hội nghị, trước ngực họ đeo một cái bảng với dòng chữ “Talk to me, please”, có nghĩa “làm ơn, hãy nói chuyện với tôi”. Những người phụ nữ đứng đó với sứ mệnh là nhắc nhở mọi người đừng làm mất đi tính nhân bản và quan hệ cộng đồng khi sang xã hội hiện đại và toàn cầu hóa. 

Chính xã hội hiện đại đã đẩy con người trở nên cô đơn, yếu đuối hơn bao giờ hết. Hình ảnh những người già ôm con chó, con mèo trong lòng, ngồi cô quạnh trên ghế đá công viên cho đến khi hết nắng mà không muốn về căn phòng không còn ai chờ đợi, là điều phổ biến ở các nước phát triển.
Làm thế nào để con người liên kết với nhau? Đó là câu hỏi không dễ tìm ra câu trả lời, bởi con người đã bị phân tán dưới tác động của các yếu tố như chuyển từ xã hội phải dựa vào nhau mà sống, sang xã hội phụ thuộc vào dịch vụ; chuyển từ xã hội thông tin trực tiếp sang thông tin gián tiếp. Một trong số những phương cách tốt nhất để liên kết cộng đồng là tạo ra thật nhiều môi trường giao tiếp và không gian chia sẻ.

Tạo giá trị gắn kết cộng đồng


 Ở các nước phát triển, họ chủ trương phát triển các thành phố nhỏ, bởi ở những thành phố có vài ngàn dân sẽ dễ thiết lập các quan hệ xã hội gắn bó thân thiết. Dễ nhận thấy người dân bản địa ở những thành phố nhỏ như Đà Lạt, Hội An, Vũng Tàu, khi ra đường có đến 70% - 80% là biết nhau. Họ hỏi thăm nhau vào mỗi sáng uống cà phê hay đi chợ, thấy mà gần gũi. Cũng như các nước khác, nhiều đô thị lớn ở Việt Nam cũng bắt đầu khuyến khích việc hình thành các tổ chức xã hội dân sự đa dạng, để con người từ “nam, phụ, lão ấu” đều có nơi sinh hoạt. 

Các tổ chức chính trị - xã hội có hội cựu chiến binh, hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội thanh niên, hội sinh viên, hội nông dân, công đoàn; các tổ chức xã hội có hội hướng đạo sinh, hội ca đoàn nhà thờ, hội từ thiện, hội người cao tuổi; các câu lạc bộ có câu lạc bộ dưỡng sinh, câu lạc bộ sinh vật cảnh, câu lạc bộ võ thuật; hội nghề nghiệp có hội kiến trúc sư, hội xây dựng, hội nhà văn, hội nghệ sĩ… Ngoài ra, còn kể thêm rất nhiều nhóm không chính thức như nhóm du khảo, nhóm sưu tầm kỷ vật (tiền, sách cũ, đồ cổ...)… Tất cả các hội đoàn đều hướng đến việc gắn kết những người cùng chí hướng, cùng sở thích, lĩnh vực hoạt động, cùng lứa tuổi lại với nhau, tạo ra những cộng đồng đô thị thay thế cho mối quan hệ làng xã truyền thống. Nếu ở nông thôn, họ quan hệ gắn bó và cố kết với nhau theo địa bàn dân cư sinh sống thì ở đô thị, họ quan hệ với nhau theo sở thích.

Tin cùng chuyên mục