Già trước khi giàu

Theo tạp chí The Diplomat, quá trình lão hóa dân số nhanh của Trung Quốc không chỉ thay đổi cấu trúc xã hội mà còn tác động mạnh mẽ tới triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai của Trung Quốc cũng như tạo áp lực lớn lên ngân sách.
Người già Trung Quốc tập dưỡng sinh tại công viên
Người già Trung Quốc tập dưỡng sinh tại công viên
Vào năm 1987, những ngày đầu của phép lạ kinh tế của Trung Quốc, 63,8% dân số nước này trong độ tuổi lao động và chỉ có 4,2% ở độ tuổi trên 65. Điều này đồng nghĩa với thặng dư nhân lực giúp nền sản xuất với chi phí thấp của Trung Quốc bùng nổ, được minh chứng bằng tăng trưởng GDP trên 10 % trong suốt giai đoạn từ giữa năm 1987-2007. Tuy nhiên, với tuổi thọ trung bình tăng cao cùng tỷ lệ sinh thấp hiện nay, đến năm 2025, khi tỷ lệ dân số ở độ tuổi trên 65 vượt quá 14%, Trung Quốc sẽ chính thức trở thành quốc gia “già”. 

Điều đáng nói là tốc độ lão hóa dân số ở Trung Quốc quá nhanh. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Standard Chartered, để tỷ lệ dân số ở độ tuổi trên 65 tăng từ 7% lên 14%, Pháp mất 115 năm trong khi Trung Quốc chỉ có 23 năm. Con số này với Mỹ là 60 năm, Anh là 45 năm và Đức là 40 năm.

Ngân hàng Deutsche Bank cho biết, quá trình lão hóa dân số chóng mặt của Trung Quốc sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường lao động khi mà nguồn cung lao động giảm dần từ 911 triệu vào năm 2015, xuống còn 848,9 triệu vào năm 2020 và 781,8 triệu vào năm 2030.

Khi lực lượng lao động của Trung Quốc co lại và già nua, tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của nước này sẽ sụt giảm. Nghiên cứu về lão hóa dân số của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cho thấy tỷ lệ lao động lớn tuổi xuất hiện nhiều hơn trong lực lượng lao động sẽ làm năng suất lao động thấp hơn và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Trung Quốc từ 0,5%-0,75%/năm trong giai đoạn từ năm 2020-2050. 

Cùng với tăng trưởng chậm, Trung Quốc phải đối mặt với sự gia tăng lớn trong chi tiêu cho an sinh xã hội. Quỹ hưu trí là một trong những thách thức lớn nhất về chi tiêu xã hội. Theo chuyên gia Wang Wynne của Trung tâm nghiên cứu CKGSB, Trung Quốc hiện có một hệ thống hưu trí nhưng chỉ mới hình thành gần đây. Điều này có nghĩa là những người đóng góp hiện nay chỉ đang trả tiền cho người cao tuổi, chứ chưa phải tiết kiệm, phục vụ cho kế hoạch nghỉ hưu của họ trong tương lai. Chưa hết, trong năm 2015, 22/30 tỉnh yêu cầu chính quyền trung ương bù đắp cho khoản thu bị thiếu hụt lên đến 53,85 tỷ USD. Hu Jiye, nhà khoa học thuộc Đại học Khoa học chính trị và Luật, ước tính trong tương lai, khoản bù đắp mà chính quyền trung ương có thể phải chi vào khoảng 12.600 tỷ USD.
 
Ngoài lương hưu, Bắc Kinh còn phải đối mặt với khoản chi trả lớn khác là dịch vụ y tế cho người cao tuổi. Chi dùng cho y tế, bao gồm cả chăm sóc người cao tuổi, hiện đang chiếm 3% GDP Trung Quốc. Con số này được OECD dự báo sẽ tăng lên 5,2% GDP vào năm 2030. Như vậy, tổng chi sẽ tăng từ 230 tỷ USD (năm 2012) lên 1.300 tỷ USD (năm 2030).

Trước những thách thức từ dân số già mang lại, Bắc Kinh đang đối phó bằng cách nâng cấp cơ sở công nghiệp, đưa robot vào sản xuất, tăng tuổi nghỉ hưu tối thiểu, từ bỏ chính sách một con... Nhưng liệu những chính sách này có thể đảo ngược xu hướng lão hóa dân số ở Trung Quốc? Câu trả lời còn ở phía trước.

Tin cùng chuyên mục