Giấc mơ châu Á

Hôm nay, Đại hội thể thao châu Á - Asiad 2018 - chính thức khai mạc tại sân vận động Gelora Bung Karno, Jakarta (Indonesia) với sự tham gia của 45 đoàn, tranh tài ở 40 môn thể thao. Đây là sự kiện thể thao lớn nhất châu lục, khởi đầu từ năm 1951 và đến nay đã là lần tổ chức thứ 18. 

Từ Asiad tại Ấn Độ năm 1982 đến nay, Thể thao Việt Nam đã 8 lần góp mặt, đoạt được 131 huy chương trong đó có 11 HCV. Tại Asiad 2018 này, đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) tham gia với kỷ lục về số lượng VĐV lẫn số môn thi đấu. Tuy nhiên, mục tiêu thành tích vẫn khá khiêm tốn khi chỉ là 3-5 HCV.

Asiad chính là giấc mơ vừa gần mà vừa xa của TTVN. Kỳ tích thể thao đầu tiên sau ngày thống nhất đất nước diễn ra tại Asiad 1994 sau khi Trần Quang Hạ giành HCV lịch sử ở môn Taekwondo. 4 năm sau, đến lượt Hồ Nhất Thống bảo vệ thành công HCV nội dung này và đến Olympic 2000, TTVN lần đầu tiên có huy chương ở đẳng cấp quốc tế, cũng đến từ Taekwondo với nữ võ sĩ Trần Hiếu Ngân. Đó là một sự tiếp nối rất rõ, đi từ giấc mơ châu Á ra đến thế giới.

Thế nhưng, cũng tại đấu trường Asiad, TTVN dường như cho thấy khả năng biến giấc mơ thành hiện thực vẫn còn khá hạn chế. Ngoài 2 kỳ Asiad 2002 (4 HCV), 2006 (3 HCV) thì các kỳ còn lại, tối đa chỉ đoạt được 1 HCV. Ở Asiad 2014 gần nhất, có đến 11 nội dung thi đấu vào đến chung kết nhưng chỉ wushu là đoạt 1 HCV. Trước đó, Asiad 2010 cũng có 17 nội dung thi đấu các môn võ tranh chung kết, vẫn chỉ có HCV của karate. Trong khi đó, các quốc gia cùng trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore đều giữ được sự ổn định về số lượng HCV ở các môn thế mạnh qua 5 kỳ Asiad gần nhất.

Vấn đề nằm ở chỗ, tại đấu trường SEA Games, TTVN luôn ổn định vị trí trong tốp 3 và dần thống trị nhiều môn thi đấu. Nhưng khi tiến ra đấu trường châu lục, hy vọng chủ yếu dồn vào các môn võ (7/11 HCV tại các kỳ Asiad). Tuy nhiên, thành tích này thường không thể hiện được năng lực của nền thể thao nước nhà. Những niềm hy vọng ở các môn thể thao cơ bản của Olympic như điền kinh, bơi lội, bắn súng hay xe đạp, cử tạ… xét về tổng thể lại rất khó chắc chắn có được thành tích cao nhất, bởi luôn chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ đối thủ. Nói cách khác, cho đến bây giờ, vẫn chưa thể xác định đâu là môn thế mạnh của TTVN tại đấu trường Asiad.

Để có những kỳ tích như xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic 2016 thì cần phải có thêm nhiều HCV tại Asiad. Việc chiến thắng ở những sự kiện thể thao như vậy có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chiến lược đầu tư cho nền thể thao Việt Nam. Thật khó có thể tăng thêm ngân sách hằng năm, thu hút được các nguồn lực tài trợ hoặc đẩy mạnh xã hội hóa thể thao nếu TTVN chỉ thành công ở sân chơi SEA Games hay tăng số lượng VĐV tham dự Asiad mà vẫn cứ ra về tay trắng.

Chúc đoàn TTVN “chân cứng, đá mềm” trong những ngày tranh tài sắp tới ở Indonesia. Những thành công bước đầu của đội tuyển bóng đá Olympic Việt Nam cho thấy, nếu khai thác tốt tiềm lực, có khao khát chiến thắng mạnh mẽ và sự đầu tư đúng hướng, TTVN sẽ thay đổi đẳng cấp và vị trí của mình để HCV tại Asiad không phải là những cái thở dài hay lời than vãn tiếc nuối nữa.

Tin cùng chuyên mục