Giấc mơ những bảo tàng tư nhân

Giới sưu tập từ tranh đến cổ vật luôn mơ ước có một không gian trưng bày riêng nhằm giới thiệu đến công chúng thành quả mà cả đời họ tìm kiếm và giữ gìn được. Không gian đó không thể tráng lệ hơn một bảo tàng, tuy nhiên giấc mơ về những bảo tàng tư nhân như thế ở ta vẫn còn nằm ngoài tầm tay của nhiều nhà sưu tập.

Hai thế hệ một bảo tàng

Nhà sưu tập Vĩnh Hảo chuyên sưu tập gốm Gò Sành, từng có một bảo tàng tọa lạc ngay trung tâm thành phố Quy Nhơn (Bình Định). Trong suốt thời gian tồn tại, bảo tàng gốm Gò Sành này gần như mở cửa miễn phí cho khách tham quan, vì với ông Hảo, được chia sẻ nét đẹp ẩn chứa bên trong những giá trị văn hóa của một dòng gốm đất nung do người Việt tạo tác cho nhiều người thưởng lãm đã là một hạnh phúc không thể diễn tả đối với ông.

Để có được bảo tàng này, ông Vĩnh Hảo cho biết, gia đình ông đã chuẩn bị từ hai đời. Cha của ông Hảo đã dành cả đời sưu tập gốm Gò Sành, sau đến lượt ông kế tục. Đây là điều may mắn với gia đình ông Hảo, vì nhiều nhà sưu tập sau cả đời cất công tìm kiếm và giữ gìn, thì đến thế hệ sau không ai tiếp tục, thậm chí đem bộ sưu tập của cha ông bán mất. Chẳng hạn như nhà sưu tập Vương Hồng Sển đã hiến tặng bộ sưu tập của mình cho nhà nước nhằm bảo toàn sự nguyên vẹn.

Thế nhưng với ông Vĩnh Hảo, dù cố hết sức, ông vẫn không thể kéo dài sự tồn tại của bảo tàng này. Trong quá trình làm ăn, ngân hàng đã tịch biên bảo tàng của ông Hảo để trừ nợ. Theo ông Hảo, ngân hàng làm như thế là không đúng và trong nhiều năm gần đây, ông Hảo đang tìm mọi cách để đòi lại bảo tàng được xây dựng từ hai đời nhà ông.

Điều may mắn là, những hiện vật vẫn được ông Hảo giữ gìn chờ tìm một nhà trưng bày mới. Vì với ngân hàng, giá trị tài sản có thể định giá thu hồi được là căn nhà chứ không phải là những chum, vại hay tượng.

Từ trường hợp của ông Vĩnh Hảo, có thể thấy để nuôi giấc mơ làm bảo tàng tư nhân phải hội đủ các yếu tố của tấm lòng, niềm đam mê và đặc biệt phải có tài chính dồi dào. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, những bảo tàng tư nhân nổi tiếng thường là của những tỷ phú.

Điều này cũng đúng với những quốc gia giàu có, thường sở hữu những bảo tàng lớn với hàng triệu hiện vật. Nếu không đủ năng lực tài chính, không thể xây dựng bảo tàng, chưa kể duy trì được hoạt động trải qua hàng trăm năm.

Học phí của nhà sưu tập

Để có giấy phép mở một bảo tàng, theo những người từng đi xin phép cho biết, hết sức nhiêu khê. Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Đình Sử ở Hà Nội có trong tay hơn chục ngàn hiện vật, trong đó có hơn trăm chiếc trống đồng thuộc các nền văn hóa khác nhau. Ông Sử đã mất nhiều năm xin phép làm bảo tàng tư nhân với đủ các loại thủ tục giấy tờ thông qua của các ban ngành.

Điều trớ trêu, khi mọi sự chuẩn bị đã xong thì ông Sử đột ngột qua đời khiến bảo tàng của ông trở thành cái nhà kho ngổn ngang hiện vật. May mắn là gia đình ông Sử có kinh tế rất vững nên các hiện vật ông dành cả đời sưu tập vẫn còn nguyên, không bị bán mất.

Không chỉ ông Sử, nhà sưu tập tranh Lê Thái Sơn tại TPHCM chuyên sưu tập dòng tranh ký họa chiến trường cũng để lại giấc mơ dang dở tương tự. Lê Thái Sơn kinh doanh nhiều lĩnh vực nhưng dành tất cả lợi nhuận để mua tranh, đặc biệt là tranh của các họa sĩ ký họa trên chiến trường. Lê Thái Sơn mê sưu tầm tranh đến độ những người thân của anh cho rằng, anh đang “đem đồng nát” về nhà.

Tuy vậy, nhiều lần anh mơ ước mở một bảo tàng nho nhỏ để giới thiệu với công chúng. Nhưng thật không may, anh qua đời vào năm 2012. Bộ sưu tập tranh của Lê Thái Sơn trị giá hàng triệu đô la, may mắn là gia đình anh vẫn còn lưu giữ, vài năm trước có mở cửa cho bạn bè vào xem nhân ngày giỗ anh.

Với các nhà sưu tập nuôi giấc mơ bảo tàng, khó khăn lớn nhất không chỉ là chuyện thủ tục hay tài chính, bởi đã có giấc mơ thì họ luôn tìm cách biến thành hiện thực. Khó khăn lớn nhất của họ là chuyện “tranh thật tranh giả, đồ thật đồ giả” đang giăng mắc khắp nơi.

Bởi nhà sưu tập tìm kiếm, mua về để lưu giữ cho nhiều đời sau, khác với dân buôn, mua đi bán lại dựa trên lợi nhuận. Lê Thái Sơn không ít lần mua nhầm tranh giả và anh tập trung số tranh giả này vào một góc phòng để lâu lâu đến ngắm, xem như một loại học phí phải trả cho nghề sưu tập.

Thường thì nhiều nhà sưu tập để phân biệt “giả - thật” hay tìm đến các nhà chuyên môn nhờ tư vấn. Họa sĩ Đỗ Phấn, bạn của nhà sưu tập Nguyễn Đình Sử, kể: “Có lần, anh Sử rủ tôi đi lên tỉnh Hòa Bình gấp vì người ta mới báo có một chiếc trống đồng, anh nhờ tôi thẩm định.

Đến nơi, trời mờ sáng, nghe qua cân nặng và diện tích trống, theo kinh nghiệm, tôi tin là trống thật. Tuy nhiên, sau khi rọi đèn coi hoa văn, tôi thấy có điều không ổn vì hoa văn này mới được đắp thêm vào. Đồ cổ và đồ giả cổ như ma hồn trận, các nhà sưu tập rất dễ mắc bẫy”.

Bài toán chưa có lời giải?

Xây dựng một bảo tàng tư nhân không chỉ thỏa mãn đam mê tức thời của một nhà sưu tập mà còn là giấc mơ lâu dài cần được nuôi dưỡng liên tục về tinh thần và cả vật chất. Để duy trì một bảo tàng như thế, giống như giải một bài toán khó nhưng không phải là không có cách.

Bảo tàng đất nung Thanh Hà (Công viên Đất nung Thanh Hà) nằm cách Hội An 5km, có thể xem như một lời giải khi công thức “lấy bảo tàng nuôi bảo tàng” được áp dụng. Dù giá vé cho khách tham quan chỉ vài mươi ngàn đồng nhưng số tiền này cũng tạm đủ duy trì hoạt động của bảo tàng Thanh Hà.

Giấc mơ những bảo tàng tư nhân ảnh 1 Một góc bảo tàng đất nung Thanh Hà ở Quảng Nam
Bảo tàng Thanh Hà trên khuôn viên rộng 6.000m2, trưng bày gốm đất nung của nhiều làng nghề tại Việt Nam, trong đó có nhiều tác phẩm mỹ thuật của các điêu khắc gia người Việt hiện nay. Về quy mô, đây chưa phải là bảo tàng lớn nhưng rất tập trung chủ đề. May mắn là bảo tàng Thanh Hà nằm trên tuyến du lịch Hội An nên thu hút được khách tham quan nằm trong sự đa dạng các tuyến điểm du lịch của vùng đất miền Trung này.

Thực tế cho thấy, bảo tàng không chỉ là nơi lưu giữ và trưng bày, mà còn là nơi có thể làm kinh tế nếu biết cách khai thác. Tuy nhiên, bảo tàng phải trưng bày những hiện vật nguyên bản mới đủ sức cuốn hút du khách đến thưởng lãm nhiều lần.

Giấc mơ những bảo tàng tư nhân ảnh 2 Bệ thờ Phật thuộc Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam) được trưng bày với bản gốc rất thu hút khách thưởng lãm
Đây cũng chính là điều các nhà sưu tập tư nhân rất sợ mua phải tranh giả hay đồ giả cổ chứ không đơn thuần họ tiếc đồng tiền phải bỏ ra mà mua nhầm. Rất nhiều du khách vào Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, dân địa phương gọi là Cổ viện Chàm, đã tỏ ra thất vọng khi chiêm ngưỡng 1 trong 3 bảo vật quốc gia trưng bày tại đây là đồ phục dựng.

Cổ viện Chàm trưng bày các hiện vật điêu khắc Champa lớn nhất thế giới, trong đó có bức tượng Bồ tát Tara thuộc Phật viện Đông Dương, được người dân Quảng Nam phát hiện năm 1978. Cùng với 2 hiện vật khác trưng bày tại đây, tượng Bồ tát Tara được công nhận là bảo vật quốc gia.

Giấc mơ những bảo tàng tư nhân ảnh 3 Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm Đà Nẵng
Thế nhưng, 2 bảo vật quốc gia kia được trưng bày bản gốc, còn tượng Bồ tát Tara lại là bản sao, dù theo tỷ lệ 1/1 nhưng vẫn khiến người xem thất vọng khi mua vé vào xem. Có lẽ sau 1975, Cổ viện Chàm từng bị mất cắp hiện vật khiến ông giám đốc bảo tàng khi đó phải đi tù nên người ta ngại trưng bày những hiện vật gốc dễ bị trộm như tượng Bồ tát Tara?!

Bài toán để các bảo tàng tư nhân và cả bảo tàng nhà nước “sống được” bằng tiền vé của du khách không gì ngoài việc trưng bày những tác phẩm có giá trị chất lượng về nguồn gốc, mỹ thuật và văn hóa. Một số họa sĩ, nhà nghiên cứu cho rằng, nhiều bảo tàng đang trưng bày tranh giả, hiện vật giả nên khó thu hút người xem.

Một doanh nhân trẻ tại TPHCM đang ấp ủ mở bảo tàng tư nhân liên quan đến văn hóa Champa, tính rằng: “Riêng TPHCM có 10 triệu du khách/năm, chỉ cần đầu tư làm bảo tàng xứng tầm, chỉ cần 1/10 số du khách này mua vé vào tham quan thì không lo gì bảo tàng không duy trì được”.

Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, không gì tốt hơn để giới thiệu văn hóa và lịch sử của một quốc gia với du khách nước ngoài bằng bảo tàng và nhà hát.

Tin cùng chuyên mục