Giải bài toán khó cho ngành da giày

Tại hội thảo quốc gia về “Bức tranh kinh tế 2017 dành cho doanh nghiệp”, nhiều vấn đề thực tế được các đại biểu đặt ra rất sinh động. Tiêu biểu là ngành da giày - một ngành chiếm tỷ lệ xuất khẩu cao, thế nhưng đến 97% nguyên liệu da giày phải nhập khẩu, lợi thế chủ yếu là lao động giá rẻ.
Chúng tôi xin trích đăng bài phát biểu cũng như những đề xuất chính sách của chuyên gia Lê Tuấn Lộc và Nguyễn Văn Nên trong việc nâng cao lợi thế so sánh cho ngành da giày Việt Nam.
Lợi thế lao động giá rẻ không còn
Theo số liệu thống kê đầu năm 2016, Việt Nam có hơn 5.100 doanh nghiệp đang hoạt động da giày, thu hút khoảng 600.000 lao động. Ngành này mang lại việc làm cho một số lượng lớn lao động phổ thông. Kết quả nghiên cứu lợi thế so sánh của ngành da giày Việt Nam trong khu vực ASEAN cho thấy, Việt Nam luôn dẫn đầu, chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu ngành da giày của tất cả các nước ASEAN. Ba năm trở lại đây, ngành da giày đã đưa Việt Nam vào trong tốp 10 nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về da giày. Riêng xuất khẩu vào thị trường châu Âu, da giày Việt Nam chỉ đứng thứ hai sau Trung Quốc. 
Khi gia nhập WTO, thuế quan được cắt giảm theo lộ trình và bãi bỏ, cùng với những chính sách khuyến khích xuất khẩu, sản xuất, Việt Nam trở thành điểm đến cho việc đầu tư của các nhà sản xuất da giày. Về hoạt động xuất khẩu, ngành da giày Việt Nam tăng trưởng mạnh tại các thị trường trọng điểm như: EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Brazil. Ngành da giày đã có được lợi thế so sánh nhất định trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, Việt Nam phát huy lợi thế giá rẻ trong lao động để phát triển ngành da giày theo hướng gia công trong giai đoạn gần đây đã gặp không ít khó khăn khi hội nhập kinh tế quốc tế đã làm tăng giá cả lao động tại Việt Nam. Đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt về nhân công giá rẻ của các nước trong khu vực ASEAN như Lào và Campuchia. Do vậy, dù có kim ngạch xuất khẩu cao nhất trong khu vực nhưng từ năm 2014, Việt Nam không thể cạnh tranh với Campuchia về lợi thế so sánh. Kim ngạch xuất khẩu của Campuchia dù chỉ đứng thứ ba nhưng có xu hướng tăng nhanh hơn Việt Nam. Cụ thể, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu da giày của Campuchia tăng đột biến với tốc độ tăng 230%, trong khi Việt Nam chỉ tăng hơn 22%. Nguyên nhân, những thương hiệu gia công giày dép lớn của thế giới đã dịch chuyển sang Campuchia vì khả năng cạnh tranh về lao động giá rẻ của Việt Nam trong thời gian gần đây đã giảm. Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần có những chiến lược mới trong phát triển ngành da giày, thay vì tập trung kêu gọi đầu tư vào các khâu gia công tạo ra giá trị gia tăng kém thì nên chú trọng đến các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, mà gần nhất là sản xuất các nguyên phụ liệu cho ngành.
Giải bài toán khó cho ngành da giày ảnh 1 Sản xuất da giày tại một doanh nghiệp. Ảnh: THÀNH TRÍ
 97% nguyên liệu từ nhập khẩu

Dù định hướng phát triển của Việt Nam là tập trung tham gia vào các khâu tạo ra giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị, tuy nhiên thực tế cho thấy, nguồn nguyên liệu trong nước mặc dù cung cấp được khoảng 20% nhu cầu sản xuất nhưng chủ yếu là phục vụ cho sản xuất để tiêu thụ trong nước. Bởi có đến hơn 97% tổng kim ngạch xuất khẩu giày dép Việt Nam có nguồn gốc sản xuất từ các nguyên liệu nhập khẩu. 
Điều đó có nghĩa, ngành da giày chủ yếu là gia công cho thế giới, nên thu về giá trị gia tăng không cao. Để cải thiện điều này, Việt Nam cần chú ý những vấn đề sau: Thứ nhất, chúng ta chưa có những thương hiệu mạnh và các nhà phân phối trực tiếp trên thị trường thế giới nên chưa tạo ra giá trị gia tăng cao; thứ hai là nguồn cung nguyên phụ liệu nội địa rất hạn chế nên phải tập trung vào gia công và vì gia công nên chưa thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển, điều này tạo nên vòng luẩn quẩn trong quá trình phát triển; thứ ba là, các nước có lợi thế so sánh với Việt Nam trong ngành da giày là Campuchia, Indonesia không tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chưa ký FTA với EU nên Việt Nam có thể được hưởng miễn giảm thuế vào các thị trường này, nhưng nguồn nguyên phụ liệu trong nước chưa được đảm bảo nên không thể đáp ứng yêu cầu về xuất xứ hàng hóa khi xuất khẩu sang các nước thành viên. 
Ngoài ra, có nhiều vấn đề cũng cần cải thiện để nâng cao lợi thế so sánh cho ngành da giày Việt Nam. Cụ thể, cần quy hoạch, quỹ đất, hỗ trợ mặt bằng cho doanh nghiệp, xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ngành da giày để hình thành cụm liên kết ngành có đầy đủ các cơ sở sản xuất phụ liệu, linh kiện; các sàn giao dịch nguyên phụ liệu; trung tâm kiểm định chất lượng; trung tâm đào tạo nhân lực; các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, thiết kế mẫu mốt... Từ đó đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội quảng bá, giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng trong cả nước và nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội sản xuất - kinh doanh sản phẩm da giày. Bên cạnh đó, phát triển khoa học công nghệ đặc thù cho ngành da giày, thành lập trung tâm đổi mới và phát triển khoa học công nghệ ngành da giày để trợ giúp doanh nghiệp trong việc đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh. Hình thành cụm ngành da giày các vùng trọng điểm, trên các địa bàn trọng điểm phát triển khu vực phía Nam, miền Trung và phía Bắc, thu hút các doanh nghiệp hỗ trợ và liên quan tham gia cung cấp linh kiện, nguyên phụ liệu cho các doanh nghiệp toàn cầu, doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp định hướng xuất khẩu.

Tin cùng chuyên mục