Giải bài toán tổng thể khi mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất: ​Cân nhắc đầy đủ các yếu tố

Với quan điểm mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất không chỉ là vấn đề của ngành giao thông mà còn là vấn đề của phát triển kinh tế - xã hội, đô thị TPHCM, vùng TPHCM và cả Nam bộ nên làm như thế nào, cần phải tìm lời giải trong bài toán phát triển chung, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hòa, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM đã có buổi trao đổi với phóng viên Báo SGGP về vấn đề này.

Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cần tìm lời giải trong bài toán phát triển chung. Ảnh: CAO THĂNG
Mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất cần tìm lời giải trong bài toán phát triển chung. Ảnh: CAO THĂNG

° PHÓNG VIÊN: Thưa ông, ông ủng hộ quan điểm mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất của tư vấn Pháp hay của các chuyên gia độc lập ở TPHCM?

° GS-TS Nguyễn Trọng Hòa: Tôi thấy quan điểm của tư vấn Pháp và của các chuyên gia độc lập dù có khác nhau song đều tập trung đưa ra được các giải pháp khai thác tối đa hệ thống hạ tầng hiện hữu cũng như diện tích đất hiện có của khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Điều này không chỉ tốt cho TPHCM mà còn tốt cho cả ngành giao thông. Tuy nhiên, để quyết làm như thế nào, theo tôi cần được cân nhắc trong yêu cầu phát triển chung của TPHCM, vùng TPHCM và cả Nam bộ. Đặc biệt, việc này cũng cần được tính toán trên cơ sở khả năng đầu tư của Nhà nước, của xã hội.

° Bối cảnh ông đặt ra có vẻ quá rộng so với việc mở rộng một sân bay, dù đó là sân bay lớn có tính chất đầu mối giao thông?

° Càng cân nhắc đầy đủ các yếu tố liên quan, càng giúp cho ta có cơ hội tìm ra lời giải tốt nhất. Tôi lấy ví dụ, nếu hệ thống đường cao tốc ở khu vực Nam bộ được đầu tư hoàn thiện thì người dân ở Tiền Giang, Đồng Tháp, Trà Vinh, Long Xuyên… có thể đi qua Cần Thơ, sử dụng sân bay Cần Thơ để “bay” đi Hà Nội thay vì phải lên TPHCM. Hay nếu như ngành đường sắt được tổ chức tốt hơn, người dân có thể chọn đi xe lửa thay vì đi máy bay. Người dân ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới vẫn thích đi xe lửa bởi xe lửa an toàn, tiện lợi hơn máy bay. Ga xe lửa có thể đặt sâu trong nội thành và người dân có thể tiếp cận loại phương tiện này nhanh chóng hơn nhiều so với đi máy bay. Và khi ấy, chắc chắn nhu cầu đi lại ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ thay đổi… Hay như nếu sân bay Long Thành được xây dựng và đi vào hoạt động thì khi có nhu cầu “bay”, người dân ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước… có thể đến sân bay này. Nên làm đường giao thông đến và đi riêng cho sân bay Tân Sơn Nhất.
 
° Với viễn cảnh ông đưa ra… thì có thể không cần mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất?

° Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội cho cả một vùng, nhiều nước trên thế giới đều đầu tư xây dựng ít nhất 2 sân bay. Chức năng, nhiệm vụ của các sân bay được tính toán kỹ trên cơ sở bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Vùng TPHCM cũng không nằm ngoài thông lệ này và do đó theo quy hoạch điều chỉnh xây dựng vùng TPHCM vừa được Chính phủ phê duyệt, vùng TPHCM có 2 sân bay là Tân Sơn Nhất và Long Thành. Vấn đề, phải cân nhắc đầu tư 2 sân bay này cho hợp lý, để cả hai đều phát huy hết được hiệu quả. Các cơ quan liên quan nên “hài” tất cả các vấn đề liên quan và xếp thứ tự theo chiều dọc, tức từ quan trọng nhất đến quan trọng nhì… để có thể xem xét một cách thấu đáo. Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn chế, có thể thực hiện phân kỳ đầu tư như đề xuất của các chuyên gia độc lập ở TPHCM. 

° Quay trở lại với các vấn đề của sân bay Tân Sơn Nhất, theo ông việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất phải đáp ứng tối thiểu những tiêu chí nào?

° Vấn đề lớn nhất hiện nay ở sân bay Tân Sơn Nhất là quá tải về giao thông trong và ngoài sân bay, khu vực xung quanh bị ô nhiễm tiếng ồn… Do vậy, việc mở rộng sân bay phải giải quyết được hết các vấn đề đó. Ví dụ, với giao thông, dù mở rộng sân bay về hướng Nam hay hướng Bắc cũng nên xây dựng một đường vành đai trên cao trong khu vực sân bay. Từ đường vành đai này sẽ làm các đường nhánh rẽ xuống khu vực nhà ga đi và đến để đưa, đón khách và cũng từ đường vành đai này phải làm các đường trên cao kết nối đến thẳng các trục đường chính bên ngoài sân bay như Nguyễn Văn Trỗi, Phạm Văn Đồng, Quang Trung… để kết nối giao thông trong sân bay với khu vực bên ngoài.
Hệ thống đường trên cao phải được coi là đường chuyên biệt chỉ sử dụng để đến và ra khỏi sân bay. Ngân sách Nhà nước có thể đầu tư hoặc kêu gọi nguồn lực từ xã hội và được phép thu phí để hoàn vốn. Để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, nếu cần thiết cũng phải thực hiện công tác giải tỏa. Một vấn đề tôi muốn lưu ý, bên cạnh việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất, ngành hàng không nên tổ chức, sắp xếp lại việc điều hành bay… để khai thác hiệu quả hơn cơ sở hạ tầng hiện hữu của sân bay Tân Sơn Nhất.

Tin cùng chuyên mục