“Giải cứu” và giải cứu

Gần đây, dấu ngoặc kép (“ ”) xuất hiện rầm rộ trong các cụm từ bàn về nguyên nhân và cách giải quyết những vấn đề phát sinh từ cuộc sống. 
Chẳng hạn mưa lớn biến đường phố thành biển hồ thì người ta dùng cụm từ “thất thủ” để nói về tính hiệu quả của cả ngàn tỷ đồng rót vào các công trình thoát nước, hoặc giả trái dưa hấu nằm lăn lóc ngoài đồng cho trâu bò gặm thì được gắn dấu ngoặc kép trong cụm từ “giải cứu” loại trái cây tràn đầy vitamin này.  
Mấy ngày qua, giữa thời tiết nóng như đổ lửa, một thực trạng đáng quan tâm, việc cần giải cứu, giải cứu thật sự chứ không phải “giải cứu” (trong ngoặc kép) với công văn hỏa tốc từ đủ các cơ quan quản lý nhà nước kêu gọi bình ổn giá, kêu gọi bằng mọi giá tiêu thụ bằng hết lượng heo xuất chuồng tồn đọng. Cũng phải hiểu tình cảnh thê thảm của đối tượng “giải cứu” khi giá thịt hơi có lúc tụt xuống 20.000 đồng/kg, nghĩa là thấp hơn nhiều so với chi phí sản xuất của các hộ chăn nuôi. Rõ ràng, con đường từ chuồng trại đến thẳng bàn ăn còn gập ghềnh, chông gai khi đối mặt nghịch lý tăng - giảm không dễ giải quyết: tăng giá thu mua cho người nông dân và giảm giá bán cho người tiêu dùng. Đó cũng là hệ quả của cách làm ăn không căn cơ, chuyển từ cực này sang cực kia một cách thái quá, từ siết chặt cứng nhắc đến buông thả quá trớn. 
Riêng về nông nghiệp - nông thôn trước đây chúng ta có khái niệm 4 nhà (nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông), sau bổ sung thêm 1 nhà nữa là nhà đầu tư, thành 5 nhà. Nói như thế để thấy chúng ta đã trăn trở tìm kiếm đường đi nước bước, về lý thuyết thì không thể phủ nhận, có tích tụ ruộng đất, có ứng dụng công nghệ cao, có đầu tư, có sản phẩm sạch tiến tới sản phẩm hữa cơ… nhưng trên thực tế thì còn xa. Như chuyện giá con heo đã nói ở trên, thực tế cho thấy lỗi đầu tiên là lỗi nhận thức khi thói quen làm ăn nhỏ lẻ, manh mún, mạnh ai người ấy làm đã ăn sâu trong tâm thức người dân từ ngàn đời, không dễ bỏ ngay một sớm một chiều. Mặc dù đã có cảnh báo từ Bộ NN-PTNT, nhưng khi giá thịt heo hơi tăng trên 50.000 đồng/kg, trên cả nước đã dấy lên phong trào “nhà nhà nuôi heo, người người nuôi heo”, dân ồ ạt vay mượn đầu tư xây chuồng trại, mua con giống… để 6 tháng sau giá mua tụt mức “rẻ nhất thế giới”. Và lại phải “giải cứu” kêu gọi lòng hảo tâm của người đời. Thật buồn và buồn hơn nữa khi đề cập lỗi không nhỏ của các cơ quan quản lý nhà nước đã quá chậm trễ trong việc cảnh báo về quy mô đàn heo, về biến động thị trường và việc quy hoạch các nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi… Chỉ sợ sau khi chấn chỉnh đi vào “chuỗi giá trị” - nghĩa là sau đợt “giải cứu”, thì giá thịt heo lại tăng cao vì khan hiếm nguồn cung, và lại đổ tiền vào nuôi heo… Một vòng luẩn quẩn!
Nhìn rộng ra, con heo, trái dưa, củ hành tím… còn cho vào cấp đông, cho đóng hộp để tích trữ, nhưng ở lĩnh vực văn hóa thì không thể, đã hỏng là hỏng luôn, hỏng đến di căn cho nhiều thế hệ. Lấy ví dụ như nhiều chương trình truyền hình thực tế bị ta thán là nhảm nhí, vô bổ cần có cuộc đại phẫu triệt để. Bước đầu tiên là chấn chỉnh thể loại hài quá nhố nhăng, bật kênh nào cũng ngần đấy khuôn mặt, ngần đấy chiêu trò. Đáng khen là Đài Truyền hình Vĩnh Long đã đi tiên phong khi mạnh dạn “cắt” hình ảnh của Trấn Thành trong một chương trình dành cho thiếu nhi dù có ảnh hưởng đến lượt xem, đến lợi nhuận. Đây là việc làm đáng trân trọng khi nhiều “ông lớn” phát sóng khác vẫn phát biểu nước đôi là “chỉ giảm tần suất xuất hiện” hoặc cứ “im lặng là vàng”.
Nhưng bên trong công cuộc “giải cứu” này lại rất phức tạp, không dễ như “giải cứu” con heo. Thứ nhất , cũng như trong chăn nuôi, có đến 4 “nhà” trong việc đưa món thức ăn tinh thần đến các “ thượng đế”. Ngoài nghệ sĩ biểu diễn từ giới showbiz có tiếng tăm, còn đến 3 nhà nữa (nhà sản xuất, nhà tài trợ, nhà phát sóng) đều có dự phần “giải cứu”. Và trong số “nhà” này thì nhà đài - chốt chặn cuối cùng của chương trình phát sóng, có trách nhiệm lớn hơn cả. Trong thực tế, dù mang tiếng là phải kiểm duyệt từ khâu kịch bản đến duyệt nội dung cuối cùng trước khi lên sóng, nhưng có những nhà đài trước áp lực của đồng tiền vẫn làm chiếu lệ, làm cho có để “người nổi tiếng” cứ thoải mái múa may trên sàn diễn. Thế mới có chuyện Trấn Thành dám phát ngôn không thích xem thì cứ tắt tivi đi. Và cuộc “giải cứu” văn hóa còn kéo dài, rất cần bàn tay sắt từ cơ quan quản lý nhà nước khi cương quyết không cấp phép cho các chương trình dung tục, thô thiển, chỉ mang tính câu khách.
Và ước gì chúng ta không phải chữa cháy bằng cụm từ “giải cứu” trong ngoặc kép! 

Tin cùng chuyên mục