Giải đáp thông tin quy hoạch

Thực hiện lời hứa với bạn đọc Báo SGGP trong buổi giao lưu trực tuyến về giải đáp quy hoạch tổ chức cuối tháng 5-2017 vừa qua, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM đã tiếp tục trả lời những câu hỏi mà trong buổi giao lưu chưa thực hiện kịp.
Báo SGGP xin lần lượt giới thiệu những thông tin này tới bạn đọc.

1- Bạn đọc Nguyễn Phi Khanh (địa chỉ số 6/3A1, khu phố 1, phường Thới An, quận 12), email: phikhanh1963@gmail.com, hỏi: “Tôi có đất ở phường Hiệp Thành (quận 12), quy hoạch là đất hỗn hợp. Vậy tôi có được chuyển mục đích sang đất ở không?”

° Trả lời: Các quy định về điều kiện được chuyển mục đích sử dụng đất thuộc chức năng, nhiệm vụ của Sở Tài nguyên và Môi trường.

Về quy hoạch đất hỗn hợp trong đồ án quy hoạch phân khu:

Theo QCVN:01/2008/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng (được Bộ Xây dựng ban hành tại Quyết định số 04/2008 ngày 3-4-2008), đất hỗn hợp là loại đất sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau như: ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ, sản xuất…

Trong các đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị (quy hoạch phân khu) tỷ lệ 1/2000 được phê duyệt, chức năng đất sử dụng hỗn hợp (trong đó cơ cấu sử dụng đất có nhiều loại chức năng sử dụng đất khác nhau) nhằm mục đích để linh hoạt trong quá trình tổ chức thực hiện quy hoạch theo yêu cầu  phát triển kinh tế - xã hội trong từng giai đoạn. Theo đó, tùy theo hiện trạng sử dụng đất và nhu cầu phát triển của ngành, lĩnh vực để xác định và lập các dự án đầu tư theo cơ cấu sử dụng đất được xác định trong khu đất sử dụng hỗn hợp.

Đối với đất sử dụng hỗn hợp có chức năng ở, tùy theo yêu cầu phát triển nhà ở tại địa phương để lập các dự án phát triển nhà ở phù hợp với cơ cấu đất ở trong đất sử dụng hỗn hợp; đối với công trình nhà ở hiện hữu của người dân, về nguyên tắc là vẫn phù hợp quy hoạch nhưng tùy theo hiện trạng sử dụng đất, tình trạng pháp lý nhà - đất, thời điểm tạo lập nhà ở của người dân (trước hay sau thời điểm công bố quy hoạch) và căn cứ vào tỷ lệ đất ở trong cơ cấu của đất sử dụng hỗn hợp để xác định sự phù hợp quy hoạch, làm cơ sở để xem xét cấp giấy phép xây dựng và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định.

Đối với đất sử dụng hỗn hợp không có chức năng ở (thông thường được quy hoạch tại các khu đất hiện trạng của các cơ sở, nhà máy sản xuất cần phải di dời) thì không thực hiện các dự án phát triển nhà ở, kể cả nhà ở riêng lẻ, do không phù hợp quy hoạch.

2- Bạn đọc Vinh Nguyễn, email: vinhnv2009@gmail.com, hỏi: “Tuyến nối Phạm Văn Đồng - giao lộ Gò Dưa đã được động thổ từ 3-11-2015. Cách nay 8 tháng, Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức đã ban hành thông báo thu hồi đất cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa được duyệt giá bồi thường đất và chưa có quyết định thu hồi đất. Xin hỏi dự án tuyến đường này có thay đổi gì không? Bao giờ thì chúng tôi được bồi thường và di dời?”.

° Trả lời: Tuyến nối Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 là một phần của tuyến đường Vành đai 2, có lộ giới quy hoạch 67m và được UBND TPHCM phê duyệt tại Quyết định số 5305 ngày 20-10-2015. Hiện nay, tuyến nối Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - quốc lộ 1 đang được triển khai bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng.

Về bồi thường và giải phóng mặt bằng, hiện do Ban bồi thường giải phóng mặt bằng quận Thủ Đức thực hiện. Sở Quy hoạch - Kiến trúc đề nghị ông liên hệ cơ quan trên để được trả lời cụ thể.

Tin cùng chuyên mục