Giai điệu mùa thu 2017: Điểm sáng nghệ thuật hàn lâm

Liên hoan Giai điệu mùa thu diễn ra hai năm một lần đã trở thành không gian nghệ thuật chất lượng được chờ đón.
Vở múa Đi qua tình yêu sẽ trình diễn trong Liên hoan Giai điệu mùa thu 2017
Vở múa Đi qua tình yêu sẽ trình diễn trong Liên hoan Giai điệu mùa thu 2017

Năm nay, chương trình sẽ chính thức trở lại từ ngày 19 đến hết ngày 27-8 tại Nhà hát Thành phố với sự đổi mới, quy tụ hàng trăm nghệ sĩ tài năng trong nước và quốc tế.

Nhiều “món ngon”

Với hàng chục chương trình chất lượng nghệ thuật cao và tính chắt lọc tinh hoa trải đều trên cả 3 lĩnh vực: nhạc kịch (opera), hòa nhạc thính phòng, giao hưởng và múa đương đại, Giai điệu mùa thu có thể xem là điểm sáng hiếm hoi thu hút sự quan tâm của công chúng giữa thời buổi giải trí truyền hình chiếm lĩnh, còn các chương trình nghệ thuật hàn lâm đỉnh cao ngày càng vắng bóng.

Mở màn Giai điệu mùa thu 2017, khán giả sẽ được thưởng thức Con dơi - vở opera nổi tiếng nhất và được ca ngợi nhiều nhất của nhạc sĩ thiên tài J. Strauss II với sự hợp tác giữa Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM (HBSO) với Viện Goethe Việt Nam, dưới chỉ đạo của đạo diễn quốc tế người Đức David Hermann, chỉ huy dàn nhạc Askan Siegfried Geisler, dàn dựng hợp xướng - chỉ huy Trần Nhật Minh. Là tác phẩm thuộc hàng kinh điển, nhạc kịch Con dơi xứng đáng mở đầu cho Liên hoan Giai điệu mùa thu 2017. Vở nhạc kịch sẽ trình diễn trong hai đêm 19 và 20-8.

Ở địa hạt thính phòng, sự tham gia của dàn nhạc International Chamber Players, quy tụ những nhạc công chuyên nghiệp của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam và quốc tế, là một bảo chứng chất lượng cho chương trình. International Chamber Players sẽ ra mắt chùm tác phẩm nhạc thính phòng của các nhà soạn nhạc Pháp, gồm Gabriel Fauré (Piano Quintet No. 1 cung Rê thứ, Op. 89 (1890-94), Claude Debussy (Sonata viết cho Violin và Piano cung Sol thứ, L 140 (1917), Ernest Chausson (Concert cho Piano, Violin và tứ tấu dây Rê trưởng, Op. 21) được trình diễn đêm 23-8.

Tiếp đó là sự tham gia diễn tấu đặc biệt của nghệ sĩ violin nổi tiếng Việt Nam Bùi Công Duy và Vũ Việt Chương trong Tám mùa, kiệt tác của A. Vivaldi và Bốn mùa ở Buenos Aires của A.Piazzolla, một trong những nhà soạn nhạc quan trọng nhất thế kỷ 20, người đã có công đưa tango ra khỏi phạm vi đường phố để trở thành một phần nhạc mục của các khán phòng kinh điển.

Với sinh hoạt đều đặn và cọ xát thật sự với môi trường quốc tế, guitar cổ điển tại TPHCM và nghệ sĩ Nguyễn Thanh Huy đang bước vào một giai đoạn sung sức, khi các sáng tác sẽ ra mắt công chúng trong đợt này không còn gói gọn với những bản chuyển soạn cho guitar cổ điển quen thuộc mà đã mở rộng kết hợp lĩnh xướng với flute (nghệ sĩ Anton Isselhadt đến từ Đức và Pongpat Pongpradit đến từ Thái Lan) cũng như danh mục tác phẩm mang tính mẫu mực của các nhà soạn nhạc thuộc nhiều giai đoạn, từ Claude Debussy, Camile St-Saens đến Ariel Ramirez, Patrick Roux và Tchaikovsky trong chương trình buổi chiều ngày 25-8.

Ở lĩnh vực múa đương đại, tác phẩm Đi qua tình yêu của bộ đôi biên đạo Nguyễn Phúc Hùng và Nguyễn Phúc Hải sau nhiều kỳ ra mắt ấn tượng, sẽ là một phần không thể thiếu trong mảng thị giác của liên hoan với sự tham gia của các tài năng múa như Trần Hoàng Yến, Nguyễn Thu Trang, Phan Thái Bình, Sùng A Lùng, diễn ra vào ngày 26-8.

Hướng đến những thay đổi tích cực

Điểm nhấn của đêm 25-8 cũng là của toàn liên hoan lần này nằm ở gala concert Hành trình châu Âu: Con người và cảnh vật với chùm các tác phẩm lần đầu công diễn tại Việt Nam quy tụ sáng tác của những nhà soạn nhạc đến từ khắp châu Âu, các đại thụ như Wagner, M. Bruch (Đức), Antonín Dvořák (CH Czech), F. Liszt (Hungary), S. Rachmaninoff, M. Glinka (Nga), J. Hummel (Áo), các tác giả cận đại và đương đại như S. Nichifor (Romania), Peter Warlock (Anh), Christoph Rolfes (Đức).

Không chỉ là những gạch đầu dòng theo từng quốc gia, sự đa dạng trong âm sắc và chủ đề trong từng giai đoạn sáng tác, trong cấu trúc và tính đa văn hóa nhưng cũng mang những nét riêng đặc thù của châu Âu là yếu tố khiến Hành trình châu Âu: Con người và cảnh vật trở thành dấu ấn quan trọng được chờ đợi của Giai điệu mùa thu 2017.

Liên hoan sẽ kết thúc bằng chương trình Đêm nhạc giao hưởng (27-8) với bộ 3 tác phẩm giao hưởng Double Concerto cho Violin và Violoncello cung La thứ, Op. 102, Vltava (The Moldau) của Bedřich Smetana và Capriccio Italien của Tchaikovsky, với sự tham gia của cello lừng danh Ulrich Horn (Đức) cùng dàn nhạc.

Ulrich Horn là một trong những nghệ sĩ đẳng cấp nhất tại liên hoan năm nay, với bề dày và thành tích biểu diễn suốt 20 năm cùng những dàn nhạc, nhạc trưởng nổi tiếng nhất thế giới tại nhiều quốc gia trên thế giới. Bản thân 3 tác phẩm tuyển chọn cũng là những mẫu mực trong diễn tấu, càng được chờ đợi qua tài năng chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi trở về từ Macedonia.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia liên hoan lần này được kỳ vọng không chỉ dừng lại ở những chương trình thuần túy làm phong phú hơn đời sống thưởng thức và tinh thần của công chúng hay mang tính giao lưu văn hóa đa phương, mà còn hướng đến những thay đổi đích thực trong tư duy tuyển chọn tác phẩm, khả năng hợp tác và cả những phương thức tiếp cận cũng như trải nghiệm sâu hơn từ phía công chúng.

Tin cùng chuyên mục