Giải ngân vốn đầu tư công của các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chậm

Ngày 25-7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia, đã chủ trì phiên họp đánh giá kết quả triển khai nhiệm vụ trong 6 tháng đầu năm 2019 và kế hoạch thực hiện từ nay tới cuối năm. 
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp. Ảnh: VGP

Thông tin tại đây cho thấy, theo kế hoạch triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020, cả nước phải có 50% tổng số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (NTM) vào năm 2020, nhưng tới hết tháng 6-2019, đã có 50,1% tổng số xã đạt chuẩn, trước 18 tháng so với yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.

Hiện cả nước đã có 5.458 xã đạt chuẩn xã NTM với 19 tiêu chí cụ thể; 82/644 đơn vị cấp huyện thuộc 36 tỉnh thành đạt chuẩn huyện NTM. Nợ đọng trong xây dựng NTM đã được xử lý dứt điểm và hoàn thành tiến độ theo yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chương trình NTM của một số địa phương, vùng còn chậm và thấp hơn đáng kể so với mặt bằng chung của cả nước.

Khoảng cách chênh lệch khá lớn về kết quả thực hiện giữa các vùng, miền, cụ thể: Vùng đồng bằng sông Hồng (82,74%), Đông Nam bộ (70%), miền núi phía Bắc (26,45%), Tây Nguyên (37,73%), ĐBSCL (42,77%), duyên hải Nam Trung bộ (45,82%). Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn ngân sách Trung ương năm 2019 còn chậm.

Đến hết tháng 6-2019, tỷ lệ giải ngân đạt trên 35%, trong đó tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư phát triển mới đạt khoảng 24% so với kế hoạch. Có thể thấy, trong Chương trình mục tiêu quốc gia thì Chương trình xây dựng NTM đạt được nhiều kết quả tích cực.

Về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong năm 2019, hộ nghèo dự kiến sẽ giảm xuống còn 4,5%, đạt yêu cầu của Quốc hội. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm nghèo chưa bền vững, vì ngoài tỷ lệ tái nghèo thì tỷ lệ phát sinh hộ nghèo cao, lên tới 17,8% trong năm 2018. Chênh lệch giàu nghèo chưa chuyển biến, năm 2014 khoảng cách thu nhập giữa hộ giàu và nghèo là 9,7 lần và năm 2018 đã tăng lên 10 lần.

Đáng chú ý là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của các Chương trình mục tiêu quốc gia vẫn chậm, mới được 23% kế hoạch năm 2019 và không đồng đều cho cả nước. Cá biệt có 5 địa phương chưa giải ngân được một đồng vốn nào là Cà Mau, Khánh Hòa, Hòa Bình, Quảng Ninh và Đắk Nông và 6 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% là Thái Bình, Tiền Giang, Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên, Gia Lai. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư chậm là do thủ tục giao vốn chậm, năng lực ban quản lý dự án ở địa phương yếu. 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ ra một số tồn tại như tỷ lệ các xã thôn bản thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn rất thấp, mới có 44/292 xã, nhiều khả năng không đạt mục tiêu đề ra cho năm 2019-2020. Chưa thể xóa hộ nghèo là người có công trong năm 2019. Vấn đề giải ngân chậm trong các chương trình mục tiêu quốc gia cũng gây cản trở tới ý nghĩa an sinh xã hội rất lớn của chương trình tới người dân, nhất là ở các vùng khó khăn.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công liên quan tới các chương trình này. Ngân hàng Nhà nước chủ trì, chỉ đạo Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp với các bộ, ngành đề xuất khung khổ thể chế về tín dụng chính sách từ nay đến năm 2020 và 5 năm tiếp theo, nâng tỷ lệ tăng trưởng tính dụng cho các chương trình mục tiêu quốc gia trên nguyên tắc không làm tăng cấp bù, mà cơ bản trên cơ sở huy động tín dụng xã hội, quay vòng vốn. 

Tin cùng chuyên mục