Giải pháp chống sa mạc hóa

Từ ngày 2-9, Hội nghị các bên tham gia công ước chống sa mạc hóa lần thứ 14 (COP14) diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ, với mục tiêu chính là bàn giải pháp chống tình trạng sa mạc hóa đang đe dọa đến cuộc sống của hơn 1 tỷ người dân trên thế giới. 

Theo nước chủ nhà, hội nghị sẽ tập trung vào 3 vấn đề chính. Đó là: phục hồi hàng tỷ hécta đất suy thoái trong vòng 10 năm; dự kiến thông qua tuyên bố New Delhi liên quan đến vấn đề sa mạc hóa; thiết lập trung tâm mới tại Viện Nghiên cứu về rừng. Tham gia hội nghị lần này có 3.000 đại diện đến từ hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ cùng các tổ chức quốc tế, cộng đồng khoa học và nghiên cứu.

Kéo dài đến ngày 13-9, hội nghị được kỳ vọng sẽ sớm đưa ra những giải pháp chống sa mạc hóa để giải quyết tình trạng diện tích đất canh tác đang ngày càng bị thu hẹp dưới tác động biến đổi khí hậu, bởi đây là một trong những thách thức lớn mà nhân loại phải đối mặt. Theo thống kê của Liên hiệp quốc, tình trạng sa mạc hóa đang gia tăng với tốc độ báo động, gấp đôi so với những năm 1970. Ước tính 10% - 20% đất khô trên thế giới đã bị sa mạc hóa. Theo tính toán, đến năm 2025 sẽ có 2/3 diện tích đất canh tác ở châu Phi, 1/3 diện tích đất canh tác ở châu Á và 1/5 diện tích đất canh tác ở Nam Mỹ không còn sử dụng được.

Diễn ra vào thời điểm các vụ cháy rừng Amazon đang được xem là thảm họa thế giới, hội nghị đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Cảnh báo từ giới chuyên gia khí hậu cho biết, hậu quả của cháy rừng Amazon làm nhiệt độ toàn cầu tăng lên 0,1 - 0,20C và tăng thêm nhân tố tác động tiêu cực tới môi trường, gây hạn hán kéo dài, bởi hệ sinh thái vùng Amazon có tầm quan trọng đối với khí hậu trên toàn thế giới, ảnh hưởng đến lượng mưa và gió. Trước thời điểm diễn ra vụ cháy rừng, cộng đồng quốc tế nhiều lần lên án chính sách biến rừng Amazon thành nơi khai thác mỏ và trồng trọt của Tổng thống Brazil Bolsonaro, do lo ngại rằng chính sách này sẽ khiến “lá phổi xanh” toàn cầu bị sa mạc hóa.

Báo cáo đánh giá về biến đổi khí hậu và sử dụng đất được công bố gần đây của Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) - một cơ quan của LHQ, đã cảnh báo, nếu không hạn chế được lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính, chấm dứt việc canh tác không bền vững và phá rừng, trong những thập niên tới, con người sẽ phải đối mặt với việc đánh đổi giữa an ninh lương thực và tăng nhiệt độ toàn cầu. Canh tác sử dụng ít hóa chất hơn và bảo vệ rừng đang được coi là một trong những biện pháp mà con người sử dụng đất đai thông minh, nhằm kiềm chế tình trạng nóng lên trên toàn cầu.

Theo IPCC, nỗ lực hạn chế sự nóng lên của trái đất và nuôi sống một lượng lớn dân số có thể bị hủy hoại nếu con người không nhanh chóng thay đổi cách thức sử dụng đất. Sử dụng đất không hợp lý có thể khiến chi phí gia tăng và khiến các nước gặp khó hơn trong việc đạt được mục tiêu kiềm chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 20C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Việc chặt, phá rừng để lấy đất canh tác, chăn nuôi còn là một trong những yếu tố chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu, chiếm tới 15%-20% lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính toàn cầu. Trong khi đó, đất đai và tài nguyên cung cấp thực phẩm cũng đang bị ảnh hưởng lớn từ thực trạng trái đất ấm lên. Chính vì vậy, chính phủ các nước cần nhận ra vai trò của sinh thái học nông nghiệp trong việc đảm bảo an ninh lương thực lâu dài và bắt đầu thay đổi các chính sách, đơn cử như việc hủy bỏ hỗ trợ cho ngành phân bón.

Tin cùng chuyên mục