Giải pháp để đại học tự chủ hoàn toàn - Bài 2: Không còn cơ quan chủ quản

Những kết quả của việc thí điểm tự chủ, cụ thể là 23 trường đại học (ĐH) được tự chủ cho đến nay là chất xúc tác mạnh, tạo động lực cho toàn hệ thống giáo dục đại học (GDĐH) phát triển.  

Tuy nhiên, điều đáng nói là nỗ lực đột phá từ các trường ĐH không chưa đủ mà cần có sự thay đổi từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị thì lúc đó hệ thống GDĐH mới thật sự lột xác để vươn mình mạnh mẽ.  

Cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm của nhiều trường được đầu tư tốt hơn khi thực hiện tự chủ
 Ngổn ngang rào cản

  
Hết thời hạn thí điểm từ năm 2017 đến nay nhưng cơ quan quản lý nhà nước vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể về việc chuyển tiếp từ giai đoạn thí điểm sang giai đoạn chính thức thực hiện hoặc tiếp tục kéo dài thời gian thí điểm. 

Các điều khoản cụ thể hóa quyền tự chủ trong Luật Giáo dục ĐH và các văn bản pháp luật cho thấy tự chủ ĐH phần lớn chỉ ở mức độ tự chủ thủ tục, khá hạn chế. Một vấn đề khác là cơ chế “cơ quan chủ quản” với sự can thiệp vào các vấn đề tự chủ, đặc biệt là bộ máy quản lý, nhân sự và đầu tư của nhà trường, làm cho quyền tự chủ của các trường ĐH bị lu mờ. 

PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, cho rằng: Các trường thí điểm tự chủ hiện nay còn vướng nhất đó là các cơ chế chính sách, luật không theo kịp. Những trường thí điểm tự chủ vẫn chủ yếu dựa vào nguồn học phí, nhưng nếu học phí càng tăng thì gánh nặng sẽ đè lên vai phụ huynh, sinh viên. Trong khi đó, tín dụng cho sinh viên (vay vốn để học) thì chưa điều chỉnh cho phù hợp. Nhiều trường sử dụng tiền của trường để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị phục vụ đào tạo, nghiên cứu vẫn phải xin phép. 

Nhìn vào thực tế, trong tổng số 235 trường ĐH hiện nay có đến gần 80% các trường thuộc các bộ, ngành, tổ chức khác là cơ quan chủ quản và lệ thuộc hoàn toàn vào sự quản lý của các bộ, ngành. Do đó, chúng ta phải gỡ bỏ cơ chế bộ chủ quản vì có quá nhiều quy định “trói” không cho các trường quyết định về vấn đề nhân sự, can thiệp quá nhiều vào chủ trương phát triển của trường. Xóa cơ chế chủ quản không có nghĩa là xóa sự quản lý của Nhà nước mà là xóa cơ chế quản lý “mệnh lệnh” hành chính từ các bộ, ngành, không can thiệp vào công việc của nhà trường trong đầu tư, tổ chức cán bộ, định hướng đào tạo. 

Thực tế, hoạt động tự chủ ĐH của các trường ĐH đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của Luật Giáo dục, Luật Giáo dục ĐH, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo hiểm xã hội và các luật về thuế, tài chính; các nghị định của Chính phủ, Điều lệ trường ĐH và rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các trường đều nhận thấy, dù đã có rất nhiều văn bản cởi trói cho các trường được “thí điểm tự chủ”, nhưng tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi luật, đặc biệt là Luật Giáo dục ĐH, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học Công nghệ… Do đó, cơ sở pháp lý về tự chủ ĐH chưa vững chắc và thiếu đồng bộ, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn có những quy định chưa phù hợp đối với quá trình vận hành của các trường ĐH theo hướng tự chủ. Bên cạnh đó, một số văn bản quy định còn thiếu tính cụ thể, rõ ràng dẫn đến khó khăn khi triển khai.

Phải thoát cơ quan chủ quản

Nhìn vào thực tế từ các trường ĐH tự chủ cho thấy họ là những đơn vị công lập thuộc sở hữu nhà nước, họ hoàn toàn tự chủ nên cho dù của cải, tài sản hữu hình và vô hình họ làm ra là cũng của Nhà nước chứ không phải của ông hiệu trưởng hay của hội đồng quản trị nào. Vậy tại sao chúng ta không phân biệt giữa sở hữu và quản lý hành chính nhà nước. Sự tồn tại của cơ quan quản lý nhà nước nặng nề cơ chế giám sát, chuyên môn, học thuật, nhân sự tài chính… đã biến quản lý sở hữu trở thành quản lý hành chính. Tức là họ vừa đóng vai trò quản lý sở hữu nhà nước đối với các trường nhưng đồng thời lại đóng vai trò cơ quan chủ quản về hành chính. Điều này dẫn đến kết quả là hội đồng trường (HĐT) thay mặt họ thực hiện quản lý sở hữu nhưng thực chất HĐT lại không có thực quyền. Bởi vì cơ quan chủ quản là cơ quan trực tiếp can thiệp. 

TS Nguyễn Ngọc Sơn, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho rằng: “Tinh thần Nghị quyết 19 của Hội nghị Trung ương 6 nêu rất rõ là khuyến khích các đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các trường ĐH) vận hành như doanh nghiệp. Nếu một doanh nghiệp nhà nước lẫn lộn giữa quản lý hành chính và sở hữu thì rất khó phát triển. Ngược lại nếu một đơn vị nhà nước được tách bạch giữa quản lý hành chính và quản lý sở hữu thì rất thuận lợi để phát triển. Chính vì vậy, Nghị quyết Trung ương 6 có một tư tưởng rất đúng đó là cơ quan chủ quản chuyển sang quản lý hành chính theo mô hình doanh nghiệp. Vì vậy, HĐT chính là cánh tay nối dài của các cơ quan sở hữu, đại diện sở hữu. Họ sẽ thực hiện quyền sở hữu thay cho cơ quan chủ quản. Nếu HĐT nào làm không đúng thì cơ quản chủ quản thay thế nhân sự”. 

Vậy nỗi lo sẽ xuất hiện: ai là người giám sát khi không còn cơ quan chủ quản? Nếu không có người giám sát thì các trường sẽ lộng quyền. Theo TS Nguyễn Ngọc Sơn: Luật Kiểm toán Nhà nước sẽ kiểm toán 3 nội dung: kiểm toán tài chính, kiểm toán thể chế, kiểm toán tuân thủ pháp luật; khi thực hiện kiểm toán họ sẽ làm rất chặt chẽ, không tài nào thoát được. Điều đó cho thấy Nhà nước quản lý thông qua các cơ quan chuyên môn. Bởi thực tế ngay cả cơ quan chủ quản cũng không có chuyên môn về kiểm toán. Do đó, cần gì “một người” không biết gì hay không xuất sắc về tài chính lại kiểm soát tài chính trong khi đó họ vẫn phải chịu kiểm soát bởi một cơ quan chuyên kiểm soát về tài chính. Về mặt công sản (tài sản công) thì đã có Cục Công sản kiểm soát nên không dễ gì mà mất tiền của Nhà nước. 

Về chuyên môn, học thuật thì đã có sự quản lý của Bộ GD-ĐT. Các trường của các bộ, ngành vẫn phải chịu sự quản lý về giáo dục - đào tạo của Bộ GD-ĐT. Rõ ràng, chúng ta vẫn đang duy trì thêm một cơ quan quản lý hành chính nặng nề cho các trường. Như vậy, khi bỏ cơ quan chủ quản không có nghĩa là bỏ luôn việc giám sát mà là chuyên môn hóa giám sát. Do đó, bỏ cơ quan chủ quản là chấm dứt cơ chế quản lý hành chính và chuyển sang cơ chế quản lý đại diện trên tinh thần Nghị quyết 19 theo mô hình quản trị doanh nghiệp. 

Nếu làm đúng tinh thần Nghị quyết 19 là “không áp dụng cơ chế chủ quản” thì tại sao chúng ta lại phải chỉ định và chọn lựa như cách mà Bộ GD-ĐT chọn 3 trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Kinh tế TPHCM. Thay vào đó, chúng ta phải để các trường mạnh dạn đăng ký thực hiện như tinh thần Nghị quyết 77, trường nào có đề án xin thí điểm tự chủ thì Chính phủ có quyết định ngay. Và thực tế có rất nhiều trường muốn xin không áp dụng cơ chế cơ quan chủ quản. 

Các trường cần cơ chế 

Thực tế cho thấy, các trường ĐH không thể dựa và trông chờ vào nguồn ngân sách. Không mạnh dạn tự chủ thì ĐH không thể nào phát triển và theo kịp sự phát triển của giáo dục toàn cầu. 

GS Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng - một trong những trường ĐH được thí điểm tự chủ từ Nghị quyết 77, khẳng định: Khó có một quốc gia nào có thể bao cấp toàn bộ cho giáo dục ĐH mà bản thân các trường phải mạnh dạn tự chủ. Trong bối cảnh hiện nay mà đòi hỏi phải tăng ngân sách thì không thể. Do đó không còn cách nào khác là phải cho cơ chế. Khi có cơ chế, chủ trương thì hệ thống các văn bản phải thay đổi. Thực tế hiện nay nhiều trường được thí điểm tự chủ còn quá nhiều rào cản bởi các văn bản, quy định của các bộ, ngành. Khi có cơ chế, chủ trương thì Chính phủ cũng phải chỉ đạo quyết liệt để các bộ ngành thực hiện chứ đừng cho cơ chế rồi để tự thân các trường mò mẫm thực hiện và phải “xin - cho” ở các bộ, ngành thì không ai dám làm. 

Do đó, giải pháp “người sử dụng trả tiền” (nghĩa là học phí phải tăng) nếu các trường ĐH công muốn duy trì được tài chính để đảm bảo chất lượng. Tuy nhiên, vì lý do công bằng, Nhà nước phải đưa ra nhiều loại học bổng và các khoản tín dụng để hỗ trợ những sinh viên có năng lực nhưng cần giúp đỡ về tài chính để có thể theo học, đồng thời xây dựng lộ trình hoàn vốn sau khi người học ra trường. Với thực tế hiện nay thì ĐH Việt Nam có 2 phương án, đó là thay đổi chính sách học phí theo hướng tăng học phí hoặc cho các trường tự chủ hoàn toàn thì mới thực hiện được tham vọng cải thiện chất lượng giáo dục ĐH. 

Nhìn dưới góc độ tài chính cho ĐH, GS Phạm Phụ (Trường ĐH Bách khoa TPHCM - ĐH Quốc gia TPHCM) cho rằng: Để có nguồn nhân lực trình độ cao có chất lượng trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, không thể không có cải cách tài chính trong giáo dục ĐH. Và cải cách tài chính giáo dục ĐH phải giải quyết 3 vấn đề: chi phí đào tạo cho một sinh viên/năm; chia sẻ chi phí đào tạo; làm thế nào để đảm bảo công bằng xã hội. Trong suốt mấy thập kỷ qua, cải cách tài chính luôn là một trong 3 mảng ưu tiên hàng đầu trong cải cách giáo dục ĐH trên thế giới. Để đảm bảo khả năng cạnh tranh của nền giáo dục trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế cũng như cạnh tranh về nguồn nhân lực ĐH, trước tiên là bài toán chi phí đào tạo bình quân cho 1 sinh viên trong 1 năm (chi phí đơn vị - CPĐV). Ở Việt Nam hiện nay, theo ước tính từ báo cáo của Bộ GD - ĐT cũng như qua khảo sát thực tế, CPĐV bình quân/sinh viên/năm (tính cả khấu hao cho cơ sở vật chất), khoảng 12 - 15 triệu đồng/năm, tương đương 600 - 700USD. So sánh các yếu tố, vị giáo sư này tính toán mức chi phí hợp lý phải cần đến khoảng 1.600 - 1.700 USD/sinh viên/năm, nghĩa là phải hơn gấp đôi con số hiện nay.
 
Khi cơ sở GDĐH công lập tự chủ được quản trị như doanh nghiệp, thì nó được quản trị như cơ sở GDĐH tư thục, không còn cơ quan chủ quản, HĐT mới thực sự là cơ quan quyền lực. Do đó, nếu làm đúng chỉ đạo của Nghị quyết 19 thì Ban soạn thảo phải mạnh dạn đưa vào nội dung “bỏ cơ chế chủ quản” đối với cơ sở GDĐH công lập tự chủ. Làm như vậy thì HĐT mới thực sự có thực quyền và phát huy hiệu quả. Lúc này, hiệu trưởng chỉ còn 1 cấp quản lý duy nhất là HĐT chứ không phải chịu đựng cảnh 2 cấp quản lý như hiện nay là vừa HĐT vừa cơ quan chủ quản.

Nhóm khảo sát 23 trường thí điểm tự chủ đã kiến nghị 21 giải pháp đối với Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các trường ĐH. Cụ thể, Chính phủ cần kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư chỉ đạo bộ, ngành lập tức điều chỉnh và thực hiện các văn bản dưới luật theo đúng tinh thần của Nghị quyết 29 và Nghị quyết 77 của Chính phủ, để không còn tình trạng triển khai nghị quyết mới, nhưng vẫn làm theo cách cũ; đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Giáo dục ĐH và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành sau khi luật sửa đổi; nhanh chóng ban hành Nghị định về tự chủ ĐH mới, thay thế cho Nghị quyết 77… Đối với các cơ sở GDĐH đang thí điểm tự chủ, nên kéo dài thời gian thí điểm và sau đó sẽ chuyển sang giai đoạn chính thức tự chủ; xem xét xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản và cơ chế xin cấp phép về công tác chuyên môn, nhân sự, tài chính; thí điểm xóa bỏ cơ chế cơ quan chủ quản đối với một số trường đang thí điểm tự chủ. 
Đối với Bộ GD-ĐT, hoàn thiện, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tự chủ ĐH, nhằm tạo hành lang pháp lý cho các trường có đầy đủ điều kiện phát triển bền vững; có chế tài liên quan tới việc thành lập HĐT; hoàn thành và công bố kết quả xếp hạng các trường ĐH trong cả nước để xã hội và người học có điều kiện đánh giá được uy tín và chất lượng của các trường ĐH, từ đó sẽ đồng thuận với mức học phí của từng hạng trường.

Tin cùng chuyên mục