Giải pháp nào cho… fintech?

Chính phủ liên tục kêu gọi, ban hành nhiều văn bản hướng nền kinh tế tới thanh toán không dùng tiền mặt, áp dụng công nghệ tài chính (fintech)… nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển thương mại điện tử trong thời đại công nghệ số và minh bạch nền tài chính. Thế nhưng, nền tảng phát triển lĩnh vực này chưa được thiết lập chặt chẽ: pháp luật chưa rõ ràng, công nghệ không được đầu tư, mạnh ai nấy làm và rủi ro rình rập…
Tiền trang ví thanh toán của khách hàng Grab đã từng bị “mắc kẹt”. Ảnh: THÀNH TRÍ
Tiền trang ví thanh toán của khách hàng Grab đã từng bị “mắc kẹt”. Ảnh: THÀNH TRÍ

Đủ loại ví thật - giả, khách hàng hoang mang

Công nghệ tài chính trong đó bao gồm các ví thanh toán điện tử đang phát triển ào ạt ở Việt Nam. Trong khi ở các nước hoạt động này đã được luật hóa và đi trước rất xa, thế nhưng ở Việt Nam đến giờ vẫn chưa rõ ràng. Trước đây, phần mềm vận tải Grab đã tự tạo ví thanh toán cho mình với nhiều ưu đãi, khuyến mãi để thu hút khách tham gia sử dụng. Khách bỏ tiền vào ví, sẽ thanh toán dần cho các chuyến đi và được hưởng khuyến mãi giá rẻ… Thế nhưng, Ngân hàng Nhà nước đã “thổi còi” vì ví này không được phép thành lập. Thế là số tiền của khách hàng đã bị “mắc kẹt” một thời gian dài, Grab loay hoay không biết trả lại cho khách hàng thế nào, nếu chuyển khoản thì tốn phí vì số tiền mỗi khách hàng còn tồn không lớn.

Mặc dù các ví điện tử chỉ giữ của mỗi khách hàng vài trăm ngàn đồng, hoặc vài triệu đồng, nhưng với hàng triệu khách hàng thì đó là số tiền không nhỏ. Thậm chí, sau khi tính toán tỷ lệ biến động trong tổng số tiền, chủ ví chỉ cần rút ra để gửi tiết kiệm hoặc đầu tư cũng đã thu lợi nhuận khủng. Tuy nhiên, vấn đề là nếu không quản lý chặt thì khi ví lừa đảo, khách hàng sẽ mất tiền. Do vậy, Việt Nam chỉ cho phép các công ty tài chính mới được mở ví thanh toán điện tử. Nhưng hiện trên thị trường có rất nhiều ví thanh toán, nếu như năm 2016 cả nước mới có 40 công ty fintech, thì đến nay số lượng các công ty fintech đã tăng lên gần 100 công ty. Dự báo, giá trị giao dịch của thị trường fintech Việt Nam sẽ tăng từ 4,4 tỷ USD (2017) lên 7,8 tỷ USD vào năm 2020. Không những thế, các trang web làm công cụ thanh toán trung gian như kết nối người cho vay nợ với người có nhu cầu vay nợ cũng hoạt động công khai trên thị trường mà người dân thì mù mờ không biết trang nào thật, trang nào giả; trang nào hợp pháp, trang nào không. Luật cũng không quy định rõ ràng. Từ đó đặt ra vấn đề, có hay không cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Thông tin - Truyền thông, Bộ Công an “lơ” cho những trang không chính thức của người thân thiết, chạy chọt được hoạt động. Và câu hỏi là tại sao Ngân hàng Nhà nước không công khai rộng rãi tổ chức nào là hợp pháp, sản phẩm nào, ví thanh toán nào hợp pháp để người dân biết và an tâm sử dụng?!

Rủi ro rình rập

Khi fintech phát triển rầm rộ cũng đã hàm chứa nhiều rủi ro cho các chủ thể tham gia thị trường tài chính và thách thức đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho biết, đó là tình trạng khách hàng có nguy cơ rò rỉ thông tin cá nhân, bảo mật thông tin tài chính. Còn đối với ngân hàng, fintech đem đến nhiều rủi ro về thay đổi chiến lược kinh doanh do công nghệ mới và mô hình kinh doanh mới, rủi ro hoạt động do phụ thuộc vào bên thứ ba cung cấp các dịch vụ như dữ liệu… Đối với các cơ quan quản lý nhà nước, sự phát triển nhanh, mạnh của fintech đem đến thách thức lớn trong việc giám sát, phòng chống rửa tiền, hay các rủi ro thanh khoản, rủi ro tín dụng với các sản phẩm fintech, bảo vệ người tiêu dùng…

Trong khi đó, khuôn khổ pháp lý cho fintech ở Việt Nam còn rất sơ khai. Hầu như chưa có khuôn khổ pháp lý quy định rõ về mô hình hoạt động, địa vị pháp lý, các điều kiện thành lập và hoạt động của công ty fintech, về bản chất sản phẩm, dịch vụ, các tiêu chuẩn của sản phẩm, dịch vụ, hay các quy định về bảo vệ người tiêu dùng sản phẩm tài chính, bảo vệ thông tin cá nhân… Đã vậy, theo dự báo của Hãng nghiên cứu Juniper Research (Mỹ), gian lận trong thanh toán dự kiến sẽ gây thiệt hại 130 tỷ USD cho các nhà bán lẻ trên thế giới trong 5 năm tới. Bởi, đi cùng cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thì lừa đảo trong lĩnh vực tài chính là vấn đề đáng lo ngại. Trong nền công nghệ “số” thì dữ liệu là quan trọng nhất, nhưng khách hàng thường ít chú ý hoặc chưa có ý thức bảo mật. 

Khi có dữ liệu lớn (Big Data) kết hợp với trí thông minh nhân tạo (AI) đã mở ra những cơ hội kinh doanh mới trên toàn cầu. Điều đó cũng kéo theo tội phạm mạng ngày càng tinh vi hơn, mặc dù thế giới đã áp dụng các công nghệ như chip EMV, Tokenization (mã hóa bảo mật tài khoản), Biometric (sinh trắc học), AI và phân tích dữ liệu... để đối phó, nhưng ở Việt Nam công nghệ này chưa cao lại phụ thuộc vào năng lực tài chính để đầu tư ở từng đơn vị. Do vậy, theo các chuyên gia, bảo mật thanh toán ở Việt Nam cũng cần đi theo xu hướng chung của thế giới tăng khả năng ứng dụng công nghệ sinh trắc học. Thế nhưng, về phía các ngân hàng thì gặp khó khăn ở vấn đề kinh phí đầu tư và hiện nay kinh phí chính là rào cản lớn trong phát triển fintech ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục