Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải

Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) vừa phối hợp với Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh TPHCM, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) tổ chức hội thảo “Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải - Phương án khả thi cho doanh nghiệp”. 

Hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp tham dự sự kiện đều khẳng định về tầm quan trọng, tính hiệu quả của các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại nêu trên.

Theo TS Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC, nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. Chính vì vậy, các doanh nghiệp cũng đã có phần quan tâm đến những phương thức giải quyết tranh chấp ngoài tòa án. VIAC có khả năng cung cấp các dịch vụ giải quyết tranh chấp hiệu quả cho cộng đồng doanh nghiệp, tiên phong trong việc quảng bá phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài và hòa giải; chủ động xây dựng mới quy tắc hòa giải, đảm bảo tuân thủ Nghị định 22/2017/NĐ-CP của Chính phủ…

Ông Nguyễn Đình Tiến, Phó Chánh tòa Tòa Kinh tế - Tòa án nhân dân TP Hà Nội, thông tin: “Luật Trọng tài thương mại 2010 đã có hiệu lực từ ngày 1-1-2011 với các quy định về vai trò hỗ trợ của tòa án đối với tố tụng trọng tài. Tuy vậy, các quy định của luật thực sự chỉ được hiểu một cách nhất quán và đầy đủ khi Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao ban hành Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20-3-2014 về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật Trọng tài thương mại. Có thể nói, việc thực thi nghị quyết trên đã góp phần đảm bảo tính đúng đắn các quyết định của tòa án đối với hoạt động của trọng tài, góp phần ổn định, lành mạnh hóa môi trường kinh doanh đầu tư tại Việt Nam, đặt niềm tin cho nhà đầu tư quốc tế và các giao dịch thương mại quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam”. 

Đối với hòa giải thương mại ngoài tòa án, ông Nguyễn Đình Tiến cho biết, đây là loại hình hòa giải hiệu quả ở nhiều nước trên thế giới. Một số quốc gia lựa chọn cùng lúc 3 loại hình hòa giải, gồm: hòa giải tại tòa án thương mại quốc tế, trọng tài thương mại quốc tế, trung tâm hòa giải thương mại quốc tế, hoặc các trung tâm hòa giải thương mại được hình thành bên cạnh các tổ chức tòa án và trọng tài (có ở Singapore, Hàn Quốc, Anh, Mỹ…). Ngoài việc đáp ứng các đòi hỏi về giải quyết tranh chấp đã xảy ra hoặc sẽ xảy ra, hòa giải thương mại ngoài tòa án góp phần tích cực trong việc giảm tải số vụ việc tại các cơ quan tòa án và trọng tài. Kết quả hòa giải thành phụ thuộc đầu tiên vào chất lượng của đơn vị cung cấp dịch vụ hòa giải, đạo đức của hòa giải viên, sự ủng hộ của tòa án với việc công nhận kết quả hòa giải thành. Hòa giải viên cần có trình độ chuyên môn về pháp luật; hiểu biết về tập quán kinh doanh, thương mại của vụ việc; có kỹ năng hòa giải, thái độ đề cao tinh thần tự nguyện thỏa thuận của các đương sự. Thiết chế hòa giải thương mại ngoài tòa án thông qua các tổ chức hòa giải và hòa giải viên sẽ đóng góp tích cực vào việc giải quyết các tranh chấp đã hoặc sẽ phát sinh trong xã hội.

Tin cùng chuyên mục