Nhặt sạn văn nghệ

Giai thoại hay… huyễn hoặc thoại

Tạp chí Sông Hương số xuân (tháng 1-2008) có bài “Một ngày theo Nguyễn Tuân đi chơi Huế”. Mốc thời gian mà tác giả N.Q.H. kể những giai thoại của nhà văn Nguyễn Tuân là “năm 1976… anh Trần Hoàn, lúc đó đang làm trưởng ty Văn hóa Thừa Thiên-Huế”. Chuyện kể có hạt sạn không thể không nhặt: “Trong đò của ngư dân trên phá Tam Giang, đò nào cũng có bếp, có lò than để chiều khách ăn đặc sản của phá. Hôm nay Nguyễn Tuân không ăn trên đò, ông bảo đem lò than và tôm lên ngồi bên giếng Cam Lồ ngay dưới chân núi Túy Vân để nhấm nháp”.

Phá Tam Giang ở nửa Bắc tỉnh, còn đầm Cầu Hai chiếm nửa Nam còn lại. Điểm giao nhau giữa phá-đầm cho tới núi Túy Vân, cửa Tư Hiền đến bốn chục cây số đường sông mà như biển, làm sao đem lò than và tôm từ phá Tam Giang lên ngồi dưới chân núi Túy Vân mà nướng mà nhấm nháp. Việc thuê lại khuôn bếp than của chủ đò ở Tam Giang chở về tận cuối đầm Cầu Hai cũng là điều không thể vì họ lấy gì nấu cơm khi cả gia đình lấy đò làm nhà, an ninh xã hội sau giải phóng mới 1 năm còn phức tạp lắm ai dám cho thuê. Còn nữa, dân vạn đò trên phá Tam Giang thời ấy đâu dám làm du lịch mà “có lò than để chiều khách”.

Sĩ Thiện

  • Một số sai sót trong cuốn sách viết về Bác Hồ

NXB Thanh niên vừa cho ra đời cuốn sách 79 mùa xuân Hồ Chí Minh của Bá Ngọc. Sách có một số sai sót cần sớm đính chính như sau:

1- “Ngọa Du sào” viết sai thành “Ngoa Du sào” (trang 13). Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh giảng chữ Ngọa Du: “Không đi ra mà có thể dùng tưởng tượng để ngoạn thưởng sơn thủy, hoặc xem đồ họa, hoặc xem du ký của kẻ khác”; Sào: “Tổ chim – Tự xưng chỗ ở của mình, có ý khiêm tốn…”. Như vậy, Ngọa Du sào chỉ nơi đọc sách.

2- Một số tên người bị viết sai: Khang Hữu Vi viết sai thành Khang Hứa Vi (trang 12); Nguyễn Thiệu thành Nguyễn Thiện (trang 45); Tiêu Văn thành Tiên Văn (trang 94, 95).

3- Nhầm lẫn ngày Bác Hồ bị bắt ở Quảng Tây: “Trên đường đến Quảng Tây ngày 13 tháng 8 năm 1942, tới xã Túc Vinh (huyện Đức Bảo) thì tuần cảnh cho rằng những giấy tờ cấp từ 1940 đến nay đã hết hạn sử dụng. Chúng nghi Người là gián điệp bèn bắt giải lên Tỉnh Tây…” (trang 77). Xin nói rõ sự kiện này như sau: Ngày 13-8-1942, Bác từ Cao Bằng lên đường sang Trung Quốc; ngày 27-8-1942 đến xã Túc Vinh (huyện Đức Bảo, tỉnh Quảng Tây) thì bị tuần cảnh của Quốc Dân Đảng bắt giữ.

4- Trích sai bài thơ “Khai quyển” trong Nhật ký trong tù (trang 79). Bài “Khai quyển” chính là bài thơ thứ nhất, nhà thơ Nam Trân dịch: “Ngâm thơ ta vốn không ham/Nhưng vì trong ngục biết làm chi đây/Ngày dài ngâm ngợi cho khuây/Vừa ngâm vừa đợi đến ngày tự do”. Bài thơ trích trong sách không phải bài “Khai quyển” mà là bài chép ngoài bìa Nhật ký trong tù.

Phạm Minh Khải
(Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hậu Giang)

Tin cùng chuyên mục