Giải thưởng âm nhạc Việt: Mỗi nơi một phách!

Hiện đang tồn tại khá nhiều giải thưởng trong lĩnh vực âm nhạc, nhưng nhìn tổng thể, hầu hết các giải thưởng đều không phản ánh toàn diện và khách quan đời sống âm nhạc cả nước; chính vì vậy, đôi khi đã tạo ra một bức tranh xô bồ và thiếu chuyên nghiệp.
Cố gắng thu hẹp sự “lệch pha”
Có lẽ âm nhạc là lĩnh vực tồn tại nhiều giải thưởng nhất hiện nay. Lâu đời nhất có thể kể đến như Mai vàng, Làn sóng xanh, Cống hiến, sau đó là Zing Music Awards, POPS Awards, hay mới nhất là Keeng Music Awards…
Nhìn chung, các giải thưởng âm nhạc đều cố gắng hướng đến sự dung hòa giữa yếu tố chuyên môn và tính đại chúng.
Đây là điều hết sức cần thiết, bởi thực tế cho thấy, không phải sản phẩm âm nhạc nào được giới chuyên môn đánh giá cao cũng “được lòng” công chúng và ngược lại. Không phải ngẫu nhiên mà kết quả các cuộc bình chọn của các giải thưởng âm nhạc vẫn thường xuyên nhận về những ý kiến trái chiều từ dư luận.
Sự “lệch pha” giữa yếu tố chuyên môn và “tai nghe” của số đông khán giả ở một vài hạng mục, thậm chí một vài giải thưởng, khiến cho kết quả thường gây ra tranh cãi, thậm chí là tẩy chay.
Giải thưởng âm nhạc Việt: Mỗi nơi một phách! ảnh 1 Ca sĩ Mỹ Tâm nhận giải cống hiến 2017
Chính vì vậy, các giải thưởng âm nhạc dù mang tính truyền thống hay trực tuyến đều có những điều chỉnh với mong muốn phản ánh thực chất hơn sự phát triển của thị trường nhạc Việt. 
Có thể kể đến như Làn sóng xanh với sự đan xen các hạng mục giải thưởng do khán giả hoặc các nhà chuyên môn bình chọn.
Cụ thể, giải do khán giả bình chọn có: Tốp 10 bài hát được yêu thích nhất, Bài hát hiện tượng, Tốp 5 ca sĩ được yêu thích nhất (Bảng vàng - Top Gold), Tốp 5 ca sĩ được yêu thích nhất (Bảng Top Hit); giải do báo chí hoặc hội đồng chuyên môn, ban tổ chức bình chọn có: giải Gương mặt triển vọng, Gương mặt phát hiện, Hòa âm phối khí… Tương tự, giải Mai vàng cũng có sự đan xen giữa phiếu bình chọn của bạn đọc và tư vấn của hội đồng chuyên môn.
Các giải thưởng âm nhạc trực tuyến cũng có những thay đổi trong tiêu chí xét chọn, thay vì hoàn toàn phụ thuộc vào lượt người nghe, xem, download như những ngày đầu.
Được xem là giải thưởng âm nhạc trực tuyến đầu tiên và có sức ảnh hưởng lớn nhất hiện nay, Zing Music Awards sang đến năm thứ 8 đã không còn chỉ dựa vào chỉ số Z - tổng hợp từ lượng người xem, nghe, download, mà dựa vào bảng xếp hạng Zing Chart. Hệ thống Zing Chart gồm có: Zing Chat Real - time, Zing Chart tuần và Zing Chart năm (Zing Music Award). Khác với Zing Chart tuần, Zing Chart Real - time phản ánh số lượt nghe trong vòng 1 giờ trên hệ thống Zing MP3 của từng sản phẩm. Nó sẽ cập nhật liên tục và thể hiện những biến động của thị trường âm nhạc.
Các tiêu chí dùng để xếp hạng của mỗi tác phẩm bao gồm lượt nghe, yêu thích, bình luận, chia sẻ của người dùng trên cả phiên bản máy tính và ứng dụng mobile. Thứ hạng tại đây được cho là phản ánh chính xác và kịp thời nhất xu hướng âm nhạc đại chúng, để đánh giá mức độ phổ biến của một ca khúc, nghệ sĩ.
Giải thưởng POPS của mạng lưới đa kênh (MCN) POPS tổ chức ở năm thứ tư này cũng có nhiều thay đổi, bên cạnh những hạng mục giải thưởng cho các nhóm/nhà sáng tạo (creator) dựa trên lượt nghe, xem, tải thì năm nay nhiều hạng mục của POPS sẽ hướng đến vinh danh các sản phẩm, nghệ sĩ đi sâu chuyên môn, tạo được xu hướng thị trường trong năm.
Giải thưởng âm nhạc mới nhất trong các giải thường niên chính là Âm nhạc Keeng (Keeng Music Awards - KMA). Đây là giải thưởng của mạng xã hội âm nhạc Keeng và dịch vụ nhạc chờ Imuzik tổ chức, nhằm tôn vinh những nghệ sĩ trẻ dưới 30 tuổi có cống hiến cho âm nhạc.
Còn nhiều phân hóa
Rõ ràng, một thị trường âm nhạc phát triển không thể thiếu các giải thưởng. Đó không chỉ là nơi tôn vinh những nghệ sĩ, tác phẩm xuất sắc trong năm mà còn là thước đo, phản ánh xu hướng, sự phát triển của bộ mặt thị trường.
Tuy nhiên, điểm hạn chế lớn nhất trong các giải thưởng âm nhạc ở Việt Nam vẫn là rất khó tìm ra điểm chung giữa yếu tố chuyên môn, nghệ thuật và thị trường.
Giải thưởng âm nhạc Việt: Mỗi nơi một phách! ảnh 2 Các nghệ sĩ được vinh danh tại Làn sóng xanh
Thực tế cho thấy, các giải thưởng âm nhạc Việt mới chỉ phản ánh được thị hiếu thưởng thức âm nhạc của khán giả trẻ, chưa phản ánh đúng thực chất sự phát triển của thị trường.
Bên cạnh đó, hạng mục ở các giải thưởng cũng không có nhiều sự khác biệt. Điều này lý giải tại sao, một số ca sĩ, tác phẩm nổi bật trong năm sẽ được vinh danh ở hầu hết các giải thưởng lớn, nhỏ nên dễ tạo ra sự nhàm chán.
Chưa kể, một số giải thưởng chỉ đóng khuôn trong phạm vi sản phẩm được đăng tải trên kênh của mình, khó có sự bao quát tổng thể diện mạo thị trường.
Trong đó, Zing Music Awards hay POPS Awards là những ví dụ điển hình. Chẳng hạn, ở bảng xếp hạng của Zing Music Awards, chắc chắn sẽ vắng bóng cái tên Mỹ Tâm, dù ở thị trường nhạc Việt không thể không nhắc tên cô.
Lý do là vì vấn đề bản quyền, vốn dĩ từ lâu, ca sĩ này đã nói không với trang nhạc trực tuyến này. Chính vì vậy, dù trong năm 2017, Mỹ Tâm và Tâm 9 tung hoành ở các bảng xếp hạng âm nhạc trong và ngoài nước thì vẫn không hiện diện ở Zing Music Awards!
Ngay cả giải thưởng vốn được đánh giá cao về chuyên môn và tính nghiêm túc như Cống hiến cũng không tránh được những phân hóa nhất định. Chỉ là, sự phân hóa này đến từ chính những người quyết định vận mệnh các giải thưởng, đó là các nhà báo.
Nhìn tổng thể, các hạng mục của giải Cống hiến 2018 đều khá ổn và những gương mặt chiến thắng đều xứng đáng, nhưng nếu xét kỹ số lượng phiếu bầu của phóng viên hai miền Nam - Bắc sẽ thấy sự phân hóa khá rõ về gu thưởng thức của 2 miền. 
Giải thưởng thì nhiều nhưng chất lượng không tương xứng, mỗi nơi mỗi phách khiến nghệ sĩ cũng dần bớt hào hứng đến với những buổi tiệc vinh danh. Chưa kể, trước đây, những giải thưởng truyền thống là bàn đạp cực thuận lợi giúp nghệ sĩ vươn lên và ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Nhưng “thời thế” đã thay đổi và với sự phát triển vượt bậc của mạng xã hội, thị trường nhạc số, nghệ sĩ giờ đây có thể tiếp cận với khán giả một cách dễ dàng hơn.
Sản phẩm phát hành sẽ được đánh giá mức độ thành công ở lượt nghe, xem, chia sẻ, độ lan truyền và các bản cover chứ không chỉ có một con đường duy nhất là giải thưởng cuối năm như trước kia. 
Một lý do khác khiến các giải thưởng giảm đi sức hút là bởi nó đã từng làm dấy lên nhiều tranh cãi về tính công bằng và minh bạch - điều quan trọng và cần phải đảm bảo tuyệt đối để có thể khẳng định quy mô, độ tin cậy cũng như tầm ảnh hưởng trong mắt công chúng.
Nói chung, giấc mơ về một giải thưởng bao quát toàn diện thị trường, lựa chọn những đại diện xứng đáng để tôn vinh vẫn là câu chuyện thì tương lai của nhạc Việt! 

Tin cùng chuyên mục