Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIV năm 2014: Cú rẽ ngang của anh thợ trẻ

Mặc dù tốt nghiệp trung cấp vận hành máy tàu biển, sau một thời gian thử sức ở nhiều đơn vị, Nguyễn Đoàn Vi (sinh năm 1984) vẫn cảm thấy thiếu động lực phấn đấu và nhiệt tình công tác. Năm 2005, Vi đầu quân về Phòng Cơ điện Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam tại huyện Củ Chi. Như “cá gặp nước”, cuộc đời Vi từ đây thay đổi hoàn toàn vì chọn được hướng đi phù hợp và luôn biết tự đầu tư liên tục để trở thành một trong những người thợ giỏi của nhà máy dù tuổi đời còn rất trẻ.
Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XIV năm 2014: Cú rẽ ngang của anh thợ trẻ

Mặc dù tốt nghiệp trung cấp vận hành máy tàu biển, sau một thời gian thử sức ở nhiều đơn vị, Nguyễn Đoàn Vi (sinh năm 1984) vẫn cảm thấy thiếu động lực phấn đấu và nhiệt tình công tác. Năm 2005, Vi đầu quân về Phòng Cơ điện Công ty TNHH quốc tế Unilever Việt Nam tại huyện Củ Chi. Như “cá gặp nước”, cuộc đời Vi từ đây thay đổi hoàn toàn vì chọn được hướng đi phù hợp và luôn biết tự đầu tư liên tục để trở thành một trong những người thợ giỏi của nhà máy dù tuổi đời còn rất trẻ.

Nguyễn Đoàn Vi thao tác trên máy.

Dây chuyền đóng chai tự động Posimat 02 được xem là dây chuyền sản xuất với công nghệ chiết rót chai tiên tiến hiện nay vì tự động hoàn toàn từ nguyên liệu đầu vào tới thành phẩm. Dây chuyền được thiết kế để chạy những chai có thể tích nhỏ từ 200ml đến 2.000ml với tốc độ tối đa 300 chai/phút. Tuy nhiên, dây chuyền vận hành cũng có những nhược điểm rất khó chịu như chai dễ đan vô nhau trong quá trình chạy trên băng chuyền, chai cạ vào thanh dẫn làm giảm tốc độ di chuyển; chai có xu hướng nghiêng ngả; chai cao, trọng lượng nhẹ nên không vững trong quá trình di chuyển… Phòng Cơ điện đã có không ít đề xuất cải tiến như dùng băng tải dao động chống hiện tượng chai bị kẹt do đan vào nhau; dùng khí thổi dọc theo băng tải giúp chai chạy nhanh hơn, không bị kẹt; dùng hai băng tải ép vào hông chai để giúp chai di chuyển; gắn thêm thanh dẫn hướng trên miệng chai để chống không cho chai ngã.

Tuy nhiên, sau nhiều ngày quan sát, Vi đề xuất thực hiện việc tận dụng cấu tạo của cổ chai là hợp lý nhất. “Đó là loại băng tải sử dụng sức đẩy của quạt thổi giúp chai di chuyển với tốc độ cao. Chai được treo lơ lửng trên băng tải nhờ gờ trên cổ chai được 2 miếng inox giữ không cho chai ngã, rơi rớt”, Vi diễn giải. Với những sáng kiến trông đơn giản như vậy, Vi đã đem lại 6 lợi ích lớn (tạo điều kiện làm việc an toàn; nâng cao hiệu quả công nhân vận hành máy; giảm lao động không cần thiết trên dây chuyền; tăng công suất dây chuyền; tiết kiệm chi phí sản xuất 120 triệu đồng…).

Đó chỉ là một trong số nhiều sáng kiến, cải tiến Vi đã thực hiện tại nhà máy. Chín năm làm việc tại Phòng Cơ điện, từ sự yêu nghề và ham học hỏi, Vi đã có trong tay số sáng kiến, cải tiến kỹ thuật nhiều hơn số năm làm việc, đem lại lợi ích tiền tỷ cho doanh nghiệp. “Ở đây, vai trò của những công nhân lành nghề như Vi rất quan trọng. Nhà máy có đến vài chục dây chuyền quan trọng. Nếu máy móc trục trặc, ví dụ như 3 dây chuyền lớn do cậu ấy phụ trách, dù chỉ ngừng hoạt động 1 ngày, doanh nghiệp cũng thiệt hại cả tỷ đồng/dây chuyền chứ không ít”, một lãnh đạo nhà máy chia sẻ. Công nhân nhà máy thường được tăng lương hàng năm vào tháng 4, riêng Vi đã 3 năm liên tục tăng lương 2 lần/năm vào tháng 4 và tháng 10. Có lần Vi được tăng đến 23%.

Phần thưởng có nhiều, nhưng Vi thích nhất lá thư cảm ơn của Phòng Đào tạo huấn luyện vì đã huấn luyện, kèm cặp tay nghề cho hơn 30 nhân viên đến khi thạo việc. “Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11-2013, tôi nhận được nó mà thấy lòng rất vui vì đã giúp ích và chia sẻ được niềm đam mê cho các đồng nghiệp trẻ”, Vi cho biết.

LINH ĐAN

Tin cùng chuyên mục