Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVII năm 2017: Thúc đẩy lao động sáng tạo

Năm nay là năm thứ 17 Báo SGGP phối hợp cùng Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng - giải thưởng cấp thành phố, nhằm tôn vinh những cá nhân có nhiều sáng kiến hay, thiết thực trong lao động sản xuất.
Theo thời gian, giải thưởng ngày càng thu hút nhiều công nhân lành nghề, kỹ sư tiêu biểu tham gia. Rất nhiều người sau khi đoạt giải đã từng bước phát triển, giữ các cương vị chủ chốt ở đơn vị. Họ còn là người thợ cả, dẫn dắt phong trào lao động giỏi, sáng tạo trong đơn vị.
Lan tỏa những sáng kiến hay
Gặp anh Lâm Bằng Phi (Công ty Cao su Thống Nhất) khi anh từ phòng họp bước ra, dù đã hơn 18 giờ nhưng gương mặt anh và các đồng nghiệp tươi rói.
“Nhóm vừa hoàn thiện thêm một sáng kiến cải tiến, thời gian tới sẽ là những ngày bận rộn đây. Nếu áp dụng thành công, sáng kiến sẽ mang lại lợi ích rất lớn”, anh Phi chia sẻ.
Anh Phi được vinh danh tại Giải thưởng Tôn Đức Thắng vào năm 2008, khi đó anh đang là Tổ trưởng Tổ thử mẫu. Gặp lại anh Phi sau 9 năm, trong từng cử chỉ, lời nói, ở anh vẫn toát lên sự năng động, sáng tạo của một người thợ đam mê công việc, dù nay anh đã giữ chức Giám đốc dự án kiêm Phó phòng Nghiên cứu phát triển của đơn vị. Anh bảo, từ khi bước chân vào đơn vị công tác, đưa ra những sáng kiến cải tiến đầu tiên, anh đã lấy Giải thưởng Tôn Đức Thắng làm động lực để phấn đấu.
Sau khi đoạt giải, anh được lãnh đạo nhìn nhận, tin tưởng bổ nhiệm các chức vụ cao hơn. Cũng từ đó, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng, được chọn tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc năm 2015. 
Giải thưởng Tôn Đức Thắng lần thứ XVII năm 2017: Thúc đẩy lao động sáng tạo ảnh 1 Các cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng trong những năm qua về thăm quê hương Bác Tôn (tại tỉnh An Giang) 
Tại Công ty Cao su Thống Nhất, những năm qua có rất nhiều cá nhân đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng. Theo anh Phi, nhờ được sự quan tâm của lãnh đạo, phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo được triển khai mạnh mẽ tại đơn vị. Và anh chính là một người thợ cả hướng dẫn anh em công nhân, kỹ sư làm việc nhóm để đưa ra những sáng kiến hay. Bản thân anh Phi cũng là người hỗ trợ nhiều anh em giúp họ đoạt được Giải thưởng Tôn Đức thắng những năm gần đây. 
Ở Công ty cổ phần Xuất khẩu Cầu Tre, phong trào thi đua lao động sáng tạo cũng được thực hiện mạnh mẽ. Những sáng kiến cải tiến trong quá trình làm việc thực tế đã giúp nhiều cá nhân tại đơn vị đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng.
Theo chị Nguyễn Thị Huyền (đoạt giải năm 2014), Giải thưởng Tôn Đức Thắng đã là động lực lớn để anh chị em công nhân tích cực sáng tạo. Bản thân chị, sau khi đoạt giải đã nhận nhiệm vụ cao hơn, kiêm nhiệm nhiều vị trí công việc.
"Giải thưởng Tôn Đức Thắng phải đổi mới việc phổ biến về tiêu chí giải thưởng, quy trình phát hiện, tiến cử, xem xét, sao cho phát hiện được nhiều hơn những công nhân đạt tiêu chuẩn giải thưởng ở mọi doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc các thành phần kinh tế. Tránh để sót người đủ tiêu chuẩn mà không được giới thiệu, xem xét. Tổ chức công đoàn cơ sở có vai trò lớn, cần tinh tế, nhạy bén, khách quan để phát hiện người đạt tiêu chí ngay đơn vị mình. Từ nguồn những cá nhân tiêu biểu đoạt giải thưởng, tổ chức công đoàn phải chủ động bồi dưỡng, đào tạo công nhân ưu tú để kết nạp Đảng, giới thiệu những trường hợp có năng lực quản lý vào nguồn cán bộ xuất thân công nhân"
Đồng chí Nguyễn Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND TPHCM
Anh Lương Quốc Huy (Trưởng Chi nhánh 6 Công ty TNHH Truyền hình cáp Saigontourist), người từng đoạt Giải thưởng Tôn Đức Thắng, giờ là Phó Tổng giám đốc phụ trách kinh doanh và nay là Giám đốc Trung tâm Sửa chữa, cho biết giải thưởng không chỉ là động lực để anh phấn đấu mà còn giúp khơi nguồn sáng tạo trong toàn thể người lao động tại công ty. Sau khi đoạt giải năm 2014, đến nay những sáng kiến cải tiến của anh Huy được áp dụng rộng rãi và anh cũng có thêm nhiều sáng kiến mang lại lợi ích khác. 
Mở rộng đối tượng, chọn lọc sáng kiến
Theo ông Đặng Ngọc Tùng, nguyên Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Giải thưởng Tôn Đức Thắng thời gian qua đã có uy tín và sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp những công nhân lành nghề không ngừng phấn đấu sáng tạo.
Qua 17 năm, nhiều người đã trở thành lực lượng nòng cốt trong quá trình phát triển của doanh nghiệp. Thực tế, giải thưởng là bệ phóng giúp nhiều cá nhân khẳng định bản thân và ngày càng có sự phát triển mạnh mẽ trong công việc.
Chỉ riêng trong 10 công nhân đoạt giải năm nay, có người trình độ chuyên môn chỉ là trung cấp điện công nghiệp, nhưng từ năm 2011 đến nay đã có 24 sáng kiến, đem lại lợi ích cho đơn vị trên 1,1 tỷ đồng; hoặc một kỹ sư điện có 7 sáng kiến đã áp dụng vào sản xuất, giúp công ty có lợi gần 40 tỷ đồng….
Theo nhiều ý kiến, giải thưởng nên phổ biến đến các đơn vị đang thực hiện những công trình về giảm ùn tắc giao thông; giảm ô nhiễm môi trường; giảm ngập nước; di dời, tái bố trí các hộ dân sống trên và ven kênh rạch; đặc biệt là đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của kinh tế thành phố.
Đây là môi trường tốt cho lao động sáng tạo của công nhân. Anh Lương Quốc Huy đề xuất, để giải thưởng ngày càng lớn mạnh, xứng tầm, ban tổ chức cần nâng chất quy mô sáng kiến, xem xét tính lan tỏa, chuyển giao sáng kiến đối với cộng đồng, xã hội chứ không phải chỉ gói gọn tại đơn vị.
“Thời gian qua chưa nhiều doanh nghiệp tư nhân, các đơn vị liên doanh, doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghệ cao tham gia giải thưởng. Nên chăng cần có những sáng tạo để lãnh đạo đơn vị thấy giá trị của giải thưởng mà động viên, tạo điều kiện cho người lao động tham gia”, anh Huy hiến kế.

Tin cùng chuyên mục