Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Những người “bạn lớn” của học trò

Ngoài trách nhiệm truyền thụ tri thức, xây nên những viên gạch nhân cách đầu tiên cho học trò, giáo viên tiểu học còn là người cha, người mẹ, anh, chị và là cả người bạn luôn gần gũi, chia sẻ vui buồn với học sinh.
Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) cùng học sinh trong một hoạt động ngoại khóa
Cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1) cùng học sinh trong một hoạt động ngoại khóa
8 giáo viên và một cán bộ quản lý bậc tiểu học được nhận giải thưởng năm nay là những tấm gương như thế, luôn tận tụy, hết mình với các em học sinh. 
“Cô ơi, con đã không lạc lối...” 
Với 21 năm gắn bó với nghề giáo, 9 năm làm công tác quản lý, cô Đỗ Ngọc Chi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thái Học (quận 1), cho biết mình đã trưởng thành từ những trải nghiệm quý báu trong nghề. Năm đầu tiên mới ra trường, cô được phân công về làm giáo viên chủ nhiệm một lớp có đến 2/3 học sinh hoàn cảnh đặc biệt, khó khăn. Bằng nỗ lực riêng của bản thân, cùng với những quan sát tỉ mỉ hàng ngày trong cuộc sống, cô đã từng bước gần gũi, thâm nhập thế giới riêng của các em. Người giáo viên trẻ khi đó không nề hà bất cứ việc gì, từ đạp xe đến nhà động viên, thăm hỏi sức khỏe, giúp đỡ học sinh đến việc mỗi sáng tự tay mình dẫn học trò đến lớp, luôn đồng hành, chia sẻ mọi vui buồn cùng các em. 
Nhớ lại khoảng thời gian đó, cô Chi cho biết vừa là thử thách vừa là may mắn, vì công việc đã cho cô học được cách yêu thương, biết trân quý từng hoàn cảnh và nỗ lực vươn lên trong cuộc sống. Đến nay, có học sinh đã noi gương cô bước tiếp theo nghề giáo. Có em đưa cả con trai đến nhà thăm cô với lời nhắn “Cô ơi, con đã không lạc lối. Yên tâm về con, cô nhé”. 
Chừng ấy thôi, nhưng là hạnh phúc to lớn đối với người thầy khi những lo lắng, trăn trở năm xưa giờ đã ra trái ngọt. 
Cô Chi tâm sự, để trở thành một người giáo viên giỏi, bản thân cô luôn tìm hiểu, chia sẻ từng ngóc ngách, đôi khi là góc khuất trong tâm tư, tình cảm của học trò. Đứng trước mỗi sự việc, hiện tượng, người giáo viên phải cẩn thận quan sát, tự cho mình khoảng dừng cần thiết để suy nghĩ và đưa ra ứng xử phù hợp. Hành trang hơn 20 năm qua cô luôn mang theo bên mình là chữ “nhẫn”. Trong vai trò cán bộ quản lý, cô luôn đặt lợi ích của học sinh và tập thể lên hàng đầu, biết lắng nghe và tôn trọng ý kiến của tập thể, xử lý mọi việc trên cơ sở thấu tình, đạt lý. Hiện nay, Trường Nguyễn Thái Học là đơn vị tiểu học duy nhất của quận 1 áp dụng thành công mô hình trường tiên tiến theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế, được Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá cao, phụ huynh tin tưởng, nhận rất nhiều bằng khen, cờ thi đua do UBND TP trao tặng.   
Thu hút học sinh bằng sự sáng tạo
Là giáo viên có tuổi đời nhỏ nhất, đồng thời là Tổng phụ trách Đội duy nhất trong số 8 giáo viên tiểu học được nhận Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay, thầy Phan Thanh Phương, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh), là người rất nhanh nhẹn, hoạt bát, luôn có ý thức tìm tòi, sáng tạo ra những hoạt động mới lạ thu hút học sinh tham gia. Xuất phát điểm ban đầu là một chàng trai tỉnh lẻ, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Thể dục thể thao TPHCM; đến nay, trải qua nhiều năm vừa làm vừa học, thầy giáo trẻ đã hoàn thành văn bằng 2 chuyên ngành Giáo dục tiểu học và hiện đang theo học cao học ngành Quản lý giáo dục. 
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Những người “bạn lớn” của học trò ảnh 1 Thầy Phan Thanh Phương, giáo viên, tổng phụ trách Đội, Trường Tiểu học Hồng Hà (quận Bình Thạnh) luôn gần gũi với học sinh
Nhận xét về người em đồng nghiệp của mình, cô Bùi Thị Hải Yến, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hồng Hà, cho biết: “Thầy Phương là người luôn có ý thức cao trong việc tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Ngoài việc hoàn thành tốt vai trò giáo viên thể dục, thầy còn là Tổng phụ trách Đội năng nổ, người kiến tạo ra nhiều hoạt động sinh hoạt ngoại khóa bổ ích giúp rèn luyện sức khỏe và tăng thêm kỹ năng sống cho học sinh”. 
Từ việc thành lập đội trống kèn phục vụ các hoạt động nghi lễ của nhà trường, đến việc đồng hành cùng học sinh qua rất nhiều hội thi về nghi thức Đội, hợp ca, hợp xướng, thể dục aerobic, trắc nghiệm kiến thức, kể chuyện có tiểu phẩm minh họa bằng tiếng Anh… Liên tục từ năm 2011 đến nay, thầy đã 5 lần được tặng danh hiệu Nhà giáo trẻ tiêu biểu TP do Thành đoàn TPHCM trao tặng. Hiện nay, trăn trở lớn nhất của người giáo viên trẻ là muốn tạo thêm nhiều sân chơi ngoài giờ học cho học sinh tham gia, giúp các em thỏa sức phát triển đam mê, giảm tải áp lực học hành.   
Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2017: Những người “bạn lớn” của học trò ảnh 2 Cô Phạm Thị Hồng Thảo - người mẹ thứ hai của 50 học sinh lớp 1/5, Trường Tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp)
Hết lòng vì học sinh khuyết tật
Nhắc đến cô Phạm Thị Hồng Thảo, giáo viên Trường Tiểu học Hanh Thông (quận Gò Vấp), nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh nhớ đến hình ảnh cô giáo với giọng nói dịu dàng, người có kinh nghiệm dìu dắt học sinh khuyết tật. 
Chia sẻ với chúng tôi, cô Thảo cho biết niềm hạnh phúc lớn nhất của bản thân là khi nhìn thấy những học sinh đặc biệt của mình có những thay đổi tích cực về tình trạng bệnh, tiến bộ trong khả năng nhận thức, có thể hòa nhập sinh hoạt với các bạn bình thường trong lớp. Hiện nay, mỗi khi có thời gian rảnh, cô lại tìm đến trường chuyên biệt, các trung tâm hỗ trợ giáo dục hòa nhập trên địa bàn quận Gò Vấp để học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm với đồng nghiệp.    
Với kinh nghiệm 25 năm dạy học sinh lớp 1, cô Phạm Thị Hồng Thảo luôn mạnh dạn sử dụng các thiết bị dạy học hiện đại, lồng ghép nhiều phương pháp giảng dạy trực quan, sinh động như dạy học qua trò chơi, kể chuyện với con rối, giúp học sinh dễ hiểu bài, nhớ lâu kiến thức. Đặc biệt, để việc giáo dục học sinh đạt hiệu quả, cô đã có nhiều sáng kiến như làm sổ tay tự học tại nhà cho học sinh, lưu giữ tất cả hình ảnh học sinh ăn, ngủ, sinh hoạt trên lớp làm thành đoạn video clip tặng phụ huynh để tăng sự kết nối, giúp phụ huynh hiểu rõ tiến bộ của con em, qua đó phối hợp tốt với nhà trường trong việc giáo dục các em. Học sinh lớp cô chủ nhiệm luôn tự tin, đoạt nhiều giải thưởng cao tại các cuộc thi Vở sạch chữ đẹp, giải Toán Violympic trên Internet, Giải Lê Quý Đôn trên Báo Nhi đồng... 
Ngoài những thành tích đã đạt được, cô Thảo còn được phụ huynh quý mến vì sự hết lòng với học sinh. Từ việc dành dụm tiền mua quần áo, sách vở tặng học sinh nghèo, đến những chăm sóc thầm lặng như tự tay cắt tóc cho học sinh, làm bìa vở tặng học trò. Đó là niềm vui mỗi ngày cô góp nhặt để có thêm động lực gắn bó với nghề.

Tin cùng chuyên mục