Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018: Cần mẫn nghề đưa đò

Có một nghề bụi phấn bám đầy tay/Người ta bảo là nghề trong sạch nhất/Có một nghề không trồng cây vào đất/Lại nở cho đời muôn vạn hoa thơm. Đó là những câu thơ ân tình về nghề giáo. Nếu như giáo viên bậc mầm non lo lắng cho học sinh từng miếng ăn, giấc ngủ thì giáo viên ở bậc tiểu học phải vừa dạy kiến thức, vừa rèn chữ, kết hợp dạy đạo đức cho học sinh.
Cô Trịnh Giáng Tiên, giáo viên Trường Tiểu học Trung Nhất (quận Phú Nhuận) bên các học trò thân thương của mình. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Cô Trịnh Giáng Tiên, giáo viên Trường Tiểu học Trung Nhất (quận Phú Nhuận) bên các học trò thân thương của mình. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Học trò tiến bộ là niềm hạnh phúc

Cô Thiều Duy Hồng, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Văn Cội (huyện Củ Chi), đến với nghề giáo vì cái duyên rất tình cờ. Ba cô là thợ hớt tóc nhưng từ nhỏ đã mơ ước được nhìn thấy con gái trở thành cô giáo. Nộp hồ sơ đăng ký vào trường sư phạm, cô chọn tiểu học vì yêu sự hồn nhiên, “ngây thơ như tờ giấy trắng” của học trò. Chia sẻ về công việc mình đang theo đuổi, cô Hồng cho biết, giáo viên lớp 1 cực vì phải rèn cho học sinh từ cách cầm bút, cách ngồi viết sao cho đúng, tỉ mẩn giúp các em làm quen từng chữ viết, con số. Bù lại, cô được nhìn những nét chữ bỡ ngỡ đầu đời của học sinh, được nghe các em “ê a” tập đánh vần tên cô giáo. Đó là niềm hạnh phúc không phải nghề nào cũng có được. Những tiếng gọi thân thương “mẹ Hồng ơi”, “mẹ Hồng à” của học trò cũng tiếp thêm nguồn năng lượng, giúp cô vượt qua mọi khó khăn, thử thách của cuộc sống thường nhật để làm tròn trách nhiệm người đưa đò. 

Nhắn gửi đến các bạn đồng nghiệp trẻ, cô Hồng cho biết: “Thời buổi khoa học công nghệ phát triển, các bạn có lợi thế là sự năng động, sáng tạo, áp dụng nhiều phương pháp hiện đại hóa giảng dạy. Nhưng mong các bạn có thể dung hòa, kết hợp cả hai yếu tố truyền thống lẫn hiện đại. Đặc biệt, khi nét chữ là nết người thì việc rèn chữ cho học sinh hết sức quan trọng”. 

Niềm vui với nghề giáo của cô Hà Thị Phương Nhân, giáo viên Trường Tiểu học Huỳnh Văn Ngỡi (quận 2) là được chứng kiến sự tiến bộ của học trò. Chia sẻ với chúng tôi, ánh mắt cô đong đầy hạnh phúc: “Mình ra đề tập làm văn là hãy viết cảm nghĩ của em về một vấn đề, sự vật các em quan tâm nhất trong cuộc sống. Kết quả, có học trò chọn luôn đề tài viết về cô giáo. Đọc những dòng tâm sự, lời cảm ơn chân thành của các em sau những gì cô đã làm cho tập thể lớp, mới hiểu công sức mình bỏ ra đều được học trò ghi nhận”. Trong công tác giảng dạy, có những thời điểm người giáo viên chịu nhiều áp lực, sẽ có phụ huynh hiểu, nhưng cũng có người không chia sẻ phương pháp giảng dạy của cô giáo. Bằng sự kiên trì và nhẫn nại, sự tiến bộ của các em chính là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không mệt mỏi của cô giáo.

Đóng góp cho đời những “trái ngọt”

Nói về kỷ niệm dạy học, cô Trịnh Giáng Tiên, giáo viên Trường Tiểu học Trung Nhất (quận Phú Nhuận), chia sẻ về những hoàn cảnh học sinh rất đáng thương như gia đình ly tán, bản thân các em mất đi vòng tay yêu thương, chăm sóc của cha hoặc mẹ. Nếu không có sự quan tâm của cô giáo, các em rất dễ bỏ học, cuộc đời rẽ sang hướng khác. Cô Tiên cho biết, giáo viên chủ nhiệm không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn phải có tấm lòng của người mẹ, dạy học sinh những bài học đầu đời về đạo đức, kỹ năng sống. Ngay từ đầu năm học, cô luôn chủ động tìm hiểu từng hoàn cảnh gia đình học sinh để có phương pháp dạy dỗ các em phù hợp, sẵn sàng chia sẻ buồn, vui cũng như kịp thời dang rộng vòng tay khi các em gặp khó khăn, biến cố. Không ít lần trên lớp, cô - trò cùng chia nhau ổ bánh mì, hộp xôi buổi sáng. Những hôm học sinh nghỉ học không báo trước, cô lặng lẽ đến nhà tìm hiểu lý do, động viên các em sớm quay trở lại lớp. Như người lái đò âm thầm, tận tụy, cô đã áp dụng nhiều phương pháp giúp học trò cảm nhận “mỗi ngày đến trường là một ngày vui”. 

Ấn tượng của chúng tôi về cô Trần Thị Kim Hương, giáo viên Trường Tiểu học Đồng Hòa (huyện Cần Giờ), là sự hy sinh của người phụ nữ khi gác lại thiên chức làm mẹ, bấm bụng gửi con cho gia đình chăm sóc, một mình ra xã đảo nhận công tác. Cô Hương kể, ngày đầu mới ra trường, cô được phân công về Trường Tiểu học Thạnh An (xã Thạnh An, huyện Cần Giờ) công tác. Nơi đó, đời sống vật chất lẫn tinh thần đều khó khăn. Mỗi ngày điện sẽ cúp vào một khung giờ cố định, nước tắm giặt phải hứng từng xô. Trường học lại có ít học sinh, mỗi khối chỉ 2 lớp. Điều kiện đi lại khó khăn, mỗi lần ra xã đảo, các thầy, cô phải mất hơn 2 giờ chòng chành trên biển nên mỗi tuần chỉ về đất liền được 2 ngày cuối tuần. Tình yêu với học trò đã giúp cô giáo trẻ vượt qua những ngày tháng khó khăn đó. Những buổi tối, cô trò cùng nhau nấu ăn; những giỏ cá, túi khoai phụ huynh vừa thu hoạch mang đến tặng cô giáo chính là sợi dây gắn kết ân tình giữa cô giáo với mảnh đất còn nhiều khó khăn, thiếu thốn. 

Nhìn lại hành trình 25 năm công tác, cô Quách Hoàng Liên Hạ, giáo viên Trường Tiểu học Bình Trị 2 (quận Bình Tân), cho biết: “Nghề này giàu lắm! Một năm có đến 2 ngày lễ lớn là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 và tết thầy vào mùng 3 tết âm lịch. Khi đó, phần thưởng cho người giáo viên không phải quà cáp, thành tích mà chính là sự biết ơn, trân trọng của học trò”. Hãy thử nghĩ, được làm chủ tập thể hơn 40 học sinh, một lời khen, một câu động viên của cô giáo cũng đủ khiến học sinh và gia đình các em vui suốt một tuần. Đó là “đặc ân”, cũng là niềm tự hào không phải nghề nào có được. Từng làm công nhân may, cuộc đời bỗng rẽ lối khi người con gái có ngoại hình nhỏ nhắn nhưng cứng cỏi quyết định thi vào sư phạm. Tình yêu nghề giúp mỗi ngày cô không quản nắng mưa, đạp xe từ huyện Bình Chánh lên Trường Cao đẳng Sư phạm TPHCM (nay là Đại học Sài Gòn) theo đuổi việc học. Giờ đây, khi nhìn lại quãng đường đã đi qua, cô hạnh phúc với những gì đang có.

Với cô Bùi Thị Ngọc Linh, giáo viên Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), nghề giáo không thể đo đếm bằng giá trị vật chất. Ảnh: THU TÂM

Cùng chia sẻ, cô Bùi Thị Ngọc Linh, giáo viên Trường Tiểu học Lương Định Của (quận 3), cho rằng nghề giáo không thể so sánh, đo đếm bằng giá trị vật chất. Một khi đã chọn theo nghề là các thầy cô đều ý thức được thiên chức cao cả của việc dạy dỗ học sinh, mục tiêu hướng đến không phải bằng cấp, thành tích mà là giá trị sống, là tính nhân văn trong giáo dục con người. Lớn lên trong một gia đình có truyền thống theo nghề giáo, cô học được tính nhẫn nại, bao dung của người cha. Đến nay, sau 33 năm gắn bó với môi trường sư phạm, cô Linh tự hào về thành quả đã đạt được là tình thương yêu, sự tin tưởng của học trò. Từng được phòng giáo dục - đào tạo quận đề bạt làm cán bộ quản lý nhưng cô xin được tiếp tục công việc giảng dạy, bởi học sinh chính là hơi thở, là cuộc sống của cô. 

Danh sách giáo viên tiểu học được trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có cô Trầm Dạ Hương, giáo viên Trường Tiểu học Lam Sơn (quận 6) và cô Nguyễn Mỹ Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận 7). Luôn hoàn thành tốt công tác giáo viên chủ nhiệm, đồng hành cùng học sinh qua nhiều hoạt động phong trào, dành nhiều tâm huyết giáo dục học sinh cá biệt, các cô là những người đưa đò cần mẫn, chăm chỉ, vun đắp cho đời sự trưởng thành, thành công sau này của mỗi học sinh.

Tin cùng chuyên mục