Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018: Dấu ấn thủ lĩnh

Để có một tập thể xuất sắc, hoàn thành tốt chuyên môn trước hết phải là một khối đoàn kết và vững mạnh. Quan trọng nữa, tập thể ấy phải có một người đứng đầu gương mẫu, vừa giỏi chuyên môn vừa giỏi công tác lãnh đạo, quản lý. Trong Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018, nhiều thầy, cô giáo là cán bộ quản lý các cấp học sẽ được vinh danh bởi những dấu ấn rất riêng.
Thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) cùng các học trò
Thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) cùng các học trò

Cô hiệu trưởng giàu lòng nhân ái 

Về xã Phú Xuân (huyện Nhà Bè) hỏi Trường Mầm non Mạ Non ít ai biết vì trường mới đưa vào hoạt động được hơn 2 năm. Thế nhưng, nếu hỏi cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Tuyết Loan thì ai cũng biết rất rõ, bởi nhiều điểm rất đặc biệt. Đặc biệt không phải vì cô có đến 23 năm làm quản lý ở lĩnh vực mầm non mà còn ở tấm lòng nhân ái, sẻ chia với cộng đồng. Trước khi vào nghề giáo cô Loan là một y sĩ.

Sau đó, cô theo học ngành sư phạm mầm non và từ ngày ra trường đến nay luôn gắn bó với nghề, yêu thương trẻ như con ruột của mình. Giữa lúc bộn bề khó khăn khi gia đình vừa có 2 con nhỏ thì người bạn đời của cô đột ngột ra đi vào năm 1999. Cô như gục ngã, muốn bỏ nghề giáo để làm ngành khác có thu nhập cao hơn để lo cho 2 con nhỏ. “Nhưng chính lúc chị muốn buông bỏ, đau khổ nhất thì khi đến trường nhìn khuôn mặt của các cháu nhỏ tươi cười, bạn bè đồng nghiệp chia sẻ thì mình lại có thêm động lực, có thêm nghị lực để vững tâm với nghề cũng như trong cuộc sống”, cô Loan xúc động.  

Điều chúng tôi bất ngờ hơn cả là vị hiệu trưởng này không chỉ bình dị, tận tâm với nghề, luôn yêu thương quan tâm trẻ như một người mẹ trong gia đình mà đối với xã hội cô cũng có tấm lòng bác ái như vậy. Ngoài thời gian dành cho tìm tòi sáng kiến trong nghiên cứu giảng dạy, cô còn tham gia các tổ chức từ thiện, tổ chức quyên góp cho đồng bào lũ lụt, trao tặng nhà tình thương cho người nghèo… Chính vì vậy, ngoài thành tích chuyên môn, cô còn được nhiều bằng khen từ Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, bằng khen có thành tích xuất sắc trong công tác chữ thập đỏ trường học. 

Dụng nhân tâm để quản lý

Vì sao thầy chọn nghề giáo? Tôi mở đầu câu chuyện với thầy Bùi Trí Hiệp, Hiệu trưởng Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, như vậy. Thầy vui vẻ cho biết: “Gia đình thầy 3 đời làm nhà giáo, với lại tính thầy hiền nên chọn nghề giáo là tốt nhất em ạ. Nếu chọn nghề khác e rằng mình bon chen không nổi”.

Tốt nghiệp ra trường từ năm 1983, thầy Hiệp được phân công về huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) giảng dạy. Sau 5 năm gắn bó, thầy được phân công về Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6) cho đến nay. Sau đó thầy kinh qua các vị trí như tổ trưởng chuyên môn, phó hiệu trưởng và làm hiệu trưởng trường từ năm 2014 đến nay. 35 năm gắn bó với nghề thì thầy giảng dạy trực tiếp đến 19 năm. 16 năm làm cán bộ quản lý nhưng chưa khi nào muốn bỏ nghề dù có lúc nghề giáo rất cực. “Cái nghề này nó rất lạ và rất hay. Nhiều lúc bực bội nhưng khi bước vào lớp các em đứng dậy chào thầy, mình dạy thấy các em hứng thú là mọi thứ tan biến hết. Học sinh vui thì mình buồn sao được và ngược lại thấy học sinh buồn, căng thẳng là mình cũng mất hứng dạy luôn”, thầy Hiệp tâm sự.  

Khi chúng tôi nói đến trường được đầu tư xây thêm dãy phòng học mới, mọi thứ khang trang hơn trước đây, thành tích của trường vài năm gần đây cũng đáng nể (như Huân chương Lao động hạng ba, tập thể lao động xuất sắc từ 2014 đến nay) và thành tích cá nhân của thầy cũng đồ sộ, thì thầy Hiệp xua tay ngay: Trường này đã 60 năm thành lập và đã có bề dày thành tích xưa nay. Trường được xây mới và cải tạo là nhờ sự quan tâm của quận và TP. Nên chính xác phải nói tôi chỉ là người kế thừa và cố giữ gìn phát huy những thành tích của trường. Tuy nhiên, điều chúng tôi cảm nhận được là thầy quản lý rất khéo để xây dựng một bầu không khí đoàn kết, một tập thể sư phạm vững mạnh. Thầy chia sẻ: “Cái thuận lợi của tôi khi làm quản lý chính vì tôi là người ở trường nhiều năm, am hiểu nội tình của trường. Khi có “chuyện” giữa thầy và trò hay giữa đồng nghiệp với nhau tôi phải là người đầu tiên tiếp cận, nắm bắt tình hình và giải quyết có tình có lý cho cả đôi bên”.   

Không chỉ khéo léo trong ứng xử, thầy Hiệp cũng luôn quan tâm đến học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Thầy phát động trong chi bộ xây dựng chương trình vòng tay nhân ái giúp các em có hoàn cảnh khó khăn suất ăn thân thiện trong trường. Phong trào lan rộng và đến nay trường xây dựng quỹ học bổng giúp học sinh ở từng khối, từng lớp. Mỗi năm có 144 suất học bổng miễn 100% học phí tặng học sinh. 

Vững nghề, mê dạy

Thạc sĩ Phan Thị Mỹ Tiên, Hiệu trưởng Trường Bồi dưỡng giáo dục quận 6, dù làm quản lý nhưng vẫn là giáo viên kỳ cựu trong bồi dưỡng cho những học sinh năng khiếu về môn Ngữ văn. Trước đó, vị hiệu trưởng này từng là giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường THCS Phú Định, sau đó về Phòng Giáo dục làm chuyên viên quản lý. Cô Tiên cho biết: “Khi được điều về làm quản lý trường, tôi thật sự bất ngờ và không biết phải làm những công việc gì. Hơn nữa, khi về trường trong tình trạng sập xệ, rất ít người học, không có lớp để dạy”. 

Để gỡ khó cho trường, cô đã nghiên cứu và mạnh dạn xin cơ chế để quận hỗ trợ. Ví dụ như để thu hút và vận động giáo viên trong quận đi học nâng cao nghiệp vụ, nâng chuẩn, chức danh nghề nghiệp, cô đã mạnh dạn xin quận hỗ trợ 50% học phí. Để tăng thêm thu nhập, khuyến khích các giáo viên khi tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi được tổ chức tại trường, cô lại tiếp tục xin tăng thêm 50% tiền giảng dạy/tiết. Nỗ lực của cô đã góp phần rất lớn trong việc nâng cao trình độ cho cán bộ quản lý và giáo viên trong quận đạt chuẩn và trên chuẩn rất cao: 100% cán bộ quản lý đạt và trên chuẩn, giáo viên đạt trên chuẩn là 93,04%. Hàng trăm giáo viên từ mầm non đến THCS đã và đang theo học để nâng cao trình độ. 

Dù làm quản lý với rất nhiều công việc nhưng cô vẫn không thể bỏ việc đứng lớp. Bình thường hàng tuần cô vẫn dành ít nhất 2 giờ để dạy môn Ngữ văn cho các em học sinh năng khiếu. Tuy nhiên, khi sắp đến mùa thi học sinh giỏi cấp TP thì gần như cả ngày cô “lăn - lê - bò - trườn” với các em học sinh giỏi của quận. Những thành quả học sinh giỏi cấp TP của quận từ năm 2013 - 2016 rất đáng nể (đoạt 249 giải, trong đó có 38 giải nhất, 67 nhì, 144 giải ba) là niềm động viên lớn lao.

Bên cạnh các thầy, cô giáo kể trên, Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018 cũng vinh danh 8 tấm gương nhà giáo làm cán bộ quản lý khác: Cô La Thị Hồng Cúc, Phó hiệu trưởng Trường Mầm non Vàng Anh (quận 5); cô Lê Thị Hạnh Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Đình Chính (quận Tân Phú); cô Mai Thị Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường THCS Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú); thầy Đậu Quang Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thanh Đa (quận Bình Thạnh); thầy Nguyễn Khoa Khanh, Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Văn Thụ (quận 10); cô Nguyễn Thị Thanh Hằng, Hiệu trưởng Trường THCS Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận), thầy Phạm Ngọc Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT TPHCM; thầy Phạm Hoàng Nam Huân, Phó hiệu trưởng Trường Hy vọng quận 6.

Tin cùng chuyên mục