* Hôm nay 18-11, tại Nhà hát TPHCM diễn ra lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 21 năm 2018

Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018: Những người đưa đò thầm lặng

Không có cùng điểm xuất phát, không được dạy ở trường “đầy đủ”, nhưng những “người đưa đò” thầm lặng ở các trường hy vọng, các trung tâm giáo dục thường xuyên đã minh chứng: tình yêu thương học trò, lòng yêu nghề cháy bỏng sẽ giúp thầy và trò cùng tỏa sáng.

 

Các con là động lực  để phấn đấu

Năm 1999, vừa tốt nghiệp, nữ sinh Lâm Thị Minh Châu (quận 8, TPHCM) được điều về Trường Nuôi dạy trẻ quận 12 (đường Tô Ký, phường Tân Chánh Hiệp) công tác. Chưa từng học qua các kỹ năng chăm sóc trẻ khuyết tật, Châu như sụp đổ, chỉ biết đứng nhìn các cháu khuyết tật mà khóc rồi về nhà với ý định bỏ nghề. Thế nhưng sau một đêm suy nghĩ, sáng hôm sau cô trở lại trường và quyết chí ở lại làm việc. Ròng rã 1 năm, cô Châu mới học được cách để tiếp cận, hòa nhập và hiểu được các cháu muốn gì qua từng cử chỉ. Rồi cũng vì muốn được gần gũi hơn các cháu, cô càng mong tìm ra phương pháp hay để giúp các cháu cải thiện cách phát âm, luyện hơi, luyện trí nhớ… “Tất cả đều phải rất kiên nhẫn và không chỉ ngày này qua ngày khác mà thậm chí cả tháng, cả năm nhưng thấy các cháu tiến bộ là không gì diễn tả được niềm vui và hạnh phúc”, cô Châu chia sẻ.

Cô Lâm Thị Minh Châu, Trường Chuyên biệt Hy vọng quận 8,  nói chuyện với học sinh bằng ký hiệu 
 Sau 11 năm gắn bó, cô được điều về công tác tại Trường Hy vọng quận 8 cho đến nay. Chia sẻ về nghề, cô Châu trăn trở: “Giáo viên dạy ở các trường hy vọng căng thẳng nhất là khi mang thai vì tâm lý luôn lo sợ con mình sẽ giống như các học trò mình đang dạy. Nhiều khi cả chồng, gia đình cũng muốn mình nghỉ dạy. Nhưng tất cả rồi cũng phải đầu hàng trước lòng quyết tâm và lòng yêu nghề. Khi đã yêu nghề, sống chết với nó thì dù dạy ở đâu, môi trường thế nào thì mình cũng phải phát huy hết nhiệt huyết ấy thì chắc chắn sẽ thành công”. Nỗ lực không mệt mỏi của cô Châu cùng với nhiều sáng kiến áp dụng để dạy trẻ khuyết tật đã giúp học trò luôn có nhiều tiến bộ, nhiều em đã sớm hòa nhập với cộng đồng. 


Cũng giống như đồng nghiệp, cô Hoàng Thị Nguyệt lần đầu đến thăm Trường Giáo dục chuyên biệt Hy vọng quận Gò Vấp trong chuyến đi thực tập. “Ai đến đây khi nhìn các cháu cũng đều chết lặng và nước mắt cứ tuôn trào. Trẻ thì bị khiếm thính, trẻ thì khiếm thị, trẻ thì bị đa tật, trẻ thì chậm phát triển… Vậy thì dạy cái gì, dạy như thế nào và dạy đến bao giờ để các cháu biết nói, biết ý thức, biết viết, biết đọc”, cô Nguyệt tâm tư. Thế mà thoáng cái đã 23 năm, cô Nguyệt từ dạy trẻ khiếm thính, nay chuyển qua dạy các trẻ chậm phát triển. Từ mong muốn giúp các cháu có hy vọng hòa nhập và hòa nhập sớm với cộng đồng, cô đã miệt mài học hỏi và sáng tạo để có những sáng kiến giúp trẻ như: một số biện pháp nhằm phát triển ngôn ngữ cho trẻ chậm phát triển tiền học đường, rèn luyện thói quen giữ vệ sinh và hành vi ứng xử cho trẻ chậm phát triển trí tuệ…

Cô Hoàng Thị Nguyệt, Trường Giáo dục chuyên biệt Hy Vọng quận Gò Vấp trong giờ dạy toán cho học sinh
 Là giáo viên đầu tiên của Trường Giáo dục chuyên biệt Hy vọng quận Gò Vấp nhận giải thưởng Võ Trường Toản, cô Nguyệt xúc động: “Chúng tôi cũng như ban giám hiệu rất bất ngờ khi hay tin được nhận giải thưởng này. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn luôn mong muốn xã hội có cái nhìn thấu cảm và sẻ chia hơn với các cháu trong các trường hy vọng. Ngay cái tên của các trường cũng đã nói lên tất cả điều đó. Vì vậy, những người làm giáo viên như chúng tôi dù nhận được bao nhiêu bằng khen, thành tích… cũng không hạnh phúc bằng khi thấy các cháu tiến bộ và hòa nhập được với xã hội”.


Môi trường nào người thầy cũng có thể tỏa sáng

Không một tân cử nhân sư phạm nào khi ra trường dám dấn thân vào các trung tâm giáo dục thường xuyên để dạy vì nơi đây học trò được ví như hàng dạt, toàn cá biệt. Nhớ lại lúc về trường, cô Nguyễn Thanh Lương, giáo viên dạy toán Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp và Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) Phú Nhuận, xúc động: “Tôi thi đậu 3 trường đại học (ĐH) nhưng quyết định chọn ngành sư phạm toán Trường ĐH Sư phạm TPHCM. Ra trường, tôi về Đồng Nai dạy tại Trường THPT Trần Phú (thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai) được 6 năm. Đến năm 2007, khi lập gia đình, chuyển về TPHCM sống và bắt đầu hành trình đi xin dạy. Sau bao lần ngược xuôi rồi điểm dừng chân là trung tâm này. Thật tình tôi không dám khoe với mọi người là dạy ở Trung tâm GDTX vì sợ bạn bè cười, ngay cả gia đình cũng không tán thành”. 

Tại Trung tâm GDTX, mỗi em có mỗi hoàn cảnh khác nhau, có em mồ côi cả cha lẫn mẹ. Những em nào cá biệt, cô Thanh Lương đều phải tìm hiểu nguyên nhân để khắc phục. Ngoài vấn đề hoàn cảnh gia đình, vấn đề học lực của các em cô cũng kiểm tra trước để có thể đưa ra phương pháp dạy cho thích hợp.

Chính nhờ sự gần gũi với từng học trò trong lớp, cô Thanh Lương đã có sáng kiến trong cách giáo dục học sinh cá biệt thông qua công tác chủ nhiệm lớp. Cô không bao giờ lôi khuyết điểm của học sinh ra trước tập thể lớp mà tiếp xúc riêng với các em để giải quyết. Nhờ đó mà học sinh của cô từ đầu vào đến khi ra trường có sự tiến bộ rõ rệt về kết quả học tập. Riêng học sinh môn toán của cô, rất nhiều em đã đạt danh hiệu học sinh giỏi toán cấp thành phố và cuộc thi giải toán bằng máy tính Casio cấp thành phố lẫn khu vực. Song song đó, bản thân cô cũng “giật” nhiều thành tích đáng nể như giáo viên giỏi cấp thành phố, giáo viên chủ nhiệm giỏi nhiều năm liền và nhiều giấy khen của TPHCM, Bộ GD-ĐT. Nhìn lại những kết quả của mình, cô Thanh Lương khẳng định, nghề giáo cũng như bao nghề khác, nếu có đam mê thì dù ở môi trường nào, điều kiện nào vẫn sống và thành công được với nghề.

Danh sách giáo viên nhóm các trung tâm GDNN - GDTX đoạt giải Võ Trường Toản năm 2018, còn có: cô Thạch Mỹ Dung, giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX quận 11; cô Nguyễn Thị Thanh Huyền, giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX quận Tân Bình; cô Vương Thị Thu Tường, giáo viên Trung tâm GDNN - GDTX quận 12.
Hôm nay 18-11, tại Nhà hát TPHCM diễn ra lễ trao giải thưởng Võ Trường Toản lần thứ 21 năm 2018. Năm nay, giải thưởng sẽ vinh danh 50 nhà giáo là cán bộ quản lý, giáo viên đang công tác tại các trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT, trung tâm GDNN-GDTX, trường chuyên biệt trên địa bàn TPHCM. Tại lễ trao giải, các thầy cô sẽ có buổi gặp mặt, trò chuyện thân mật với lãnh đạo TP, Sở GD-ĐT TP, cùng nhau chia sẻ những trăn trở, kỷ niệm với nghề nhân dịp 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11-1982 - 20-11-2018).

Được tổ chức lần đầu tiên vào năm học 1998 - 1999, đến nay qua 20 mùa trao giải, giải thưởng Võ Trường Toản đã vinh danh 576 cán bộ quản lý, giáo viên, những tấm gương sáng về lòng yêu nghề và sự tận tụy, đại diện cho gần 85.000 cán bộ, nhà giáo đang công tác trên địa bàn TP. Giải thưởng được xét chọn trên những tiêu chí: thành tích cá nhân của các thầy, cô giáo, hiệu suất đào tạo học sinh, yếu tố thâm niên, bề dày các danh hiệu thành tích, sáng kiến kinh nghiệm, sự tín nhiệm của đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh.
THU TÂM

Tin cùng chuyên mục