Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018: Những người thắp lửa thành công

Bậc trung học cơ sở (THCS) là bậc học mang tính chuyển tiếp, có vai trò định hình nhân cách và lựa chọn nghề nghiệp tương lai cho các em. Người thầy ngoài trách nhiệm truyền đạt tri thức còn là nguồn khích lệ về tinh thần, truyền lửa đam mê, giúp học sinh vững vàng hơn trước nhiều ngã rẽ cuộc đời. 
Thầy Nguyễn Minh Phương, giáo viên Trường THCS Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) Ảnh: HOÀNG HÙNG
Thầy Nguyễn Minh Phương, giáo viên Trường THCS Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận) Ảnh: HOÀNG HÙNG

“Chiến lược đầu tư” cho học trò

Thầy giáo Lâm Quốc Phát trong mắt đồng nghiệp và học sinh Trường THCS Lam Sơn (quận 6) là người nhiều kinh nghiệm giảng dạy và rất gần gũi, yêu thương học trò. Là giáo viên đào tạo học sinh giỏi môn tiếng Anh nhiều năm liền, thầy đã truyền ngọn lửa say mê môn tiếng Anh đến nhiều thế hệ học trò. Chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy, thầy cho biết, học sinh THCS đang ở độ tuổi ưa tò mò, thích khám phá. Để giúp các em tăng thêm hứng thú với một môn học, người thầy phải gắn việc học với những hiểu biết thực tế trong cuộc sống, mở ra trước mắt các em những chân trời mới.

Bên cạnh đó, giáo viên còn phải nắm bắt điểm mạnh, điểm yếu của từng học sinh để có “chiến lược đầu tư” bài bản, hiểu các em đang cần gì, hổng kiến thức ở đâu để kịp thời bù đắp. Tuy nhiên, giáo viên giỏi không phải là người “cầm tay chỉ việc” mà phải biết khơi dậy niềm say mê, ý thức tự học nơi học trò. Hiện nay, dù đã ngoài 40 tuổi, nhưng thầy không ngại học lời các bài hát tuổi teen, sẵn sàng cập nhật các trào lưu “selfie” mới của học trò để có thể gần gũi, kéo gần khoảng cách thầy, trò. Nhờ vậy, thầy luôn được học sinh của mình tin tưởng như “người bạn lớn”, sẵn sàng kề vai sát cánh, giúp đỡ các em trong học tập cũng như cuộc sống.

Nhiều năm qua, Trường THCS Hậu Giang (quận 11) giữ vững thành tích là đơn vị dẫn đầu quận về tỷ lệ học sinh đạt điểm cao môn Ngữ văn kỳ thi tuyển sinh lớp 10 do Sở GD-ĐT TPHCM tổ chức. Có được thành quả đó, thầy Trần Ngọc Thọ, Tổ trưởng chuyên môn bộ môn Ngữ văn khối 9 của trường, cho biết tập thể giáo viên đã không ngừng học hỏi, đảm bảo vững kiến thức chuyên môn kết hợp với vận dụng nhiều phương pháp dạy học hiện đại như tích hợp liên môn, sân khấu hóa bài giảng, giúp học sinh tăng thêm hứng thú với môn học.

Đặc biệt, các tiết dạy Văn của thầy Thọ không khí luôn sôi nổi, giàu tính phản biện. Đến nay, nhiều thế hệ học trò đã tốt nghiệp ra trường vẫn dành nhiều tình cảm và ấn tượng về các bài giảng văn như Hịch tướng sĩ, Bình Ngô đại cáo với lối dẫn dắt, tái hiện bối cảnh lịch sử tài tình của thầy Thọ. Thầy chia sẻ, dạy văn cũng như dạy người, chỉ cần khơi gợi được ở các em tình yêu trước những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống tức là đã truyền cho học sinh những giá trị sống tích cực, qua đó giúp các em sống tốt, sống đẹp cho cuộc đời. 

Sáng tạo trong giảng dạy

Là giáo viên dạy môn Ngữ văn tại Trường THCS Tân Phú Trung (huyện Củ Chi), thầy giáo Đào Văn Danh luôn ý thức được vai trò quan trọng của việc thường xuyên đổi mới phương pháp giảng dạy. Học sinh thường ngán khi phải đọc những tác phẩm văn học dài nên thầy thường chia nhỏ tác phẩm, cho học sinh phân vai, tái hiện nội dung tác phẩm qua diễn kịch, tiểu phẩm nhằm giúp học sinh tăng thêm hứng thú, có điều kiện tìm hiểu kỹ và nhớ lâu các tác phẩm. Ngoài ra, trong nhiều tiết dạy, thầy cũng khéo kéo lồng ghép vào bài giảng nhiều hình ảnh minh họa, kết hợp hệ thống hóa kiến thức bằng sơ đồ tư duy, giúp việc học văn không còn “khổ” đối với học sinh. Thầy Danh tâm sự, nếu như các môn học khác có phòng thí nghiệm, nhiều đồ dùng dạy học hỗ trợ thì với riêng môn Ngữ văn, giáo viên phải mày mò tự làm dụng cụ hỗ trợ. Nhưng cũng nhờ thế mà giáo viên có thêm động lực phát huy sáng tạo để sinh động hóa bài giảng của mình. 

Thầy Nguyễn Trung Anh Vũ, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) 
                   Ảnh: HOÀNG HÙNG
 Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 với thầy Nguyễn Trung Anh Vũ, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3), niềm vui như được nhân đôi vì cũng là ngày sinh nhật của thầy. Thầy Vũ cho biết, vào dịp này hàng năm, nhiều thế hệ học trò trở về tổ chức sinh nhật và chúc mừng thầy. Nói về công việc mình đang theo đuổi, thầy Vũ cho biết, môi trường giáo dục đã và đang thay đổi. Học sinh được tiếp cận kiến thức qua nhiều kênh thông tin khác nhau, đòi hỏi người thầy phải thường xuyên cập nhật kiến thức, hiểu biết tâm lý học sinh để có cách truyền đạt bài giảng hiệu quả.
Bản thân thầy Vũ, ngoài bằng cử nhân sư phạm, thầy đã tự bổ sung cho mình văn bằng 2 cử nhân công nghệ thông tin, tham gia nhiều khóa đào tạo về tâm lý để làm dày hơn hành trang đứng lớp. Thầy chia sẻ, mỗi học trò có khả năng tiếp nhận khác nhau, người giáo viên không thể lặp đi lặp lại cùng một giáo án cho tất cả học trò. Để có sự biến hóa riêng trong từng tiết dạy, giáo viên phải không ngừng sáng tạo, sử dụng các thiết bị công nghệ 4.0, đáp ứng nhu cầu học tập ngày càng đa dạng của học trò. 

Không ngừng cống hiến

Không chỉ thực hiện tốt công tác giảng dạy với vai trò giáo viên môn Địa lý, thầy Nguyễn Minh Hoàng, Trường THCS Võ Thành Trang (quận Tân Phú), còn hoàn thành xuất sắc vị trí kiêm nhiệm là Tổng phụ trách Đội. Nhận thấy điều kiện sinh hoạt, vui chơi của học sinh trường mình còn nhiều thiếu thốn, thầy đã tự mày mò nghiên cứu, đề xuất ban giám hiệu thành lập đội nhạc kèn. Ngày đầu, đội kèn chỉ có khoảng 10 thành viên tham gia. Nhờ sự kiên trì của thầy giáo trẻ, đội nhạc đến nay đã có hơn 100 thành viên nòng cốt. Từ xuất phát điểm ban đầu là chỉ biểu diễn trong phạm vi trường, rồi mở rộng ra quận, thành phố và đến nay đội được xác lập kỷ lục quốc gia, là đội nhạc kèn thiếu nhi tham gia công diễn nhiều nhất Việt Nam. Năm 2010, “đứa con tinh thần” của thầy Hoàng tiếp tục được công nhận danh hiệu “Câu lạc bộ Vàng” và nhận bằng khen của UBND TPHCM. Liên tục từ năm 2016 - 2018, đội nhạc xác lập thêm kỷ lục Guinness Đông Dương và kỷ lục châu Á về thành tích tham gia công diễn nhiều nhất. 

Nói về thầy Nguyễn Minh Phương, giáo viên Trường THCS Cầu Kiệu (quận Phú Nhuận), cô Nguyễn Thị Thanh Hằng - Hiệu trưởng nhà trường, nhận xét thầy là người rất chu đáo, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp giảng dạy, được nhiều phụ huynh và học sinh yêu mến. Dưới bàn tay dìu dắt của thầy, nhiều học sinh từ việc không yêu thích môn Vật lý đã trở thành học sinh giỏi môn này. Nhắc đến thành công của học trò, trong đó nhiều em nay đã trở thành bác sĩ, kỹ sư, nhà nghiên cứu nổi tiếng, ánh mắt thầy sáng lên niềm hạnh phúc. Thầy Phương cho biết, qua mỗi năm đứng trên bục giảng, người giáo viên lại tích lũy thêm kinh nghiệm, nhận được sự tin tưởng, yêu thương của học trò. Đó là phần thưởng vô giá giúp người thầy thêm động lực cống hiến.

Danh sách giáo viên bậc THCS đạt Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay còn có thầy Lâm Minh Quang, giáo viên Trường THCS Phan Tây Hồ (quận Gò Vấp) và thầy Trần Văn Cẩm, giáo viên Trường THCS Bình Chánh (huyện Bình Chánh). Các thầy là những tấm gương sáng về sự mẫu mực, có tinh thần trách nhiệm cao, được tập thể tín nhiệm, phụ huynh và học sinh yêu mến.

Tin cùng chuyên mục