Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2018: Vững bước với nghề nhờ tình yêu học trò

8 giáo viên mầm non được trao giải thưởng Võ Trường Toản năm nay là những tấm gương sáng về lòng yêu nghề và sự hy sinh, tận tụy. Các cô đến với học trò bằng tấm lòng của người mẹ, đã tạo dựng nên những viên gạch nhân cách đầu đời, góp phần nuôi dạy từng thế hệ học sinh khôn lớn.  
 Cô Trương Thị Ngọc Thúy Ảnh: Hoàng Hùng
Cô Trương Thị Ngọc Thúy Ảnh: Hoàng Hùng

LTS: Năm học 2018-2019, giải thưởng Võ Trường Toản do Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức bước vào tuổi 21. Trải qua 21 năm phát triển, số lượng cán bộ quản lý, giáo viên được xét công nhận giải thưởng tăng lên qua mỗi năm đã chứng tỏ sức lan tỏa của giải thưởng. Báo SGGP xin giới thiệu 50 gương nhà giáo tiêu biểu được tôn vinh của giải thưởng năm nay để qua đó giúp xã hội có cái nhìn rõ nét hơn về những đóng góp, sự hy sinh thầm lặng của các thầy, cô giáo. 

Niềm vui từ những điều giản dị

Đối với học sinh lớp nhà trẻ Trường Mầm non 19/5 Thành phố (quận 1), hình ảnh cô giáo Trần Thị Kim Oanh gắn bó thân thương như bà ngoại ở nhà. Tuổi đời năm nay chạm ngưỡng 54, từ bàn tay chăm sóc của cô đã có biết bao thế hệ học trò khôn lớn. Cô Oanh tâm sự, trẻ ở lứa tuổi nhà trẻ khác với các độ tuổi khác là nhận thức của các em còn non nớt, nhiều trẻ đến trường khi chưa biết đi, mới biết bập bẹ, mọi hoạt động ăn, ngủ của các em trong ngày đều nhờ một tay cô giáo. “Nghề này vui lắm. Chỉ cần con cầm được ly nước, mang được đôi giày, biết tự ăn thì cha mẹ vui mừng một, cô vui đến mười”.

Trẻ ở trường với cô suốt cả ngày nên giữa cô - trò lúc nào cũng có sợi dây gắn kết. Kỷ niệm ngày nhà giáo, trong khi đồng nghiệp ở các lớp lớn hơn được nhận nhiều hoa, có học sinh cũ về thăm cô thì đối với giáo viên nhà trẻ, hầu hết trẻ sau khi lên lớp đều không nhớ cô giáo cũ. Song, cô Oanh cho biết không hề cảm thấy chạnh lòng, chỉ cần các em lớn lên khỏe mạnh đã là món quà lớn nhất đối với cô. 

Đối với cô Nguyễn Thị Hoa, giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (quận Tân Phú), mơ ước được làm giáo viên đã nhen nhóm từ những ngày thơ bé. Cô tâm sự, nhà ở tận huyện Hóc Môn, mỗi ngày phải đạp xe hơn 20km đến Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM để theo đuổi việc học. Ngày tốt nghiệp ra trường, cô được phân công về Trường Mầm non 15 (quận Tân Bình). Chiếc xe đạp từ những ngày sinh viên tiếp tục rong ruổi cùng cô giáo trẻ vượt qua bao nắng, mưa, những đoạn đường gập ghềnh, khúc khuỷu. Hôm nào đi làm về đến nhà cũng hơn 7 giờ tối. Vất vả là thế nhưng khi nói về công việc mình đang theo đuổi, ánh mắt cô Hoa sáng lên với biết bao kỷ niệm ân tình.

Cô Trần Thị Kim Oanh           Ảnh: HOÀNG HÙNG
 Cô kể, ngày nhà giáo đối với cô là ngày hạnh phúc nhất. Niềm hạnh phúc không nói bằng lời mà đôi khi bằng những giọt nước mắt. “Cách đây nhiều năm, tôi nhận quà chúc mừng ngày nhà giáo của một phụ huynh là túi nilon bên ngoài còn lấm lem bùn đất. Khi mở ra, từng bó rau muống, rau lang được bó chặt gọn gàng, vài trái bí mới hái còn nguyên cuống. Đáng nói, người phụ nữ tặng quà cho tôi đã ngoài 70 tuổi, đôi bàn tay rúm ró, tấm lưng còng đi lại khó khăn. Bác là bà ngoại của một học sinh trong lớp”, cô Hoa rưng rưng nhớ lại. 

Khó khăn nào cũng vượt qua

Có mặt tại Trường Mầm non Măng non 1 (quận 10) vào một sáng đầu tuần, ấn tượng của chúng tôi về cô giáo Nguyễn Trần Minh Nhựt là một dáng người nhỏ nhắn nhưng lanh lợi. Ít ai biết để giữ giọng nói trong trẻo như hiện tại, 2 tháng qua cô giáo trẻ này phải dùng thuốc điều trị bệnh giãn dây thanh quản. Cô Minh Nhựt chia sẻ: “Khi cầm trên tay tờ giấy chẩn đoán của bác sĩ, tôi đã khóc rất nhiều bởi còn bao nhiêu kế hoạch, dự định chưa làm cho học trò”.

Nhưng bằng tất cả lòng say mê, tình yêu thương với học trò cùng sự động viên, hỗ trợ từ ban giám hiệu, cô đã vượt qua những ngày tháng khó khăn đó, kiên nhẫn điều trị bệnh nhưng không bỏ một buổi nào lên lớp. Tâm sự với chúng tôi, cô Nhật cho biết sau khi tốt nghiệp lớp 12, cô thi đậu vào cả 3 trường đại học là Khoa học Xã hội và Nhân văn, Luật và Sư phạm. Nhớ lại lời chia sẻ của mẹ trước đây khi phải gác lại ước mơ con chữ vì áp lực kinh tế, mấy anh, chị em trong nhà không ai theo nghề giáo nên cô gái nhỏ đã quyết định thay mẹ viết tiếp giấc mơ còn dang dở. “Nghề nào cũng có buồn, vui, sướng, khổ nhưng nếu đã có đam mê, gắn bó với nghề bằng tất cả tình thương và sự nhiệt huyết thì không khó khăn nào giáo viên mầm non không vượt qua được”, cô Nhựt bày tỏ.

Chúng tôi đến Trường Mầm non Hương Sen (quận Bình Tân) để gặp cô giáo Nguyễn Thanh Thủy. Ẩn đằng sau vẻ ngoài dịu dàng, giọng nói ngọt ngào, trong trẻo là bản lĩnh cứng cỏi của người phụ nữ một mình gồng gánh cả gia đình khi chồng thường xuyên công tác xa, vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ở trường.

Cô Thủy cho biết, bản thân từng có nhiều lúc mệt mỏi. Khi con gái thứ hai vừa tròn 4 tháng tuổi, người mẹ trẻ phải cắn răng tìm chỗ gửi con để hoàn thành công việc giáo viên ở trường. Nhớ lại những ngày tháng khó khăn đó, cô cho biết chính nhờ tình cảm yêu thương của học trò, sự tin tưởng của phụ huynh cũng như hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình từ đồng nghiệp đã giúp cô có thêm động lực cống hiến hết mình với đam mê đã chọn. Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay đến khi cô giáo trẻ vừa chịu tang mẹ được ít ngày nhưng không vì thế mà mất đi ý nghĩa. Trái lại, cô cho biết sẽ xem phần thưởng như món quà tinh thần gửi tặng mẹ để ở đâu đó, mẹ tiếp tục là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn cho cô bước tiếp trên con đường đã chọn. 

Người nghệ sĩ đa tài

Nói về công việc mình đang theo đuổi, cô Trương Thị Ngọc Thúy, giáo viên Trường Mầm non Sơn Ca 5 (quận Phú Nhuận) cho biết, giáo viên mầm non là tổng hòa của nhiều nghề khác nhau vì ngoài vai trò dạy học, các cô còn đóng vai trò bác sĩ chẩn đoán nhanh bệnh tật cho học sinh, kịch sĩ, ca sĩ, ngoài ra còn phải là nhà tâm lý nắm bắt tâm tư, tình cảm của học sinh.

Cuộc đời cô Thúy từng ngập ngừng trước nhiều ngả rẽ khác nhau nhưng cuối cùng đã dừng chân ở môi trường sư phạm. Nghề giáo đối với cô đã trở thành cái nghiệp, là một phần máu thịt không thể tách rời. Thành quả sau 20 năm công tác là 2 tiếng gọi “má Thúy” thân thương của học trò. Tuổi tác và sức khỏe có thể suy giảm theo thời gian nhưng cô luôn tâm niệm chỉ cần gắn bó với học trò bằng tất cả tình thương và tinh thần trách nhiệm, mọi mệt mỏi, khó khăn đều tan biến. 

Còn đối với cô Đinh Nguyễn Thảo Vy, giáo viên Trường Mầm non 15 (quận 11), lòng yêu nghề thể hiện qua những đêm tự mày mò các ứng dụng công nghệ thông tin, tự học hỏi, trau dồi thêm kinh nghiệm để làm sinh động hơn bài giảng của mình, giúp trẻ ngày càng mến cô, yêu thích việc đến trường. Theo cô, ngoài tình yêu trẻ, giáo viên mầm non phải không ngừng học tập, luôn biết cách tự làm mới mình, qua đó mới tạo được hứng thú cho học trò. Các tiết dạy của cô trên lớp đều được lồng nhạc, tạo nhiều hiệu ứng tương tác giúp học sinh cảm thấy giờ học rất nhẹ nhàng, qua đó xây dựng thành công hình ảnh “trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tạo sự an tâm, tin tưởng nơi phụ huynh.   

Danh sách giáo viên mầm non được trao giải Võ Trường Toản năm nay còn có cô Phan Nguyễn Hồng Trang, giáo viên Trường Mầm non Sen Hồng (quận 2) và cô Lê Huỳnh Mai, giáo viên Trường Mầm non 19/5 (quận 7). Ngoài đảm bảo tốt công tác chuyên môn, các cô còn là những tấm gương sáng về sự năng nổ, nhiệt tình, luôn đi đầu trong mọi hoạt động phong trào của đơn vị.

Tin cùng chuyên mục