Giải trí cho công nhân: Vẫn còn... xa vời

Giải trí: chuyện xa xỉ
Giải trí cho công nhân: Vẫn còn... xa vời

Đời công nhân, sáng phải thức dậy sớm, kiếm món gì đó thật rẻ để lót dạ, rồi vội vã đến nhà máy tới chiều. Nếu ngày nào tăng ca thì mệt đừ, về đến phòng trọ, tắm rửa, giặt giũ xong đã 10g đêm. Công nhân làm ca thì ăn ngủ, sinh hoạt luôn thất thường. Công việc cứ thế cuốn họ ngày này qua ngày nọ, stress triền miên nhưng chuyện giải trí thì chỉ có trong... mơ!

Giải trí: chuyện xa xỉ

 Một thực trạng đáng nói: Những tháng hàng nhiều, nhiều xí nghiệp bắt tăng ca suốt, một tháng không biết đến ngày nghỉ là gì. Nhiều công ty còn có hình thức chuyển ca hết sức bất hợp lý: đang làm ca một lại chuyển xuống ca hai, có khi làm đến nửa đêm, sáng hôm sau lại trở về ca một.

Giải trí cho công nhân: Vẫn còn... xa vời ảnh 1

Một buổi chiếu phim miễn phí do Liên đoàn Lao động TPHCM tổ chức phục vụ các công nhân. Ảnh: MAI HƯƠNG

Mệt mỏi, ngủ không đủ giấc để lấy lại sức. Chị Hằng, làm ở Công ty Yujin Vina, nói: “Đi làm về quá mệt, chẳng còn muốn đi đâu cả, chỉ muốn ngủ để mai còn đi làm sớm. Công ty mình làm ca nên khá vất vả. Nếu làm ca 1, sáng phải thức dạy từ lúc 5g kém để chuẩn bị đi làm, nếu tăng ca thì tới gần 7g tối mới về đến nhà, ca 2, ca 3 cũng vất vả không kém, thời gian đâu mà giải trí và vui chơi?”.

Chị Nguyễn Thị Tứ  ở Công ty Nissei (Khu chế xuất Linh Trung I), tâm sự: “Làm công nhân để dành dụm được khoản tiền dư quả là khó. Không phải ai cũng có đủ tiền để sắm cho mình một cái ti vi, một cái máy cát-sét để nghe nhạc. Chuyện giải trí của công nhân là chuyện xa xỉ”.

Công việc cứ cuốn họ đi, cả năm trời không biết tin tức, sự kiện gì đang diễn ra xung quanh và cũng không còn nhiều thời gian để dành cho vui chơi, giải trí sau giờ làm việc. Ai giỏi dành dụm mua được cái ti vi đời cũ, cái đài be bé để nghe là niềm hạnh phúc lớn đối với đời sống công nhân.

Chị Linh làm ở Công ty Year 2000, cho biết: “Bây giờ giá thuê phòng, mọi đồ dùng sinh hoạt đều tăng dữ quá, lương lại không tăng nên làm không dư nhiều. Mỗi  tháng tiết kiệm lắm cũng chỉ được vài trăm ngàn để gửi về quê cho gia đình. Còn mình không dám mua sắm gì cả. Những bạn trẻ như bọn mình ở đây thỉnh thoảng ngày không tăng ca hay chủ nhật chỉ rủ nhau đi ăn chè, gọi là giải trí, còn chuyện đi xem ca nhạc, phim là chuyện trong mơ”.

Có thể nói, hiện nay việc giải trí cho công nhân gần như con số không. Một số liên đoàn lao động quận, huyện, công đoàn ở khu chế xuất, khu công nghiệp cũng có tổ chức những chương trình ca nhạc đến với công nhân nhưng không nhiều, một năm chỉ có đôi lần.

Chị Nguyễn Thi Loan, công nhân Khu công nghiệp Tân Tạo, chân tình nói: “Em chưa bao giờ biết đến rạp hát, đâu dám bỏ ra 20.000đ để đi xem. Tụi em mà nghe có ca sĩ về hát cho công nhân nghe, mệt cách mấy cũng thích đi”!

Quá stress, môi trường sống “khủng”!

Theo một bác sĩ tại Trung tâm Sức khỏe lao động và môi trường TPHCM, thì trong nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, máy móc, không khí, nguồn nước… có ảnh hưởng rất lớn về mặt sức khỏe tinh thần và thể chất.

Hiện nay, phần lớn công nhân làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp tại TPHCM đều xuất thân từ nông thôn, không được đào tạo cơ bản, thiếu kiến thức về vệ sinh, an toàn lao động nên không có biện pháp phòng ngừa hữu hiệu cũng như ý thức bảo vệ sức khỏe, hay gặp tai nạn và dễ bị bệnh nghề nghiệp sau này.

Mới đây, qua kiểm tra một số doanh nghiệp tại TPHCM, người lao động tại nhiều doanh nghiệp chưa được thật sự quan tâm về chăm sóc sức khỏe. Chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp có thành lập hội đồng bảo hộ lao động, 30% có cán bộ y tế, 47% có khám sức khỏe định kỳ và chỉ có 18% phát hiện bệnh nghề nghiệp của công nhân.

Môi trường trong nhà máy - nơi các công nhân trực tiếp làm việc -  như vậy, còn nếu đến các khu nhà trọ của công nhân, phải nói rằng nhiều nơi có điều kiện, môi trường sống thật... kinh hoàng. Không thể phủ nhận có một số đơn vị lo chỗ ở cho công nhân, chăm sóc đời sống tinh thần cho công nhân nhưng con số này chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Qua khảo sát nhiều khu nhà trọ công nhân ở Tân Kỳ – Tân Quý (Q.Tân Phú), một số khu ở phường Bình Chiểu (Thủ Đức), các khu nhà ở Bình Hòa (giáp ranh Thủ Đức và Bình Dương), khu Phú Thuận (Q.7)… nhiều chỗ nhếch nhác không thể tưởng tượng nổi. Gần Khu công nghiệp Tân Tạo (Q Bình Tân) có nhiều căn nhà trọ chừng 16m2, vách ván ép, lợp tôn cũ, ở đến 6 người, phòng nóng ran, tối om, đường đi chung chưa đầy 1m, có nơi nước thải chảy ra rất mất vệ sinh.
 
Tiếp xúc với công nhân, nhất là nữ, mới biết được công nhân bị stress là do họ làm việc quần quật nhưng thu nhập quá thấp. Bình quân mỗi công nhân thu nhập khoảng 800 đến 900 ngàn đồng/tháng, tăng ca thì được khoảng 1 đến 1,2 triệu đồng/tháng nên muốn có dư chút đỉnh phải ăn, uống cực khổ.

Thử tính một tháng lương của công nhân may bình quân 900 ngàn đồng/tháng, trong đó tiền thuê nhà 150.000đ, tiền ăn hết 400.000đ, còn lại 350.000đ/tháng, chưa nói đến những phát sinh khác, hay trường hợp đau ốm, xem như tháng đó không dư. Còn thu nhập khoảng 800.000đ/tháng thì chỉ đủ sống.
 
Thử làm một cuộc khảo sát 10 công nhân tại Khu chế xuất Tân Tạo, có đến 7 người cho biết, họ muốn vào thành phố với mong ước đổi đời bằng cách xin vào làm trong các nhà máy, xí nghiệp để kiếm tiền gửi về cho cha mẹ, nuôi em ăn học...

Thế nhưng, cuộc sống và công việc không phải dễ dàng. Khi họ thu nhập thấp, rồi làm việc quá sức, ngã bệnh, đau ốm không có tiền chữa bệnh sinh ra buồn chán. Thế nhưng với câu hỏi: “Như vậy, anh, chị định trở về quê hay không?”, thì hầu hết cho rằng, tuy cực khổ nhưng dù sao cũng phải bám trụ chứ nếu về quê sẽ không có việc làm.

MỸ DUNG

Tin cùng chuyên mục